TP.HCM kiên cường trong tâm dịch - Bài cuối: "Mong bà con cùng chia sẻ khó khăn"

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 17/07/2021 14:00 PM (GMT+7)
Với trách nhiệm của những người đứng đầu, lãnh đạo TP.HCM không chỉ tìm giải pháp khống chế, dập dịch mà còn luôn đau đáu nỗi lo cuộc sống của người dân trong những ngày giãn cách khó khăn.
Bình luận 0
TP.HCM kiên cường trong tâm dịch: Bài cuối: "Mong bà con cùng chia sẻ khó khăn" - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên (trái) và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong (phải) kiểm tra Khu cách ly F1 tại Khu tái định cư 38,4 ha, Chung cư R1, R2, R3 (phường An Khánh, TP.Thủ Đức). Ảnh: Long Hồ

Không chỉ lo bữa ăn hàng ngày cho người dân

Đối mặt với đợt dịch lớn nhất từ trước đến nay, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định, mục tiêu đề ra là tập trung ngăn chặn, kéo giảm, khống chế, từng bước kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM và toàn vùng. Trong những ngày áp dụng Chỉ thị 16, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân đã tập trung, nỗ lực cao độ, thực hiện nghiêm các biện pháp đề ra.

Tuy nhiên, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM thừa nhận có nơi, có lúc cán bộ chưa làm tốt trách nhiệm được giao. "Chúng tôi đã nhắc nhở, kiểm tra, phân công, điều chỉnh một số lực lượng để hỗ trợ những nơi mà nhận thấy chưa đủ sức làm", ông Nên nói.

Đối với công tác điều trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết ngành y tế đã tập trung được nguồn lực, nhân lực, phương tiện, thiết bị cần và đủ để đảm bảo chăm sóc sức khỏe, hồi sức cấp cứu cho các trường hợp mắc bệnh.

Mục tiêu lớn nhất là hạn chế trường hợp tử vong, Bí thư Nên chia sẻ thêm: "Chúng ta nói phần lớn ca tử vong do bệnh nền, nhưng chúng ta không lo bệnh nền cho người dân khi bị nhiễm là trách nhiệm của chúng ta".

Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị các đơn vị chức năng tạo điều kiện điều trị cho người có bệnh lý nền, tránh những bi kịch có thể xảy ra.

Người đứng đầu Thành ủy mong muốn báo chí tăng cường chia sẻ thông tin để người dân hiểu, yên tâm về các chính sách của thành phố. Ông thừa nhận khi thực hiện Chỉ thị 16, có những tình huống "không lường hết". Ví dụ như việc thành phố tăng kiểm tra, kiểm soát tại các chốt để người dân chấp hành nghiêm Chỉ thị 16. Nhưng khi kiểm tra tại chốt thì lại gây tắc đường, khiến nguy cơ lây nhiễm cao hơn.

"Khi đó, người chỉ huy ở chiến trường buộc phải chọn giải pháp ít xấu nhất. Tình huống đó làm sao mà lường trước được, phải ra hiện trường mới gặp", ông nói và mong người dân chia sẻ với các tình huống phát sinh của thành phố.

Một vấn đề khác được Bí thư Nguyễn Văn Nên nhắc đến là phải quan tâm đến đời sống, tâm lý của nhân viên y tế. Ông kể lại chia sẻ của một bác sĩ, theo đó, cả nhà làm ngành y, tham gia chống dịch, chỉ còn mẹ già ở nhà. Các thành viên trong gia đình về nhà thì sợ lây cho mẹ nên mong muốn thành phố tiêm vaccine cho cả nhóm đối tượng này.

