Theo văn bản số 3548/UBND-KT, hiện TP.HCM có 47 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê (trong đó có 44 công ty trong nước, 3 công ty có yếu tố nước ngoài). Tổng số người hành nghề đòi nợ thuê là 891 người (889 người Việt Nam, 2 người nước ngoài).
Tổng vốn điều lệ của các doanh nghiệp đòi nợ thuê hơn 111,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp có vốn điều lệ cao nhất là 10 tỷ đồng và thấp nhất là 2 tỷ đồng.
Tổng số nợ nhận ủy quyền đòi nợ là 80,2 tỷ đồng; tổng số nợ đã đòi được theo ủy quyền là 3,9 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh trong kỳ gần đây của các công ty đòi nợ cho thấy: Tổng số lãi 5 tỷ đồng; tổng số lỗ 26,5 tỷ đồng…
Theo UBND TP.HCM, trong năm 2018, Công an TP kiểm tra 8 doanh nghiệp đã phát hiện nhiều sai phạm tại các công ty đòi nợ thuê. 13 trường hợp đã bị xử phạt hành chính 35 triệu đồng, với các lỗi như: Sử dụng người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào làm việc; doanh nghiệp không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự… Điển hình là Công ty TNHH Dịch vụ thu hồi nợ Bảo An, bị phạt 20 triệu đồng…
Ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – cho rằng: “Hiện nay, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn diễn biến phức tạp; một số vụ việc có dấu hiệu cấu kết băng nhóm, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Một số công ty thường sử dụng các chiêu trò, đe doạ… gây hoang mang cho khách nợ”.
Có công ty đòi nợ sử dụng những đối tượng có tiền án, tiền sự, băng nhóm tội phạm để đòi nợ… gây áp lực cho con nợ như treo băng rôn đòi nợ tại nơi con nợ đang sinh sống hoặc làm việc, nhằm gây áp lực buộc con nợ phải trả nợ…
Trong năm 2019, nhiều tổ chức "tín dụng đen", đòi nợ thuê phi pháp đã bị công an triệt phá ở TP.HCM. Ảnh: H.H
Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, mức phí dịch vụ để thực hiện hợp đồng đòi nợ thuê, hiện chưa có một văn bản pháp luật nào quy định, mà hầu hết là tự thoả thuận giữa doanh nghiệp đòi nợ thuê với khách hàng (chủ nợ), có khi 10% hoặc 20, 30, 50%. Tuỳ theo số tiền nợ phải đòi, khả năng, điều kiện của con nợ; từ đó kích thích vào lòng tham của doanh nghiệp đòi nợ thuê, dùng mọi thủ đoạn đòi nợ bằng được như: Tạt sơn, ném chất bẩn… vào nhà con nợ để uy hiếp.
Trước diễn biến phức tạp trên, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh.
Theo UBND TP.HCM, thực tế quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế; khi có tranh chấp hợp đồng, các bên tham gia tự thoả thuận hoặc khởi kiện để toà án giải quyết. Nhà nước đã có đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành pháp luật như toà án, viện kiểm sát, thi hành án… Việc cho phép hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoạt động hợp pháp, vô tình là kẽ hở để một số đối tượng (hoạt động đòi nợ thuê, xã hội đen…) lợi dụng núp bóng đầu tư hoạt động, qua hình thức cấu kết giữa các công ty tài chính, công ty đòi nợ thuê và các đối tượng hình sự, các băng ổ nhóm tại địa phương gây hệ quả phức tạp về an ninh trật tự.
CAO HÙNG (UBND TP HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.