Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đã hoàn thành dự thảo báo cáo tổng hợp Đề án đầu tư xây dựng huyện Bình Chánh thành quận hoặc TP thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2030.
Cơ quan này cho rằng, huyện Bình Chánh có vị trí quan trọng, là cửa ngõ phía Tây Nam, đầu mối giao thông nối liền TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL. Đồng thời, Bình Chánh cũng có mối liên kết qua nhiều hoạt động kinh tế - xã hội với tỉnh Long An.
Mặc dù vậy, hạ tầng giao thông kết nối nội bộ trong huyện còn hạn chế, nhất là các khu vực lân cận và tiếp giáp với tỉnh Long An. Việc này gây cản trở rất lớn cho quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế và liên kết giữa hai vùng.
Cũng theo HIDS, đất đai huyện Bình Chánh còn nhiều nhưng chưa khai thác hiệu quả. Đặc biệt, bộ máy quản lý theo đơn vị hành chính nông thôn chưa thể đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
"Do vậy, nhu cầu chuyển đổi từ đơn vị hành chính cấp huyện sang đơn vị hành chính cấp đô thị (mô hình TP thuộc TP) để huyện Bình Chánh có điều kiện đầu tư hạ tầng, khai thác tiềm năng, thế mạnh hiện nay là vấn đề đặt ra rất bức thiết", HIDS kiến nghị.
Huyện Bình Chánh không đủ tiêu chuẩn và cũng không có khả năng chuyển đổi thành đơn vị hành chính cấp quận từ đây đến năm 2030 (theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH2013 về phân loại đô thị và Nghị quyết 1211/2016UBTVQH13 về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính).
HIDS cho rằng để đạt mục tiêu thành thành phố, Bình Chánh cần đầu tư nhiều dự án theo phân kỳ giai đoạn. Trong đó, từ nay đến năm 2025, cần 603 dự án phát triển hạ tầng đô thị và kinh tế đô thị, 300 dự án nâng cấp và mở rộng đường giao thông theo nguồn vốn đầu tư công, 35 dự án cải tạo môi trường, 13 dự án phát triển nhà ở thương mại, 8 dự án nhà ở xã hội.
Tổng vốn đầu tư ước khoảng 88.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2026-2030, Bình Chánh chủ yếu tập trung vào các dự án có quy mô lớn, các dự án thường do Trung ương hoặc TP quản lý, với 91 dự án phát triển hạ tầng đô thị và kinh tế đô thị và các dự án bổ sung khác. Tổng vốn đầu tư ước gần 34.695 tỷ đồng (chưa tính một số dự án mới được đề xuất gần đây).
Trước đó, UBND TP.HCM đã có báo cáo 3 năm triển khai đề án chuyển một số huyện thành quận hoặc TP trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030.
Theo báo cáo, UBND TP.HCM đánh giá mô hình chuyển đổi lên đơn vị hành chính quận đối với 5 huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ là rất khó đạt được. Nguyên nhân do quy định bắt buộc các huyện phải đạt theo tiêu chí của đô thị loại đặc biệt, đồng thời phải có đủ 100% các xã đủ tiêu chí để chuyển đổi sang phường.
Trong khi đó, hầu hết các địa phương như huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh đang còn diện tích đất nông nghiệp khá nhiều. Do vậy, mô hình TP thuộc TP là phương án được lựa chọn của cả 5 huyện. Điều này sẽ đáp ứng mục tiêu chuyển các đơn vị hành chính huyện thành đơn vị hành chính cấp đô thị, nhưng vẫn giữ lại một số khu vực nông nghiệp ngoại thành của đơn vị hành chính mới trực thuộc.
Ngoài ra, theo ước tính của UBND TP.HCM, nhu cầu tổng nguồn vốn đầu tư cho 5 huyện ngoại thành giai đoạn 2021-2030 rất lớn, vào khoảng 242.000 tỷ đồng. Trong khi cơ hội thu lại trên địa bàn 5 huyện, theo tính toán sơ bộ của Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP trong 10 năm tới, có thể đạt khoảng 528.000 tỷ đồng.
Huyện Bình Chánh có diện tích tự nhiên là 25.255,28ha. Đây là huyện có diện tích lớn thứ 3 của TP.HCM (253km2), nhưng tốc độ đô thị hóa không đồng đều.
Hiện một số xã vẫn thuần nông. Diện tích đất của huyện chiếm 58,1% là nông nghiệp, chiếm 12% tổng diện tích của TP.HCM.
Bình Chánh chỉ đóng góp 1,9% vào GDP của TP.HCM.
Huyện như Bình Chánh đang phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại III và làm thủ tục đề nghị công nhận TP thuộc TPHCM vào năm 2025.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.