TP.HCM: Hàng loạt những tồn tại nan giải khi triển khai chương trình GDPT 2018

Mỹ Quỳnh Thứ ba, ngày 20/09/2022 10:30 AM (GMT+7)
Sĩ số đông, không tổ chức được 2 buổi/ngày, cơ sở vật chất chưa đảm bảo... là những tồn tại mà ngành giáo dục TP.HCM đang phải đối mặt khi triển khai chương trình GDPT 2018.
Bình luận 0

Sáng 20/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi làm việc về khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2022.

Tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM đã đưa ra những khó khăn, thách thức của ngành giáo dục thành phố.

Hàng loạt những tồn tại nan giải

Theo lãnh đạo Sở GDĐT TP.HCM, chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT) ở cấp tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày nhưng vì áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao, số trường và số phòng học chưa đủ... nên không thể đảm bảo 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Nhiều trường có sĩ số các lớp đông nên giáo viên rất vất vả trong việc giảng dạy và bao quát học sinh.

TP.HCM: Hàng loạt những tồn tại "nan giải" trong triển khai chương trình GDPT 2018 - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn ĐBQH về về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2022. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất chưa đồng bộ để đảm bảo thực hiện chương trình GDPT mới, còn một số trường có diện tích nhỏ hẹp, có trường thuộc vùng ven hoặc vùng áp lực dân nhập cư như Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, quận 12 còn thiếu phòng bộ môn, phòng chức năng... do tất cả phòng ốc đều tập trung cho việc học của học sinh. Một số trường tiểu học thiếu phòng máy cho học sinh học tin học theo chương trình bắt buộc và sẽ gặp khó khăn trong việc tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày.

Ông Quốc cho biết thêm, một tồn tại khác là không ít cha mẹ học sinh chưa quan tâm đến việc học của con em mình, còn tư tưởng giao khoán việc học cho giáo viên và nhà trường.

Thời gian qua, TP.HCM trải qua giai đoạn dạy học trực tuyến khá dài, một số học sinh không có thiết bị học tập, thời gian tương tác giữa giáo viên và học sinh ít, làm ảnh hưởng phần nào đến kết quả học tập của học sinh, nhất là học sinh lớp 1. Điều này khiến giáo viên cần có thêm thời gian để giúp đỡ cho các em khi đi học trực tiếp trở lại. Đồng thời, việc học trực tuyến một thời gian dài cũng ảnh hưởng đến tâm lý và kỹ năng sống của học sinh.

TP.HCM: Hàng loạt những tồn tại "nan giải" trong triển khai chương trình GDPT 2018 - Ảnh 3.

Học sinh nhiều quận, huyện không được học 2 buổi/ngày. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Nhiều trường có số lượng học sinh học hòa nhập khá đông, có nhiều học sinh khó khăn trong tiếp thu bài, phần nào ảnh hưởng chung đến các học sinh khác trong lớp.

Cuối cùng, khó khăn nan giải của ngành giáo dục là việc tuyển dụng giáo viên cho năm học 2021-2022 thực hiện chậm dẫn đến một số trưởng thiếu giáo viên dạy nhiều môn, giáo viên bộ môn, nhất là giáo viên tiếng Anh và Tin học - Công nghệ, Nghệ thuật. Tỉ lệ giáo viên lớp chưa đáp ứng theo quy định đối với loại hình dạy học 2 buổi/ngày.

Những nguyên nhân

Theo lãnh đạo Sở GDĐT, nguyên nhân khiến các quận, huyện chưa tổ chức được 2 buổi/ngày là do khó khăn về quỹ đất, kinh phí và điều kiện sống của người dân; dân số cơ học tăng cao.

Tình trạng di dân vào TP.HCM ngày càng tăng, dẫn đến sĩ số học sinh bình quân trên lớp luôn cao (các trường công lập).

TP.HCM: Hàng loạt những tồn tại "nan giải" trong triển khai chương trình GDPT 2018 - Ảnh 4.

Chương trình GDPT 2018 vẫn còn nhiều thách thức với TP.HCM. Ảnh: AX

Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số giáo viên chưa đồng đều, cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý, thiếu giáo viên các môn chuyên như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục.

Ông Quốc cho biết thêm, theo Điều 3, Nghị định 101/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 quy định: không thực hiện ký hợp đồng lao động đối với những người làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Điều này gây khó khăn cho các đơn vị khi không tuyển dụng được giáo viên, do giáo viên nghỉ hưu, nghỉ việc đột xuất vẫn không được ký hợp đồng với vị trí việc làm đã được quy định như trên, không đáp ứng nguồn giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018...

Tại buổi làm việc, bà Văn Thị Bạch Tuyết – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nhận định, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 trong bối cảnh 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 chịu nhiều thách thức.

Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến vấn đề trang bị sách giáo khoa cho học sinh, chất lượng dạy và học khi triển khai chương trình mới, cũng như chế độ chính sách dành cho giáo viên. Đồng thời, chương trình có sự thay đổi lớn khi triển khai một số môn học theo hình thức đa môn, thay cho việc dạy đơn môn trước đây.

Bên cạnh đó, các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, nâng chuẩn trình độ giáo viên và khó khăn trong việc tuyển dụng đội ngũ là những thách thức đang đặt ra cho TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem