Cụ thể, về các nội dung góp ý trong hồ sơ Quy hoạch đường sắt đầu mối TP.HCM, đối với đoạn tuyến xuyên tâm An Bình - Bình Triệu - Sài Gòn (Hòa Hưng) - Tân Kiên, theo nội dung hồ sơ đồ án, tuyến này dự kiến đi trên cao và nằm chủ yếu trong phạm vi lộ giới các tuyến đường theo quy hoạch sẽ là một thuận lợi. Tuy nhiên, tuyến đi trong nội đô nên sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị; ảnh hưởng đến số làn xe, bề rộng mặt đường, vỉa hè theo quy hoạch, đặc biệt tại các vị trí nhà ga; ngoài ra, còn một phần trùng chức năng với hệ thống đường sắt đô thị của TP…
Vì vậy, cần phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng đủ luận cứ chứng minh tính cần thiết thực sự, tác động xã hội và đến các dự án/công trình đô thị, người dân bị ảnh hưởng liên quan dọc tuyến và các vấn đề khác có liên quan. Để đảm bảo tính khả thi, đề nghị Bộ GTVT cập nhật các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, các công trình, dự án đang triển khai có liên quan dọc tuyến.
Về việc cập nhật kịp thời kết quả nghiên cứu của các dự án đường sắt quốc gia đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư (lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi), TP.HCM lưu ý cần thiết có sự điều phối của Bộ GTVT, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị thuộc Bộ GTVT để đảm bảo việc cập nhật nội dung các dự án đường sắt đang được chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư vào quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành.
Đặc biệt, bố trí chiều rộng mặt cắt ngang (theo cấp kỹ thuật) của các tuyến đường sắt trong Quy hoạch đường sắt đầu mối chưa có sự thống nhất với mặt cắt ngang của các tuyến đang được lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi qua địa bàn TP (gồm đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành...). Đây là nội dung rất quan trọng để có thể triển khai các quy hoạch và dự án, công tác quản lý quỹ đất và thu hồi đất cho xây dựng công trình đường sắt, nên cần được quan tâm đầy đủ, nghiêm túc.
Do đó, TP.HCM đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các đơn vị Tư vấn lập quy hoạch, lập dự án cùng rà soát, thống nhất về quy mô mặt cắt ngang của các tuyến đường sắt trên địa bàn TP.
Về đoạn tuyến Thủ Thiêm - Tân Kiên, TP.HCM đề nghị Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam tiếp tục phối hợp với TP trong việc cập nhật Quy hoạch chung TP.HCM. Việc bố trí đoạn tuyến này có liên quan đến cấu trúc nhà ga Thủ Thiêm tương lai và việc xây dựng cầu qua sông Sài Gòn.
Liên quan đến vấn đề nghiên cứu phát triển TOD xung quanh các nhà ga đường sắt đầu mối, Chủ tịch UBND TP đã có các công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ GTVT về hồ sơ giải trình bổ sung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn TP.HCM và Công văn gửi Bộ GTVT tham gia ý kiến về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (đoạn qua địa bàn TP.HCM), đề cập đến trường hợp triển khai quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1:500 cho khu vực ga Thủ Thiêm và depot Long Trường.
Vì vậy, TP.HCM đề nghị Bộ GTVT quan tâm đến nội dung phản ánh này, để có kế hoạch thực hiện cho các ga đầu mối đường sắt, ga chính có kết nối với các tuyến đường sắt đô thị TP của các tuyến đường sắt quốc gia được quy hoạch trên địa bàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.