Đến chiều 25/5, khi cơn mưa đã dừng, khu vực bệnh viện vẫn ngập trong biển nước. Các bác sĩ cho biết, ngập nặng nhất là cổng ra vào bệnh viện, khu vực khoa cấp cứu, khoa khám bệnh, có chỗ ngập sâu đến đầu gối làm cho việc thăm khám và điều trị bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn.
Bác sĩ đi ủng lội nước cấp cứu người bệnh. Ảnh BVCC.
Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn đã phải huy động các nhân viên y tế tát nước liên tục để nước rút nhanh.
Đây không phải là lần đầu tiên Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn phải chịu đựng cảnh này. Theo lãnh đạo bệnh viện, trong thời gian qua, bệnh viện thường xuyên xảy ra tình trạng ngập nước mỗi khi có mưa lớn do hệ thống thoát nước ở bệnh viện đã xuống cấp, nước thải từ hệ thống cống rãnh tràn vào bệnh viện…
Các bác sĩ vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa lội nước chữa bệnh. Ảnh BVCC.
Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn chia sẻ thêm, trong bối cảnh hiện nay, vừa cấp cứu, vừa khám bệnh, vừa chống dịch nhưng phải đi ủng lội nước như vậy khiến các y, bác sĩ khó khăn hơn.
Hiện nay, mỗi ngày, Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn tiếp nhận cấp cứu 150 bệnh nhân, khám ngoại trú trong đợt dịch 1.200 người/ngày (bình thường là trên 2.000 người) và điều trị nội trú là 350 bệnh nhân.
Đây là hiện tượng thường xuyên xẩy ra tại bệnh viện mỗi khi có mưa lớn. Ảnh BVCC.
Đầu năm 2021, Sở Y tế, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM tổ chức khởi công dự án xây mới Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn với quy mô 1.000 giường, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.
Tuy nhiên, từ nay cho đến khi có bệnh viện mới, các bác sĩ và nhân viên của bệnh viện cứ phải "sống chung với ngập". Theo lãnh đạo bệnh viện, trước mắt cần phải nâng nền bệnh viện cũ, nâng câp hệ thống thoát nước trên đường phía trước bệnh viện và hệ thống thoát nước khu vực lân cận để khắc phục phần nào tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn hiện nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.