TPHCM: Lớp 4, đọc viết không thạo nhưng đủ điểm thì phải lên lớp thôi

Chủ nhật, ngày 04/05/2014 13:40 PM (GMT+7)
"Khi đi họp phụ huynh cho cháu, vì thấy con mình đọc viết quá yếu, tôi có xin giáo viên là cho cháu ở lại lớp để học tiếp, nhưng thầy cô bảo “học thì phải lên lớp chứ sao ở lại”...
Bình luận 0
Đó là trường hợp em Vũ Đặng Quang Minh - học sinh lớp 4/2 Trường Tiểu học Chi Lăng, quận 6, TPHCM. Gia đình của em Minh chỉ mong thầy cô cho con em mình học ở lớp đúng với khả năng, trình độ, song trường khẳng định em đủ điều kiện lên lớp.

img
Hình chỉ mang tính minh họa

Xin cho con ở lại lớp nhưng không được?

Gia đình anh Cường thuộc diện khó khăn, anh bị tật ở chân, hằng ngày bán nước ở bến xe quận 8, vợ anh - chị Đặng Thị Hữu Hạnh - bán trái cây dạo. Anh Cường thú thật: “Vì thế mà ít có thời gian dạy con học. Gia đình rất buồn vì không biết con tôi học hành kiểu gì khi đã gần hết lớp 4 rồi, đọc một trang sách phải mất gần cả buổi, đã vậy còn sai lên, sai xuống”.

Để kiểm tra, PV cho em Minh đọc 1 câu chừng 20 từ trên một tờ báo, Minh mất gần 3 phút mới đọc xong, nhưng đọc đúng chỉ được 2/3 số từ. Phần viết, hầu hết các chữ, Minh đều bỏ sai dấu, ngay cả tên của mình, Minh viết sai cả họ, chữ lót. Một bài toán đơn giản thuộc học kỳ 1, môn toán lớp 4 như đọc số có 5 chữ số, Minh cũng không đọc được, toán lớp 2, Minh cũng không thông.

“Hồi cháu học lớp 2, khi đi họp phụ huynh cho cháu, vì thấy con mình đọc viết quá yếu, tôi có xin giáo viên là cho cháu ở lại lớp để học tiếp, nhưng thầy cô bảo “học thì phải lên lớp chứ sao ở lại”. Con người ta học lên lớp thì vui, con mình lên lớp mà tui rầu quá” - chị Hạnh - mẹ em Minh - nói.

Đủ điểm thì phải lên lớp thôi!

Cô Võ Thu Tâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chi Lăng - cho biết, Trường Tiểu học Chi Lăng hiện có 36 trường hợp là học sinh hòa nhập (trẻ chậm phát triển, khiếm khuyết về cơ thể, tự kỷ…), em Vũ Đặng Quang Minh là 1 trong 36 trường hợp đó. Học sinh hòa nhập được học tối đa 3 năm 1 lớp, học sinh hòa nhập ở lại lớp cũng không ảnh hưởng đến điểm thi đua của lớp, của trường, riêng em Minh vẫn đều đặn lên lớp là do điểm thi của em trên điểm trung bình, đủ điều kiện lên lớp.

Theo học bạ từ lớp 1 đến lớp 4 của em Minh, hầu hết ở các năm, điểm kiểm tra các môn ở học kỳ I của em Minh đều rất thấp, dưới điểm trung bình, nhưng sang đến học kỳ II, các điểm kiểm tra này đều ở mức đạt (từ 5 điểm trở lên). Cô Tâm cho biết, căn cứ vào điểm kiểm tra cuối năm, em Minh đủ điều kiện để lên lớp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là điểm kiểm tra đó có đúng là điểm thực chất học lực của em Minh hay không, khi năm nào em cũng lên lớp đều nhưng đến nay vẫn chưa đọc thông, viết thạo?

Cô Nguyễn Thị Hằng - giáo viên chủ nhiệm lớp 4/2 - thừa nhận, sức học của em Minh kém hơn rất nhiều so với các học sinh cùng tuổi. Hiện nay, cô Hằng vẫn đang phải dạy em cách đánh vần và em vẫn chưa thể làm được các bài toán đố có lời giải.

Nếu theo lý giải của cô Tâm, do em Minh là học sinh hòa nhập nên cách đánh giá kết quả cũng không như học sinh khác, nhưng theo kết quả trắc nghiệm chẩn đoán tâm lý của Hội Tâm lý giáo dục học TPHCM, đến tháng 1.2013 em Minh mới được xác nhận là “Chậm phát triển trí tuệ mức độ nhẹ so với lứa tuổi” và từ năm lớp 4, em Minh mới có sổ theo dõi đặc biệt dành cho học sinh hòa nhập.

Những năm học trước đó, em Minh vẫn được xem là một học sinh phát triển bình thường và điều kỳ lạ là những giáo viên dạy em đều thừa nhận: Minh học kém, chậm tiếp thu, thế nhưng em vẫn đều đặn được thầy cô cho lên lớp vì lý do “đủ điểm”.

Cô Võ Thu Tâm cho biết, trường hợp gia đình muốn cho em học lại thì phải có đơn đề nghị và trường cũng chỉ có thể cho em học lại lớp 4 chứ không thể cho học xuống các lớp học thấp hơn. Trả lời về việc, phụ huynh đã từng xin cho em Minh học lại lớp 2 nhưng không được chấp nhận, cô Tâm cho biết, trường không nhận được phản ánh nào từ gia đình em Minh.
Lao Động (Theo Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem