Một trong những xã nâng cấp tiêu chí sớm nhất hiện nay là Tân Thông Hội (Củ Chi). Ngay từ cuối năm 2013, xã Tân Thông Hội đã quyết định nâng cấp giao thông, bắt đầu là việc “nắn” các cua trên một số tuyến đường.
Dân lại phải hiến đất lần 2
Theo ông Nguyễn Đức Minh – Trưởng ấp Hậu, xã Tân Thông Hội, giữa năm 2013, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) TP.HCM, trong một lần đến thăm HTX Bò sữa Tân Thông Hội đã chứng kiến những khúc cua nguy hiểm trên tuyến đường 28. Sau chuyến đi, ông Đua đã yêu cầu chính quyền địa phương phải sớm “nắn” các khúc cua để ngăn ngừa tai nạn giao thông có thể xảy ra. “Sau khi nhận chỉ thị của Ban chỉ đạo, chúng tôi đã nhanh chóng rà soát lại các tuyến đường có các khúc cua nguy hiểm để “nắn” lại. Nói thật là nếu không có chỉ đạo của ông Đua, thì xã cũng phải “nắn” các khúc cua này vì đây là các khúc cua gấp đã từng xảy ta nhiều vụ tai nạn giao thông”.
Theo số liệu của UBND xã Tân Thông Hội cho thấy, hiện tại xã có 6 khúc cua trên một số tuyến đường cần phải “nắn”, trong đó có 3 khúc cua đã “nắn” xong tại tuyến đường 28 (ấp Hậu) và tuyến đường 14 (ấp Chánh).
Bà Nguyễn Thị Trinh (tổ 4, ấp Hậu) cho biết, trước đây gia đình đã hiến đất làm đường. Bây giờ, chính quyền lại vận động gia đình hiến đất tiếp để “nắn” khúc cua đường. “Tất nhiên, gia đình tôi cũng sẽ hiến đất tiếp để ủng hộ chính quyền, nhưng cứ làm thế mãi thì ai chịu được. Tôi đã hiến thêm khoảng 50m2 đất để chính quyền “nắn” khúc cua đường” - bà Trinh thổ lộ.
Ông Nguyễn Võ Anh Tuấn – Phó Chủ tịch xã Tân Thông Hội cho biết, từ khi hoàn thành việc “nắn” các khúc cua, tai nạn giao thông đã giảm đi khá nhiều. Tuy nhiên, do trước đây khi nâng cấp các tuyến đường giao thông trong Chương trình NTM đã phát động người dân hiến đất, bây giờ “nắn” các khúc cua lại đề nghị người dân hiến đất tiếp nên rất khó khăn. “Nắn cua là phải mở rộng con đường để giảm độ cua gấp và giải phóng sự khuất tầm nhìn. Điều này đồng nghĩa với việc lại đi vận động người dân hiến đất. Người dân trước đây đã hiến đất rồi bây giờ hiến tiếp nên việc vận động gay go lắm” - ông Tuấn cho biết.
Thiếu tầm nhìn
Theo ông Võ Văn Minh – Phó Bí thư Thường trực xã Tân Thông Hội, việc xã phải vận động người dân hiến đất “tập 2” để nâng cấp tiêu chí giao thông ở xã là “thiếu tầm nhìn” khi thực hiện tiêu chí giao thông của Chương trình NTM. “Khi đó chúng tôi chỉ biết nâng cấp các tuyến đường trong xã mà không để ý tới việc “nắn” cua luôn nên bây giờ phải vận động người dân hiến đất tiếp. Đây là thiếu sót lớn”.
Có thể thấy thiếu sót này cũng do một số địa phương thực hiện Chương trình NTM cứ chăm chăm “làm đường trên hiện trạng cũ” và “giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân”. Hiện một số xã ở huyện Hóc Môn cũng đang vấp phải câu chuyện “xin đất tập 2”. Để nâng cấp các tuyến đường ở khu vực quy hoạch đô thị, xã đang lên kế hoạch phải đặt cống thoát nước. Tuy nhiên, muốn đặt cống thoát nước lại phải xin dân hiến đất tiếp. Và khó khăn ở huyện Hóc Môn có lẽ gấp đôi ở Củ Chi.
Ông Thái Quốc Dân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết, sau 5 năm thực hiện Chương trình NTM, bộ mặt đường giao thông nông thôn ở các xã đã có nhiều chuyển biến; đường giao thông được đầu tư khang trang và đầy đủ. Tuy nhiên, một số vướng mắc đã nảy sinh khi thực hiện việc nâng cấp tiêu chí này ở các xã đã hoàn thành Chương trình NTM.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.