"Thời gian càng kéo dài thì càng thấm mệt. Sức anh em mệt mà bà con cũng phải chịu đựng. Có người ra nhận tiền hỗ trợ mừng đến khóc. Nhưng chừng đó chỉ sống trong ngày thôi, còn tiền điện, tiền nước, tiền thuê nhà... Tôi đang bàn kế hoạch để hỗ trợ cho người dân, không chỉ lo bữa ăn hàng ngày", Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

TP.HCM kiên cường trong tâm dịch: Bài cuối: "Mong bà con cùng chia sẻ khó khăn" - Ảnh 3.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên kiểm tra Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: Việt Dũng

"Mong bà con thông cảm và chia sẻ"

Với cương vị người đứng đầu thành phố, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khi công bố quyết định áp dụng giãn cách toàn thành phố trong 15 ngày theo Chỉ thị 16 đã trăn trở: "Do tính chất phức tạp của đại dịch, cùng với mật độ dân cư rất cao tại Thành phố và mức độ giao thương với các địa phương rất lớn nên công tác kiểm soát dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức, nhất là kiểm soát chủng vi rút Delta, chủng vi rút được Tổ chức Y tế thế giới xem là chủng trội toàn cầu, có khả năng lây lan nhanh, có khả năng giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine. 

Theo đó, khi một người mắc bệnh chủng cũ trung bình sẽ lây cho 2-4 người thì chủng biến thể Alpha có thể lây cho đến 7 người khác, còn chủng biến thể Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha từ 40-60%. Chính vì vậy, để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, Thành phố xác định cần phải làm quyết liệt hơn nữa, xem đây là cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn và nâng cao một mức nữa trong công tác phòng chống dịch, đó là áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ".

TP.HCM kiên cường trong tâm dịch: Bài cuối: "Mong bà con cùng chia sẻ khó khăn" - Ảnh 4.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiểm tra khu cách ly tập trung xã Long Thới, Nhà Bè. Ảnh: Quang Huy

Ông Phong cho biết, khi áp dụng giãn cách, phần lớn cuộc sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng, nhưng phát huy tinh thần "mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch", ông mong mỏi đồng bào thành phố ủng hộ, cảm thông khi Thành phố áp dụng các biện pháp giãn cách, cách ly trên diện rộng để kiểm soát, khống chế dịch bệnh.

Để đảm bảo sinh hoạt của người dân, Chủ tịch TP.HCM cho biết, địa phương đã triển khai phát phiếu mua thực phẩm nhằm hạn chế người dân tập trung cùng một thời điểm. Thành phố cũng thành lập đội hỗ trợ, ứng cứu nhanh, nắm bắt và giải quyết thông tin người dân phản ánh kịp thời. Đến thời điểm này, đã có hơn 130.000 lao động tự do được hỗ trợ với số tiền khoảng 195 tỷ đồng.

Về cung ứng hàng hóa, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo tuyệt đối không để xảy ra tình trạng hạn chế lương thực cho bà con ở bên trong các khu phong tỏa. Nếu gặp khó khăn về lương thực, địa phương phải kết nối nhanh với Sở Công thương để tìm nguồn hàng. Bên cạnh đó, các địa phương phải nhanh chóng chi tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do Covid-19 để họ kịp thời mua lương thực. "Tuyệt đối không để bà con thiếu đói!", ông Phong nhấn mạnh.

Gánh nỗi lo cùng người dân khi phải dừng các hoạt động kinh doanh ăn uống, các dịch vụ không thiết yếu, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP chia sẻ: "Khi quyết định dừng một hoạt động gì của người dân, chúng tôi đều rất đắn đo, cân nhắc. Với các cửa hàng dịch vụ ăn uống bán mang về, trong thời điểm này nếu tiếp tục hoạt động sẽ không đảm bảo được quy định giãn cách, tập trung 2 người. Tôi ví dụ như một quầy bán bánh mỳ nhỏ thôi, đã có 1-2 người đứng bán, nếu shipper tập trung đến lấy hàng mang đi thì chắc chắn không thể đảm bảo giãn cách. Vì thế, rất mong bà con, người dân thành phố thông cảm, đồng lòng cùng thành phố trong 15 ngày chống dịch này".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem