Trường tư khó tuyển hệ trung cấp các ngành sức khỏe
Hiện tại TPHCM có 10 trường ĐH, CĐ có đào tạo khối ngành sức khỏe gồm y, dược, điều dưỡng… trong đó nhiều trường tư nhìn nhận rằng các ngành này chính là nguồn lực nuôi sống họ. Hơn nữa, nếu như các trường công lập việc tuyển sinh các bậc từ trung cấp đến ĐH rất dễ dàng thì đối với các trường tư, hệ trung cấp gần như teo tóp vì mỗi năm càng ít người học.
ThS. Nguyễn Tấn Danh, trưởng phòng đào tạo trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật miền Nam cho biết những năm đầu thành lập, trường chỉ tuyển về khối ngành kinh tế, nhưng thấy các trường khác tuyển rất được các ngành y tốt nên từ 2009 trường bắt đầu tham gia vào lĩnh vực này. Năm 2009, trường tuyển sinh 3 ngành trung cấp điều dưỡng, y sĩ và dược sĩ, năm kế tiếp mở thêm ngành vật lý trị liệu. Đến năm 2012, trường mở đạo tạo hệ CĐ hai ngành dược và điều dưỡng.
Kể từ khi trường mở đào tạo hệ cao đẳng ở ngành điều dưỡng và dược thì tuyển sinh rất đông và ổn định. Trước năm 2012, mỗi năm trường tuyển được 1000 sinh viên hệ trung cấp thế nhưng tới bây giờ, hệ trung cấp chỉ tuyển được 40 em ngành dược sĩ và 30 em ngành y sĩ.
Ông Danh lí giải rằng có nhiều nguyên nhân chi phối dẫn đến thực trạng hệ trung cấp không tuyển được trong đó một phần do các trường ĐH xét tuyển luôn bằng học bạ. Tuy nhiên chính thực tế này cũng khiến các trường cần phải nhìn lại vấn đề đào tạo như thế nào để có chất lượng. Ông Danh cho rằng các trường tư muốn tuyển sinh được thì phải đào tạo thực sự có chất lượng, đáp ứng yêu cầu xã hội mới mong trụ được.
Trong khi đó, TS Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng trường CĐ Bách Việt cho biết hiện nhà trường đào tạo hệ CĐ gồm 2 ngành dược và điều dưỡng còn hệ trung cấp có thêm ngành y sĩ. Với tổng cộng 17 ngành hệ CĐ và 21 ngành hệ trung cấp toàn trường có hơn 4700 sinh viên thì riêng khối ngành sức khỏe hiện có 1.300 sinh viên, học sinh. Ở hệ CĐ chủ yếu sinh viên tập trung học dược, còn điều dưỡng chỉ tuyển mỗi năm trên 100 sinh viên. Ngành y sĩ bậc trung cấp cũng chỉ đào tạo 1 lớp. Sắp tới, đối với ngành điều dưỡng và dược thì trường không tuyển trung cấp nữa, trong khi đó chỉ duy trì 1 lớp hệ trung cấp ngành y sĩ.
Các trường cũng nhìn nhận rằng “miếng bánh” trong thị phần đào tạo ngành y bị chia nhỏ so với thời gian trước. Nguyên nhân nhiều trường ở các địa phương được mở đào tạo lĩnh vực này nên nguồn tuyển vào các trường có phần eo hẹp hơn.
BS.CKII Trương Đức Thành, hiệu trưởng trường CĐ Y dược Hồng Đức cho biết: "Qua 8 năm tuyển sinh, chúng tôi nhận thấy rằng từ năm 2010 trở về trước, học sinh các tỉnh phía Bắc vào học rất nhiều chiếm khoảng 70%, kế đến là các tỉnh Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu long. Tuy nhiên 2 năm trở lại, thống kê thì chỉ khoảng 10% học sinh của các tính phía Bắc, các tỉnh miền Tây cũng chiếm 15%, hiện chủ yếu là học sinh tại TP.HCM" .
Phải có chất lượng mời mong “sống sót”
Hội nghị hiệu trưởng các trường đào tạo khối ngành sức khỏe bàn hướng nâng chất lượng
Ngoài yếu tố các địa phương đều mở đào tạo lĩnh vực ngành sức khỏe thì ông Trương Đức Thành nhìn nhận rằng đào tạo nhiều cũng chưa hẳn là tốt. “Nên trường tôi căn cứ vào lượng giảng viên mà chỉ xin chỉ tiêu chỉ vài trăm cho bậc CĐ và khoảng 600 chỉ tiêu cho hệ trung cấp”, ông Thành cho biết.
Theo BS Trương Đức Thành, “chúng tôi cũng hiểu nhiệm vụ của người thầy thuốc như thế nào nên cũng đặt nặng vấn đề đào tạo đầu ra đội ngũ khám chữa bệnh tốt. Đào tạo đa ngành thì khác nhưng riêng ngành nghề sức khỏe thì yêu cầu điều kiện thực hành cao tại bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh. Trường tôi cũng tạo điều kiện cho sinh viên đi thực tập, vì theo tôi ngành này rất quan trọng tay nghề. Nó cũng góp phần để một trường tuyển sinh tốt hay không”.
Trong khi đó, GS.TS. BS Đặng Vạn Phước, Chủ nhiệm Khoa y thuộc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng các trường cần chuẩn bị cho vấn đề kiểm định, nhất là kiểm định quốc tế để nâng cao vị thế khi đất nước hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN. Ông Phước cũng cho rằng một thách thức rất lớn khi hội nhập chính là có nhiều thầy giỏi nhưng không đồng đều, đồng thời nhiều bác sĩ diễn đạt ngoại ngữ còn kém.
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung, hiệu trưởng trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH,CĐ có đào tạo khối ngành sức khỏe tại TPHCM cho rằng trong giai đoạn 2015-2020 các trường trong Hội đồng phải phối hợp tìm ra các giải pháp để phát triển giảng viên cũng như đào tạo nguồn lực chất lượng cao cho TPHCM nói riêng.
Theo bà Dung, một trong các nội dung hoạt động của hội đồng là thảo luận đưa ra vấn để đánh giá tốt nghiệp của sinh viên khối ngành sức khỏe. "Đánh giá chứng chỉ hành nghề phải làm như một kỳ thi quốc gia với cùng một đề thi. Lúc đó trường nào đào tạo tốt, trường nào chưa tốt sẽ thể hiện ra qua trình độ sinh viên được đánh giá. Việc này sẽ sớm thực hiện trước năm 2020, vì vậy ngay từ bây giờ các trường phải ngồi lại cùng nhau đưa ra một cách đánh giá chung ở đầu ra. Có như thế sẽ đưa mặt bằng chất lượng đào tạo lên ngang tầm với nhau thay vì trường này đánh giá tốt nghiệp quá khó, trường kia thì dễ dàng hơn", bà Dung nhấn mạnh.
Trước ý kiến ngành y dược hiện nay đào tạo rất nhiều, bà Dung cho rằng “với số lượng trường tại TPHCM hiện nay liệu có đào tạo dư thừa nguồn nhân lực y tế hay không thì cần có một khảo sát đánh giá nhu cầu và yêu cầu của xã hội để có giải pháp giải quyết. Điều này giúp tránh tình trạng sinh viên ra trường nhiều quá không có chỗ làm hoặc mất cân bằng giữa các đối tượng đào tạo… Nên có sự phối hợp giữa các trường và Sở Y tế, Sở GD-ĐT để đưa ra những đánh giá nhu cầu nhân lực”.
Đồng thời để nâng cao chất lượng, Hội đồng sẽ xây dựng dự án nghiên cứu giữa các trường và đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học phục vụ nhu cầu phát triển ngành sức khỏe của thành phố.
Lê Phương (Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.