Doanh nghiệp bất động sản TP.HCM bắt đầu mua bán - sáp nhập để bước qua giai đoạn khó khăn, ai sẽ xuống tiền?

Gia Linh Thứ hai, ngày 12/06/2023 15:46 PM (GMT+7)
Mua bán - sáp nhập để tự cứu mình là cách mà một số doanh nghiệp bất động sản đã và đang thực hiện giữa khó khăn suốt nhiều tháng vẫn chưa có điểm sáng.
Bình luận 0

Thị trường bất động sản đáng báo động vì thiếu tiền

2 quý đầu năm 2023 đã trôi qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn không thể thoát khó, phải chật vật duy trì hoạt động vì thiếu vốn. Một số doanh nghiệp đã lâm vào cảnh "chết trên đóng tài sản".

Ông N.H (Tổng giám đốc một công ty bất động sản tại quận 3, TP.HCM), cho biết trong gần nửa năm qua, doanh nghiệp của ông không còn tiền hoạt động, không thể vay ngân hàng.

"Đất đai, dự án của công ty thì rất nhiều, nhưng không thể triển khai vì vướng pháp lý và thiếu tiền. Công ty cũng cố gắng bán hàng từ giỏ hàng cũ, nhưng khoản tiền khách hàng đóng vào đều bị ngân hàng giữ lại, không giải ngân vì chưa tất toán các khoản vay cũ. 

Bản thân tôi phải đi thế chấp chấp nhà, xe... để có tiền trả lương cho nhân viên. Hiện tại, công ty tôi đang tìm các đối tác thích hợp để chuyển nhượng bớt dự án", ông T. cho hay.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cùng "bắt tay" để vượt qua giai đoạn khó khăn - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản lâm vào cảnh chết trên đống tài sản vì thiếu tiền, không thể vay vốn. Ảnh: Gia Linh

Theo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), các doanh nghiệp bất động sản đang ở trạng thái "ngộp thở". Mặc dù, doanh nghiệp cũng cố gắng thực hiện các chính sách cắt giảm nhân sự, quỹ lương, chi tiêu... nhằm loại bỏ dần sức nặng để duy trì hoạt động, nhưng vẫn không hiệu quả. 

Doanh nghiệp cố gắng cầm cự nhưng vẫn không đủ sức để chờ thị trường, một số đã giải thể, đóng cửa.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS, đánh giá thị trường bất động sản đang rất báo động, khi chỉ 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động đến hết quý 3/2023 và 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm 2023.

Theo thống kê, 39% doanh nghiệp có doanh thu quý 1/2023 sụt giảm tới 20- 50% và 61% sụt giảm trên 50% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong quý vừa qua, trên 95% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động. 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể trong 5 tháng đầu năm 2023, tăng 30,4% so với cùng kì năm ngoái. Doanh nghiệp thành lập mới giảm 64,1% so với cùng kì năm ngoái.

Chủ tịch VARS cho rằng, thị trường bất động sản vẫn gặp khó khăn về dòng tiền, điều kiện cho vay bị siết chặt, sức mua chưa có dấu hiệu cải thiện,... khiến doanh thu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản sụt giảm nghiêm trọng.

M&A bất động sản - phao cứu sinh cho doanh nghiệp

Theo các chuyên gia kinh tế, lúc này, kênh huy động vốn hiệu quả được nhiều nhà đầu tư trông chờ, chính là hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) bất động sản.

Thực tế, thị trường đã ghi nhận những tia sáng của việc mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản. Các hoạt động M&A đang tăng nhiệt dần, đặc biệt trong phân khúc bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng và công nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cùng "bắt tay" để vượt qua giai đoạn khó khăn - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp đã "bắt tay" thực hiện các thương vụ mua bán - sáp nhập để tự cứu mình. Ảnh: Gia Linh

Một số doanh nghiệp nước ngoài đã mạnh tay chi tiền M&A, nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, cải thiện biên lợi nhuận của mảng kinh doanh. Nhiều nhóm nhà đầu tư sẵn dòng tiền lớn cũng đang tìm kiếm cơ hội, sẵn sàng rót vốn vào các dự án tiềm năng.

Số liệu của Savills Vietnam cho thấy, cả năm 2022, tổng giá trị giao dịch các thương vụ M&A đạt 1,7 tỷ USD, mức kỷ lục trong 5 năm qua. 

Sang quý 1/2023, dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng dữ liệu thị trường cho thấy, các thương vụ M&A đã đạt giá trị gần bằng cả năm 2022. Đáng chú ý, hầu hết các thương vụ M&A là đến từ dòng vốn ngoại.

Đáng chú ý, trong quý 1/2023, trên thị trường đã diễn ra một số thương vụ M&A ở lĩnh vực bất động sản. Đơn cử, Công ty Nam Long hoàn tất chuyển nhượng 25% vốn điều lệ của Công ty TNHH Paragon Đại Phước. 

Trường hợp khác, sau khi hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ một dự án tại Bình Dương vào năm 2022 với giá trị gần 1.300 tỷ đồng, mới đây Gamuda Land tiếp tục mua lại dự án Elysian ở TP.Thủ Đức. 

Và một cú bắt tay nổi bất nữa là CapitaLand và Vinhomes.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cùng "bắt tay" để vượt qua giai đoạn khó khăn - Ảnh 4.

Nhiều doanh nghiệp chào mời nhà đầu tư nước ngoài để thu hút dòng vốn. Ảnh: Gia Linh

TS. Sử Ngọc Khương cho rằng thời gian trước, các các chủ đầu tư bất động sản thường sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Cộng với khoản tiền thu trước từ người mua, họ không mấy mặn mà với nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện tại, dưới sức ép từ hàng loạt khó khăn về pháp lý lẫn nguồn vốn, nhiều doanh nghiệp bắt đầu chào mời nhà đầu tư nước ngoài với cơ chế uyển chuyển hơn. Tuy nhiên, không nhiều dự án đã hoàn thiện pháp lý để nhà đầu tư ngoại yên tâm "xuống tiền".

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng để tự cứu lấy mình, các doanh nghiệp bất động sản nên chủ động xem xét lại nguồn lực, rà soát lại các dự án đang có. Chỉ nên giữ lại các dự án tiềm năng mà doanh nghiệp có đủ năng lực triển khai. Kêu gọi đầu tư, liên doanh, liên kết, bán một phần hoặc toàn bộ dự án không thể tiếp tục triển khai thực hiện.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vừa đề xuất nhiều giải pháp bổ sung quy định thông thoáng hơn về chuyển nhượng dự án, một phần dự án (M&A) bất động sản.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, cho rằng việc cho phép các doanh nghiệp được chuyển nhượng dự án theo thỏa thuận, theo nhu cầu thì Nhà nước vừa thu được thuế, vừa tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem