TP.HCM: Nhóm giả nhân viên ngân hàng vẽ kịch bản, lừa gần 100 người vay, chiếm đoạt hơn nửa tỷ đồng
Giả nhân viên ngân hàng vẽ kịch bản, lừa gần 100 người vay, chiếm đoạt hơn nửa tỷ đồng
Bùi Tư - Đăng Khôi
Thứ hai, ngày 11/11/2024 18:59 PM (GMT+7)
Để có tiền tiêu xài, Diệp tham gia vào nhóm chia sẻ Data miễn phí trên Telegram để lấy thông tin người cần vay tiền rồi vẽ kịch bản, đóng giả là nhân viên ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt hơn nửa tỷ đồng của người vay.
Ngày 11/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM đã khởi tố vụ án, bắt giam Lê Ngọc Diệp (SN 1983, ngụ huyện Bình Chánh), Phạm Thị Kim Loan (SN 2003, quê Bình Dương), Phạm Văn Khánh Phi (SN 2006), Nguyễn Trọng Nghĩa (SN 2003), Lê Thị Mỹ Tiên (SN 2007) và Trần Thị Diễm Hương (SN 2002, cùng ngụ Bình Chánh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
"Đại bản doanh" của nhóm lừa đảo tinh vi tại căn hộ chung cư
Nhóm đối tượng trên đã giả danh nhân viên ngân hàng, gọi điện đến những người có nhu cầu vay tiền rồi "vẽ" kịch bản để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người vay. Trong vụ án này, Diệp đóng vai trò là chủ mưu, cầm đầu.
Trước đó, Công an huyện Bình Chánh đã tiếp nhận trình báo của người dân về việc bị nhóm đối tượng xưng là nhân viên ngân hàng, gọi tư vấn chào mời các gói vay rồi bằng các thủ đoạn để lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Sau thời gian điều tra, khoảng 23h15 ngày 15/9, Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Bình Chánh đã phối hợp với Công an xã Phong Phú ập vào căn hộ trên đường số 12, KDC Phong Phú 4 bắt giữ Loan.
Tại đây, cảnh sát phát hiện trên lầu 1 có 6 điện thoại bàn cùng nhiều hồ sơ tài liệu, hợp đồng vay vốn, danh sách thông tin cá nhân của các khách hàng thuộc nhiều tỉnh, thành…
Làm việc với công an, Loan khai nhận cùng 1 số người khác được phụ nữ tên Trâm thuê làm việc.
Nhiệm vụ của nhóm này là sử dụng dữ liệu khách hàng cùng kịch bản do Trâm chuẩn bị trước để liên hệ với những người có nhu cầu vay vốn, gọi điện tư vấn rồi yêu cầu người vay chuyển khoản tiền bảo hiểm, phí hồ sơ… để được giải ngân khoản vay rồi chiếm đoạt.
Từ lời khai của Loan, cảnh sát xác định "nữ quái" tên Trâm là Lê Ngọc Diệp nên bắt giữ. Loan, Phi, Nghĩa, Tiên, Hương cùng 1 số người khác cũng bị bắt để điều tra.
Tại cơ quan công an, Diệp khai nhận do không có tiền tiêu xài nên Diệp lên mạng xã hội Telegram tham gia vào hội nhóm chia sẻ Data miễn phí.
Khi thấy trong nhóm có ai chia sẻ Data về danh sách thông tin khách hàng vay vốn của ngân hàng, công ty tài chính thì Diệp tải về máy lưu lại, nhằm mục đích lấy thông tin để thực hiện hành vi lừa đảo…
Để thực hiện hành vi lừa đảo, Diệp thuê căn hộ chung cư Lovera Visra Khang Điền, xã Phong Phú để đoạt động. Nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng, đầu tháng 8/2024, Diệp trả căn hộ này rồi lập "đại bản doanh" tại căn hộ trên đường số 12.
Diệp mua 7 chiếc điện thoại bàn và 2 điện thoại di động, đăng ký hòa mạng 7 số thuê bao, chuẩn bị sẵn kịch bản tư vấn cho khách hàng rồi thông qua Loan, hướng dẫn nhóm nhân viên gọi điện thoại tư vấn cho những người có nhu cầu vay tiền để lửa đảo chiếm đoạt sổ tiền gói bảo hiểm kèm theo.
Gần 100 người vay tiền "dính bẫy"
Hàng ngày, theo chỉ đạo của "cấp trên", Nghĩa, Hương, Tiên, Phi… dựa trên kịch bản có sẵn, số điện thoại trong danh sách khách hàng rồi giả danh là nhân viên ngân hàng liên hệ đến người có nhu cầu vay vốn.
Các khoản vay được nhóm đối tượng tư vấn cho khách khác nhau và "buộc" đóng tiền bảo hiểm với số tiền khác nhau. Lãi suất tư vấn cho khách là 1%, trả góp trong vòng 12 đến 36 tháng.
Sau khi nhân viên tư vấn chốt được "con mồi", Loan đóng vai "cán bộ thẩm định", gọi điện cho khách hàng thông báo hồ sơ đã được duyệt. Đồng thời cho số tài khoản để nạn nhân chuyển tiền đóng bảo hiểm.
Trường hợp khách hàng không có tải khoản ngân hàng để chuyển khoản, Loan sẽ hướng dẫn khách hàng chuyển tiền qua bưu điện, Điện Máy Xanh...
Do bưu điện yêu cầu phải có hàng hóa thì mới cho thu tiền hộ nên Diệp đi mua các đồ gia dụng như dây tai nghe điện thoại, bình siêu tốc... đem về nhà đóng gói, dán thông tin khách hàng rồi nhờ người thân đem ra bưu điện gửi đi với hình thức thu tiền hộ (COD), khách hàng không được xem hàng khi nhận hàng.
Khi khách hàng nhận hàng và trả tiền thu hộ, Diệp sai nhân viên trực tiếp đến bưu điện để lấy tiền mặt đem về cho mình. Nếu có người khiếu nại sau khi chưa được "giải ngân", các đối tượng lấy đủ lý do để hứa hẹn rồi chiếm đoạt.
Cuối tháng, Diệp tính lương, thưởng hoa hồng cho nhân viên. Tùy vào doanh thu của mỗi tháng mà Diệp có thể cho thêm tiền thưởng nhân viên…
Bước đầu, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh xác định có gần 100 người trên cả nước bị nhóm này lừa đảo bằng thủ đoạn với số tiền lên đến hơn nửa tỷ đồng.
Hiện vụ việc đang được Công an huyện Bình Chánh tiếp tục điều tra, mở rộng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.