TP.HCM: Người đàn ông cố tình chiếm giữ tiền ngân hàng chuyển nhầm đối mặt với mấy năm tù?

Bùi Tư - Đăng Khôi Thứ sáu, ngày 01/03/2024 13:57 PM (GMT+7)
Liên quan đến vụ việc, 1 người đàn ông bị khởi tố, bắt giam khi cố tình chiếm giữ tiền mà ngân hàng chuyển nhầm, nhiều người thắc mắc, việc chiếm giữ tiền như thế nào sẽ bị vi phạm pháp luật?
Bình luận 0

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Phú, TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can Nguyễn Tâm Duy (SN 1983, ngụ quận Tân Bình) về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.

Người đàn ông bị bắt vì cố tình chiếm giữ tiền ngân hàng chuyển nhầm

Theo cơ quan điều tra, trước đó, Duy ra ngân hàng chuyển 1,5 triệu đồng vào tài khoản của mình. Tuy nhiên, do sơ suất, nhân viên ngân hàng đã hạch toán nhầm vào tài khoản của Duy từ 1,5 triệu thành 1,5 tỷ đồng.

TP.HCM: Người đàn ông cố tình chiếm giữ tiền ngân hàng chuyển nhầm đối mặt với mấy năm tù?- Ảnh 1.

Nguyễn Tâm Duy bị Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Phú, TP.HCM khởi tố, bắt giam. Ảnh: CACC.

Thay vì liên hệ ngân hàng để hoàn trả lại thì Duy lại chuyển 50 triệu đồng cho bạn của mình, nhờ rút ra và giữ giùm.

Phát hiện sự việc, phía ngân hàng đã tiến hành các thủ tục để hủy bỏ giao dịch. Tuy nhiên, phía ngân hàng chỉ thu hồi lại được 1 tỷ 450 triệu đồng. Số tiền còn lại đã bị Duy chiếm giữ trái phép.

Mặc dù nhiều lần liên hệ nhưng Duy không chấp hành, phía ngân hàng đã trình báo cơ quan công an và Duy đã bị công an bắt giữ.

Qua vụ việc trên, nhiều người thắc mắc việc ngân hàng, cá nhân chuyển nhầm tiền thì sẽ bị xử lý như thế nào, có vi phạm pháp luật hay không?

TP.HCM: Người đàn ông cố tình chiếm giữ tiền ngân hàng chuyển nhầm đối mặt với mấy năm tù?- Ảnh 2.

Luật sư Trương Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật GOV & Cộng sự

Luật sư Trương Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật GOV & Cộng sự cho biết, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm do tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì cá nhân này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi "chiếm giữ trái phép tài sản".

Về xử phạt vi phạm hành chính: Cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo điểm đ, khoản 2, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp đôi mức phạt tiền đối với cá nhân.

Về xử lý trách nhiệm hình sự, cá nhân đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội chiếm giữ trái phép tài sản" theo Điều 176 Bộ luật hình sự năm 2015, khi chiếm giữ trái phép tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật.

Về hình phạt thì cá nhân đó có thể bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, khi chiếm giữ trái phép tài sản trị giá từ 10 triệu đến dưới 200 triệu hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm.

Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Như vậy, đối chiếu với qui định của pháp luật thì hành vi chiếm giữ trái phép số tiền 50.000.000 đồng của Ngân hàng mà bị can Nguyễn Tâm Duy thực hiện có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm theo Khoản 1 Điều 176 Bộ luật hình sự năm 2015.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem