TP.HCM quyết không bỏ lại ai phía sau - Bài 1: Hồ sơ hỗ trợ nhiều, nhân sự thì mỏng

Quang Phương Thứ năm, ngày 19/08/2021 09:10 AM (GMT+7)
Mặc dù UBND TP.HCM đang rất nỗ lực có các gói hỗ trợ về lương thực, y tế cho người lao động nghèo, lao động tự do gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo phương châm không bỏ sót ai, nhưng trong quá trình thực thi, chủ trương đúng đắn này vẫn gặp phải không ít khó khăn.
Bình luận 0

LTS: TP.HCM đang hết sức nỗ lực có những gói hỗ trợ về lương thực, thực phẩm và y tế để người dân ở ngoại tỉnh sinh sống làm việc tại TP đang thực hiện giãn cách không lo bị đói và không được chăm sóc y tế, với phương châm "quyết không bỏ ai lại phía sau" như quyết tâm của Chính phủ. Tuy nhiên, việc thực hiện trên thực tế cũng ít nhiều gặp các khó khăn trở ngại. 

Trong những ngày qua, theo tìm hiểu thực tế của phóng viên Dân Việt, khá nhiều người lao động nghèo tại TP.HCM gặp khó khăn do dịch Covid-19 vẫn chưa nhận được tiền hay các gói hỗ trợ từ chính quyền. Sẽ còn nhiều việc phải làm để cùng giúp cho người dân TP.HCM vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, thách thức này.

Bài 1: Hồ sơ hỗ trợ nhiều, nhân sự thì mỏng

Chiều 15/8, sau khi thông tin về việc TP.HCM sẽ giãn cách xã hội thêm 1 tháng (đến ngày 15/9), Thường trực Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu các quận, huyện khẩn trương rà soát các trường hợp công nhân lao động, học sinh, sinh viên, những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để hỗ trợ tiền nhà trọ, lương thực thực phẩm. 

Làm hồ sơ đã lâu tiền hỗ trợ vẫn chưa thấy đâu

Chiều 15/8, Thường trực Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu các quận, huyện và TP. Thủ Đức khẩn trương rà soát các trường hợp công nhân lao động, học sinh, sinh viên, những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để hỗ trợ tiền nhà trọ, lương thực thực phẩm. Chủ trương của Thành ủy TP.HCM là không để ai thiếu đói và sẽ hỗ trợ gói an sinh xã hội bằng tiền mặt. Thời gian hỗ trợ là tháng 8 và 9/2021.

Ngay sau đó, trong hai ngày 17 - 18/8, phóng viên Dân Việt đã tiến hành khảo sát thực tế một số nơi có đông người lao động tự do sinh sống. Nơi đầu tiên là tại huyện Bình Chánh. Ông Lê Văn Kéo ở ấp Ba Định, xã Vĩnh Lộc A cho biết ông quê ở huyện Hồng Dân, Bạc Liêu lên TP.HCM làm đủ thứ nghề để mưu sinh. 

"Cũng tính về quê nhưng nghĩ quay về cũng không biết làm gì nên đành bám trụ lại thành phố chờ hết dịch để kiếm việc tiếp. Từ khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, tôi thất nghiệp. Nghe nói có tiền hỗ trợ mà đến giờ tôi vẫn chưa nhận được", ông Kéo trò chuyện với PV Dân Việt.

Cùng ấp Ba Định với ông Kéo, chị Nguyễn Hồng Thắm là lao động tự do, cũng chưa nhận được tiền hỗ trợ. Chị cho biết: "Tôi đang nuôi 3 đứa con. Dịch Covid-19 nên cả nhà chỉ biết ở trong phòng trọ. Các nhà hảo tâm cho gạo, rau thì nấu ăn. Cũng nghe nói TP sẽ có gói hỗ trợ cho những người như chúng tôi nhưng tôi chưa nhận được".

Nhiều người dân nghèo tại TP.HCM gặp khó khăn vì dịch Covid-19 vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ  - Ảnh 1.

Ông Phùng Quang Bình, một người lao động tự do bị thất nghiệp vì dịch Covid-19 ở TP.Thủ Đức đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Trong ảnh, ông Bình san sẻ bánh mỳ do các nhà hảo tâm tặng cho người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại khu vực ông sinh sống. Ảnh: Quang Phương

Tại TP.Thủ Đức, tương tự ông Phùng Quang Bình (59 tuổi) tại hẻm 261, đường Đình Phong Phú, phường Tăng Nhơn Phú B, cũng chia sẻ với Dân Việt: Cách đây 3 tuần, tổ trưởng tổ dân phố có hướng dẫn ông làm và nộp các loại giấy tờ để hưởng tiền trợ cấp Covid-19. Ông làm rồi nộp thì hai tuần sau họ lại bảo làm tiếp… nhưng đến giờ vẫn chưa thấy tiền hỗ trợ.

"Dịch thì khó khăn chung, tôi cũng thất nghiệp ở nhà như bao nhiêu người khác. Nghe nói Nhà nước có tiền hỗ trợ tôi mừng lắm, nhưng đến giờ vẫn phải chờ. Chắc cũng sẽ sớm muộn nhận được thôi. Chỉ mong sao cho dịch Covid-19 sớm qua đi để còn làm kiếm sống, chứ nằm nhà riết chắc chết đói", ông Bình chia sẻ.

Tương tự, anh Nguyễn Anh Tú ở hẻm 58 đường Đình Phong Phú, phường Tăng Nhơn Phú B kể: "Mấy chục người ở trọ trong hẻm tôi cũng làm giấy tờ hưởng trợ cấp, nhưng đến giờ chỉ có 1 phòng trọ có con nhỏ là được tổ dân phố đến trao quà, còn lại chưa ai nhận được tiền hỗ trợ cả".

Người lao động bị mất việc vì Covid-19 sống trong các phòng trọ thiếu thốn về mọi thứ, nhất là lo cái ăn hàng ngày. 

Tình hình đã khó khăn nhưng nếu không hỗ trợ kịp thời để họ lo nhu cầu ăn uống hàng ngày thì cuộc sống càng khốn đốn hơn.

"Vì thế, rất mong chính quyền địa phương tìm cách để sớm đưa được tiền hỗ trợ đến tay người dân càng nhanh càng tốt", anh Tú nói.

Làm sao để người nghèo không bị thiệt?

Tại tổ 7 khu phố Ích Thạnh, phường Trường Thạnh, các hộ dân gặp khó khăn vì Covid-19 cũng cho biết chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Chị Lê Thị Lan ở đường 8, khu phố Ích Thạnh cho hay: "Chúng tôi đã tổng hợp danh sách kèm hồ sơ gửi lên khu phố rồi nhưng nhiều tuần qua vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ đợt nào. Có một số nơi khác trong phường nghe nói nhận được tiền rồi, còn chúng tôi chưa thấy gì cả. Tiền hỗ trợ nên trao đều và trao nhanh để người dân lo cho cuộc sống hàng ngày".

Ngày 6/8, tại cuộc họp về tình hình hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, lao động nghèo, lao động tự do gặp khó khăn vì dịch Covid-19 (đợt 2), Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết: Việc thực hiện chính sách chăm lo cho người dân vẫn tiếp tục đến khi dịch bệnh được kiểm soát, chấm dứt giãn cách xã hội và tùy tình hình thực tế sