TP.HCM: Kẽ hở từ khai báo y tế điện tử ở quận Gò Vấp, kẻ xấu có thể mạo danh để hãm hại người khác

Mỹ Quỳnh Thứ năm, ngày 03/06/2021 19:11 PM (GMT+7)
Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Y tế và UBND quận Gò Vấp vừa phối hợp triển khai quy trình khai báo y tế điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi ra, vào quận Gò Vấp trong thời gian giãn cách. Tuy nhiên, phần mềm khai báo điện tử hiện nay rất đơn giản, dễ bị mạo danh nếu có ý đồ xấu.
Bình luận 0

Rất dễ mạo danh nếu có ý đồ xấu

Vừa thực hiện xong việc khai báo y tế điện tử từ đường dẫn: https://khaibaoyte.khambenh.gov.vn/, anh Nguyễn Mạnh Hưng (ngụ quận Gò Vấp) cho biết, việc khai báo trực tuyến sẽ giúp anh thuận tiện và tiết kiệm thời gian khi ra, vào quận Gò Vấp. Tuy nhiên, theo nhận định của anh, phần mềm này khá đơn giản, những kẻ có ý đồ xấu có thể lợi dụng để hãm hại người khác.

Kẽ hở từ khai báo y tế điện tử: Kẻ xấu có thể mạo danh để hãm hại người khác - Ảnh 1.

Hướng dẫn khai báo điện tử của Sở Y tế TP.HCM

Theo đó, khi nhấp vào đường dẫn khai báo y tế, người khai chỉ cần điền đầy đủ thông tin và nhập mã xác thực (có sẵn trên đường dẫn) là hoàn tất. Như vậy, muốn giả danh người khác để khai báo hoàn toàn dễ dàng.

Trường hợp người có ý đồ xấu muốn lợi dụng khai báo y tế để làm hại ai đó, chỉ cần điền thông tin người muốn hại, và đánh dấu có đến những vùng dịch bệnh, có tiếp xúc người nghi bệnh, hoặc khai trong người có những biểu hiện bị sốt, ho, đau nhức... giống triệu chứng bị nhiễm bệnh Covid 19. Khi bị mạo danh khai báo, những người bị hại này có thể bị cách ly, ảnh hưởng đến việc làm, uy tín… đồng thời, các cơ quan y tế cũng mất thời gian kiểm tra, tầm soát.

Trong bản khai báo y tế điện tử có mục bắt buộc nhập số điện thoại, tuy nhiên, kẻ xấu có thể mua sim điện thoại rác để mạo danh khai báo y tế. Điều này cơ quan chức năng sẽ khó phát hiện và xử phạt. "Tôi thiết nghĩ, Sở Y tế TP.HCM nên bổ sung thêm các tính năng trong mẫu biểu hướng dẫn khai báo y tế điện tử để khắc phục những điểm hạn chế nêu trên, nhằm để bảo vệ tốt nhất cho người dân" – anh Hưng nói.

Theo anh, Sở Y tế nên bổ sung thêm mục CMND/CCCD, trong đó ghi rõ số CMND/CCCD, ngày cấp, nơi cấp; Bổ sung thêm mục lấy mã số xác thực thông qua tin nhắn điện thoại của người khai báo; Đặc biệt và quan trọng nhất là trong bản khai báo y tế điện tử này cần có mục xác minh người khai báo là chính chủ (ví dụ xác minh qua dấu vân tay, xác thực gương mặt…) để kẻ xấu không thể mạo danh người khác khai báo y tế.

Hành vi có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Đồng quan điểm với anh Hưng, luật sư Lê Bá Thường - Giám đốc Công Ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, quy trình khai báo y tế điện tử hiện nay cơ bản đáp ứng được nhu cầu nhanh gọn giữa thời điểm dịch Covid-19 phức tạp. Tuy nhiên, phần mềm chưa thật sự hoàn thiện và đảm bảo an toàn thông tin cho người dân.

Sẽ chẳng có gì bất ngờ nếu một ngày bạn được cơ quan chức năng đến làm việc, đưa đi cách ly trong sự ngỡ ngàng vì bị đối thủ, người ganh ghét đố kỵ hãm hại.

Kẽ hở từ khai báo y tế điện tử: Kẻ xấu có thể mạo danh để hãm hại người khác - Ảnh 3.

Luật sư Lê Bá Thường cho biết, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật… có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Tuy nhiên, hành vi này là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý rất nặng. Theo luật sư Thường, trường hợp người nào gây hậu quả nghiêm trọng với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan... sẽ bị xử lý về "Tội tung tin sai sự thật" và người vi phạm sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng (điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).

Ngoài ra, nếu người phạm tội biết những thông tin mình đưa ra là sai sự thật nhưng vẫn thực hiện nhằm vu khống, xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác sẽ bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 1 - 3 năm. Nếu có động cơ đê hèn, làm nạn nhân tự sát hoặc bị rối loạn tâm thần và hành vi từ 61% trở lên, người vi phạm sẽ bị phạt từ 3 - 7 năm tù. (Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015).

Trước đó, Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Y tế và UBND quận Gò Vấp triển khai quy trình khai báo y tế điện tử đối với người dân ra, vào quận Gò Vấp thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1: Bắt đầu áp dụng từ 12g ngày 3/6: Người dân khai báo y tế điện tử trước khi ra, vào khu vực quận Gò Vấp và lưu tờ khai điện tử có mã QR được cấp trên điện thoại thông minh. Người dân nên chủ động khai báo y tế tại nhà trước khi di chuyển ra, vào quận Gò Vấp.

Khi người dân đến chốt kiểm soát ở cửa ngõ quận Gò Vấp, chỉ cần xuất trình mã QR đã lưu trên điện thoại thông minh cho nhân viên kiểm soát. Trong trường hợp người dân không sử dụng điện thoại thông minh, có thể nhờ người khác khai báo hộ và thông báo họ tên, số điện thoại trên tờ khai điện tử cho nhân viên kiểm soát. Ngoài ra, UBND quận Gò Vấp sẽ bố trí lực lượng tình nguyện viên tại các chốt kiểm soát nhằm hỗ trợ việc khai báo hộ cho các trường hợp gặp khó khăn trong khai báo y tế điện tử.

Giai đoạn 2: Sở Thông tin và truyền thông, Sở Y tế và UBND quận Gò Vấp phối hợp mở rộng ứng dụng trên điện thoại thông minh để hỗ trợ kiểm soát dịch đối với người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất được phép hoạt động trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16.

Do đó, các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động trong quận Gò Vấp và các tổ chức, doanh nghiệp ngoài quận Gò Vấp nhưng có người lao động đang cư trú trong quận Gò Vấp cần khai báo thông tin của tổ chức, doanh nghiệp trên trang thông tin https://khaibaoyte.khambenh.gov.vn/, hoàn thành trước ngày 5/6.

Trong quá trình thực hiện, nếu người dân, tổ chức và doanh nghiệp có góp ý, phản ánh hoặc đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ, vui lòng liên hệ tổng đài 1022.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem