Khó mua thực phẩm, TP.HCM tăng giải pháp đảm bảo nhu cầu cho người dân

Hồng Phúc Thứ bảy, ngày 31/07/2021 12:37 PM (GMT+7)
Thịt heo, rau xanh tại một số siêu thị, cửa hàng hết sớm. Sở Công Thương TP.HCM triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhu cầu thực phẩm của người dân.
Bình luận 0

Nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm lớn tại TP.HCM đã chính thức áp dụng việc chỉ nhận khách hàng có phiếu mua sắm do phường, quận phát ra.

Thịt heo hết sớm

Cách đây 3 hôm, một số nơi vẫn còn nhận khách không có phiếu thì sáng 31/7, hầu hết siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại TP.HCM đều yêu cầu có phiếu mới được mua hàng.

Tại siêu thị Emart (quận Gò Vấp), một số người chưa có phiếu đến đây mua sắm phải quay ngược trở về vì được bảo vệ thông báo phải có phiếu do phường, quận phát. Anh Phú (quận Gò Vấp) cho biết ba ngày trước, siêu thị này chưa áp dụng. Cầm phiếu trên tay, nhưng anh vẫn phải xếp hàng 2-3 vòng, tổng thời gian chờ hơn nửa tiếng mới được vào bên trong mua sắm.

Khó mua thực phẩm, TP.HCM tăng giải pháp đảm bảo nhu cầu cho người dân - Ảnh 1.

Khách xếp hàng giãn cách chờ đến lượt mua, xe vận chuyển liên tục thêm hàng tại Co.op Food trên đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh) sáng 31/7. Ảnh: Hồng Phúc.

Tương tự, trước một số cửa hàng khác như Satrafoods, Co.op Food, Hà Hiền… tại quận Bình Thạnh, Gò Vấp, nhiều người cũng xếp hàng chờ đến lượt mua, ai cũng cầm phiếu trên tay. Nhiều điểm bán cho khách đọc tên loại thực phẩm cần mua, nhân viên lấy rồi giao hàng nhằm không tập trung bên trong.

Tại Satrafoods Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh), gần 10h sáng, rau xanh các loại vẫn còn dồi dào nhưng hết thịt heo. "Tôi đi theo phiếu mua hàng vào buổi sáng nhưng thịt heo cũng không còn. Tôi mua một số loại khác thay thế như thịt gà, hôm khác quay lại", chị Hòa nói.

Cửa hàng Vissan trên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh) dán thông báo: "Phục vụ cho người dân thuộc phường 14 và phường 7 có phiếu đi chợ". Đúng 10h sáng, có vài khách chờ đến lượt mua. Nhưng bên trong thịt heo các loại đều không còn, thịt gà còn nhiều nên được người dân chọn thay thế.

Thực tế, một số điểm bán thực phẩm tại TP.HCM vài hôm trở lại đây hết sớm thịt heo, sang giờ chiều, quầy kệ thực phẩm tươi sống bắt đầu thưa dần. 

Hôm qua, siêu thị MM Mega Market An Phú (TP.Thủ Đức) còn đóng cửa sớm vì khách đông, hàng về không kịp. Siêu thị ước lượng hàng đủ cho một lượng người nhất định đang đứng xếp hàng chờ nên tạm ngưng nhận khách.

Tăng cường nhiều giải pháp đảm bảo nhu cầu cho người dân

Các hệ thống bán lẻ cũng cho biết hiện nay có những bất cập trong phân chia khu vực, thời gian đi mua sắm cho người dân. Cụ thể, có nơi cấp phiếu đi mua hàng theo khung giờ, ngày chẵn lẻ và chỉ được mua trên địa bàn phường đang cư trú; nhưng cũng có nơi mở rộng phạm vi địa lý, người dân mua sắm tại các điểm bán trong quận.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương xác nhận việc triển khai phát thẻ đi chợ tại các quận huyện không đồng bộ theo từng địa bàn; chưa có cơ chế kiểm tra việc thực hiện và chưa bảo đảm khống chế lượng khách ra vào điểm bán phù hợp, một số nơi còn tình trạng tập trung đông người và phát sinh nhiều vấn đề cần điều chỉnh.

Khó mua thực phẩm, TP.HCM tăng giải pháp đảm bảo nhu cầu cho người dân - Ảnh 3.

Cửa hàng Vissan thông báo chỉ nhận khách ở phường 14 và phường 7 quận Bình Thạnh có phiếu mua hàng. Ảnh: Hồng Phúc.

Ông Phương cho biết đã đề nghị UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện, các đơn vị quản lý điểm bán rà soát quy mô dân số, số lượng điểm bán hàng, chủ động làm việc với hệ thống phân phối để đánh giá khả năng, số lượng hàng hóa cung ứng, năng lực phục vụ hàng ngày.

Đồng thời, có phương án phân bổ sung tần suất, địa điểm đi chợ, đi siêu thị của dân trên địa bàn phù hợp, thuận tiện cho việc đi lại, mua sắm trong bán kính phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân thông qua việc phát "Phiếu mua hàng thiết yếu" cách 2 - 3 ngày/lần.

Về vấn đề nguồn cung hàng hóa, lãnh đạo Sở Công Thương cho hay hiện các địa phương đang vào mùa thu hoạch, nguồn hàng dồi dào, cần tiêu thụ, nhưng việc vận chuyển từ các địa phương về TP.HCM lại gặp khó khăn, dẫn đến TP bị thiếu hụt một số mặt hàng. 

Riêng nguồn cung thịt heo, nhu cầu của người dân trong lúc giãn cách đã giảm so với bình thường. Bên cạnh Vissan, còn nhiều đơn vị cung ứng khác như Sagrifood, Masan, Anh Hoàng Thy, CJ, CP, Feddy... hiện vẫn thừa công suất và năng lực cung ứng nên có kế hoạch bù đắp nguồn. 

Sở đang tiếp tục thực hiện nhiều phương án để đảm bảo nguồn hàng cho người dân, trong đó có việc mở lại các điểm bán lương thực, thực phẩm tại các chợ truyền thống, mở thêm các điểm bán lưu động.

Ông Phương cho hay hiện một số hệ thống phân phối có thể bổ sung nguồn hàng bằng xe 2 bánh, các quận - huyện hỗ trợ sử dụng các phương tiện thích hợp để tiếp nhận hàng hóa từ các hệ thống phân phối đưa về cho người dân.

Đồng thời, chuyển đổi phương thức bán hàng, trước đây bán hàng trực tiếp và phát phiếu mua hàng cho người dân thì hiện nay có thêm thực hiện đăng ký mua hàng trước thông qua giỏ hàng trên các ứng dụng của siêu thị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem