Sở GTVT TP.HCM mới đây đã có tờ trình gửi UBND TP về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn. Theo tờ trình, đơn vị này đề xuất thời gian thực hiện thu phí được áp dụng từ ngày 1/1/2024.
Về đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí, Sở GTVT tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường đối với các tuyến đường do Sở GTVT quản lý. Song song đó, UBND cấp huyện tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với các tuyến đường do UBND huyện quản lý.
Đặc biệt, đối với công tác thu phí đỗ xe ô tô dưới lòng đường theo giờ đang được UBND TP giao cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong thực hiện.
Hiện nay, UBND TP đã giao Sở GTVT phối hợp với các đơn vị tổ chức đánh giá để điều chỉnh việc tổ chức thu phí, tăng cường trách nhiệm và vai trò của UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả trong công tác thu phí sử dụng lòng đường, hè phố.
Trong tờ trình, 3 trường hợp phải trả phí sử dụng tạm thời lòng đường bao gồm: tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa; làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; bố trí điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.
Ngoài ra, 5 trường hợp phải trả phí sử dụng tạm thời hè phố gồm: tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông, giữ xe phục vụ các hoạt động văn hóa; làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; làm điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền người sử dụng và lắp đặt các công trình tạm trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông; làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình; bố trí điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.
Đối với trường hợp các tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô thì áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐND của HĐND TP ngày 16/3/2018.
Mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn được áp dụng dựa theo mức giá đất bình quân của 5 khu vực. Mỗi khu vực, các tuyến đường được chia thành khu vực trung tâm và các khu vực còn lại.
Theo đó, mức cao nhất cho hoạt động trông giữ xe là 350.000 đồng/m2/tháng, thấp nhất 50.000 đồng/m2/tháng. Đối với các hoạt động khác, mức phí được tính từ 20.000-100.000 đồng/m2/tháng.
Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 ngày được tính nửa tháng, từ 15 ngày trở lên thì tính một tháng. Dự kiến số tiền thu phí sẽ thu được là 1.552 tỷ đồng/năm, trong đó số thu đối với lòng đường khoảng 550 tỷ đồng/năm, số thu đối với vỉa hè khoảng 972 tỷ đồng/năm.
Toàn bộ số tiền phí thu được nộp vào ngân sách và được sử dụng có mục tiêu phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố.
Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, hiện TP có tổng cộng 4.869 tuyến đường có bề rộng từ 5m trở lên, trong đó có 3.631 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7,5 m và 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5 m trở lên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.