TP.HCM mở lại chợ truyền thống: Vừa mừng, vừa lo

Hồng Phúc Thứ hai, ngày 02/08/2021 12:42 PM (GMT+7)
Hiện tại TP.HCM chỉ còn 27 chợ. Các chợ nội thành hầu như ngưng hoạt động khiến áp lực mua sắm của người dân dồn lên siêu thị, cửa hàng thực phẩm. Bao giờ TP.HCM sẽ mở lại chợ truyền thống?
Bình luận 0

Mở rồi lại đóng

Ba hôm trở lại đây, chợ Đa Kao (quận 1) đã mở bán trở lại sau một thời gian tạm ngưng hoạt động để phòng dịch. Ban quản lý chợ tổ chức lối ra vào theo một chiều, người đi chợ được đo thân nhiệt, khai báo y tế. Bên trong, chỉ tiểu thương ngành hàng thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt cá được kinh doanh.

Nhiều người bày tỏ niềm vui khi chợ Đa Kao hoạt động lại, bởi khu vực xung quanh có rất ít cửa hàng thực phẩm, không có siêu thị. 

Chợ có nhiều tiểu thương, ra vào mua bán cũng tiện lợi hơn so với việc tất cả hộ dân dồn vào các cửa hàng thực phẩm.

Bao giờ mở lại chợ truyền thống tại TP.HCM? - Ảnh 1.

Chợ mở lại, bên trong phải đảm bảo giãn cách và chỉ tiểu thương thực phẩm buôn bán. Ảnh: Hồng Phúc.

Bà Hà Ngọc (quận 1) cho biết, trước đây, bà vẫn mua sắm tại chợ này để mua thực phẩm nhưng từ khi chợ đóng cửa, bà phải đi mua ở cửa hàng dù không quen. 

"Giờ đi chợ tiện hơn. Chợ vắng, giãn cách mà thực phẩm cũng nhiều. Theo phiếu đi chợ, mỗi tuần tôi đi 2 lần, mỗi lần như vậy đủ ăn trong nửa tuần", bà nói.

Nhiều tiểu thương cũng hớn hở với việc được hoạt động lại vì không muốn mất mối, bạn hàng. Dù luôn tuân thủ các quy định phòng dịch nhưng họ vẫn nơm nớp có thể sẽ phải tạm ngưng hoạt động tiếp bất kể lúc nào, nếu khi xét nghiệm tầm soát định kỳ mà phát hiện F0 trong chợ.

Ngày 24/7, chợ Bình Thới (quận 11) vừa hoạt động trở lại được khoảng 2 tuần đã phải tiếp tục đóng vì phát hiện nhiều tiểu thương là F0 qua xét nghiệm tầm soát. 

Trước đó ít ngày, chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) cũng tiếp tục tạm ngưng hoạt động.

Đáng chú ý, khi hoạt động trở lại, các chợ này thực hiện rất nghiêm các quy định phòng dịch như đảm bảo giãn cách, phát phiếu đi chợ, lắp màn ngăn giữa người mua và người bán… 

Song song đó, để đảm bảo an toàn, các chợ cũng tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho tiểu thương theo định kỳ để phát hiện sớm ca nhiễm.

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết, cũng giống chợ Bình Thới, chợ Nguyễn Tri Phương, từ ngày 1/7 đến nay, một số chợ đã tổ chức bán trở lại như chợ An Đông, chợ Hòa Bình (quận 5), chợ Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), chợ Hóc Môn (huyện Hóc Môn)… nhưng đều phải tiếp tục tạm ngưng do xuất hiện ca nhiễm tại chợ.

Thúc mở lại chợ, giảm áp lực cho siêu thị

Tính đến nay, TP.HCM còn khoảng 27 chợ truyền thống đang hoạt động. Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM đánh giá, vấn đề lớn nhất trong cung ứng hàng hóa của TP hiện nay là số lượng kênh phân phối và điểm bán để cung ứng và đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân.

Cả TP.HCM có 234 chợ truyền thống nhưng hiện chỉ còn 27 chợ, tập trung chủ yếu ở vùng ven. Các chợ nội thành hầu như ngưng hoạt động, điều này khiến áp lực mua sắm của người dân dồn lên kênh phân phối hiện đại.

Bao giờ mở lại chợ truyền thống tại TP.HCM? - Ảnh 2.

Ông Phương cho biết, do việc tăng cường thực hiện giãn cách nên các siêu thị chỉ được hoạt động từ 6h sáng đến 17h, thời gian mua sắm của người dân ít lại, một số địa bàn có lượng điểm bán ít và dân cư đông dẫn đến cung ứng hàng hóa gặp khó khăn.

Do đó, Sở Công Thương TP đã có hướng dẫn tăng cường xây dựng các phương án mở lại điểm bán lương thực thực phẩm, thiết yếu tại chợ truyền thống với điều kiện đảm bảo phòng chống dịch.

Với mô hình mẫu đang triển khai, Sở Công Thương đánh giá đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Do đó, Sở đang tích cực đôn đốc các quận huyện triển khai theo mô hình thí điểm này.

Trong tháng 8, một số chợ như chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), chợ Phan Văn Trị, chợ Thanh Đa (quận Bình Thạnh), chợ Võ Thành Trang (Quận Tân Bình) dự kiến sẽ bán lại. Các chợ Xóm Chiếu (quận 4), chợ Phú Định (quận 8); chợ Bờ Băng, chợ Phú Xuân, chợ Cầu Kinh (huyện Nhà Bè)… cũng sẽ mở lại khi dịch trong khu vực được kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, trường hợp các chợ không đủ điều kiện mở lại thì sẽ tổ chức điểm bán ở khu vực lân cận. Địa phương hỗ trợ tham gia, sử dụng đội ngũ nguồn tiểu thương ở các chợ, Sở Công Thương hỗ trợ giới thiệu nguồn hàng để tăng cường lượng hàng hóa tại các điểm bán hiện nay.

Gần đây, nhiều chợ dã chiến tại huyện Củ Chi và quận 12 cũng đã phát huy tác dụng khi tận dụng không gian thông thoáng của sân bóng, sân trường, lề đường… để kẻ ô, chia vạch cho tiểu thương họp chợ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem