TP.HCM kiến nghị Chính phủ phê duyệt ranh giới 4,39ha tại Thủ Thiêm

Hồ Văn Thứ bảy, ngày 12/01/2019 13:15 PM (GMT+7)
Về xác định ranh khu đất khoảng 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận ủy quyền cho Bộ Xây dựng phê duyệt phạm vi, ranh giới khu 4,39ha để TP sớm triển khai đền bù cho dân Thủ Thiêm.
Bình luận 0

Sáng ngày 12.1, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ về một năm triển khai cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong thay mặt UBND TP kiến nghị với Thủ tướng nhiều nội dung, trong đó có liên quan đến khu 4,39ha ngoài ranh Thủ Thiêm.

img

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu kiến nghị. Ảnh: H.V

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, thực hiện Thông báo kết luận số 1483 của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã nghiêm túc triển khai đồng bộ các giải pháp để giải quyết các khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Liên quan đến nội dung xác định ranh phần đất diện tích khoảng 4,3 ha thuộc một phần khu phố 1, phường Bình An, quận 2, UBND TP đã làm việc với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1120 ngày 4.12.2018.

“Do tính chất đặc thù của tình hình Khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện nay, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận ủy quyền cho Bộ Xây dựng phê duyệt phạm vi, ranh giới, diện tích khu vực 4,39 ha để thành phố triển khai các chính sách đền bù, hỗ trợ cho 321 hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng, nhằm tạo sự đồng thuận cao nhất của người dân khi triển khai thực hiện”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong kiến nghị.  

img

Ông Lê Văn Lung, một cư dân Thủ Thiêm đang chỉ rõ ranh giới khu 4,3ha ngoài ranh Thủ Thiêm. Ảnh: H.V

Liên quan đến các dự án cụ thể ngoài quy định theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, Chủ tịch TP.HCM cho biết, dự án đầu tư xây dựng 1.330 căn hộ tại Khu dân cư 38,4 ha phường Bình Khánh, quận 2 (nằm trong Chương trình 12.500 căn hộ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm), đề xuất cho phép thành phố đàm phán với nhà đầu tư để không thực hiện việc thanh toán và mua lại quỹ nhà; Chủ đầu tư tiếp tục phát triển dự án theo quy hoạch trên khu đất được giao mặt bằng với mục tiêu xây dựng nhà ở thương mại; Thành phố sẽ xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường, phù hợp với mục đích sử dụng đất để thu tiền sử dụng đất đối với khu đất đã giao cho chủ đầu tư để thực hiện dự án (UBND TP đã trình tại văn bản số 4916 ngày 30.10.2018).

Về Dự án “Khu phức hợp thông minh” tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đề xuất cho phép thành phố tiếp tục triển khai thực hiện dự án Khu phức hợp thông minh tại Khu chức năng số 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với quy mô giảm từ 10 lô đất, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2,11 tỷ USD giảm còn 6 lô đất, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 900 triệu USD (do các lô còn lại đang vướng giải phóng mặt bằng) và rút gọn thành phần Nhà đầu tư tham gia dự án từ 07 nhà đầu tư xuống còn 04 nhà đầu tư thuộc Tập đoàn Lotte thực hiện dự án.

Về Dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương): Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chủ trì, phối hợp thành phố sớm hoàn thành các thủ tục thẩm định, trình phê duyệt tổng mức đầu tư dự án theo quy định, đồng thời ưu tiên bố trí vốn giải ngân cho dự án theo Hiệp định vay đã ký, theo tiến độ thực hiện và theo quy định của Luật đầu tư công.

img

Dự án Metro sau gần một năm đóng băng đã được Trung ương tháo gỡ

Ngoài ra, thay mặt lãnh đạo TP, ông Phong cũng kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương, Thủ tướng Chính phủ xem xét, xác định số lượng công chức năm 2015 của thành phố được HĐND TP thông qua là 13.049 người (trong khi năm 2015 Bộ Nội vụ chỉ giao 8.450 biên chế hành chính) cho phù hợp với tình hình thực tiễn tại TP.HCM về quy mô dân số, năng suất lao động và tính chất đặc thù của một đô thị đặc biệt. Thành phố sẽ thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, đến năm 2021 giảm ít nhất 10% so với năm 2015.

Thay mặt UBND TP, ông Phong cũng đưa ra các nội dung đề xuất Chính phủ, bao gồm:  Kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương ban hành Nghị định về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh, với 7 nội dung thuộc Sở Xây dựng; Sở Công Thương; Sở KH-CN; Sở LĐ-TB&XH; Sở Kế hoạch đầu tư;  Về lĩnh vực tài chính - ngân sách;  Về định giá tài sản trong tố tụng hình sự……

“Để Nghị định phân cấp mang tính tổng thể, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ những nội dung đề xuất trên giao Bộ Nội vụ chủ trì làm việc với thành phố và các bộ ngành liên quan rà soát lại các lĩnh vực khác có thể phân cấp, tổng hợp, cùng thành phố xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ”, ông Phong nói.

Đặc biệt, về lĩnh vực giao thông: Dự án đường Vành đai 3, TP.HCM kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương cho triển khai dự án tuyến đường Vành đai 3, đoạn qua địa bàn TP.HCM; đồng thời cho phép thành phố tạm ứng ngân sách để bồi thường giải phóng mặt bằng trong khi chờ Trung ương triển khai thủ tục và phương thức đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án; ngân sách Trung ương sẽ bố trí hoàn trả lại theo hướng bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đối với chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án.

Với lĩnh vực Du lịch, UBND TP kiến nghị xem xét miễn visa cho 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha) và tiếp tục mở rộng diện thị thực miễn visa cho một số thị trường quốc tế khác; đồng thời tăng thời hạn lưu trú ở Việt Nam đối với khách đến từ các thị trường (Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Nga, Hàn Quốc, Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha…) từ 15 lên 21 hoặc 30 ngày để phù hợp với thời gian cho khách tham gia một chương trình du lịch đến Việt Nam. Xem xét miễn visa đối với khách quốc tế tái nhập cảnh vào Việt Nam trong thời hạn 30 ngày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem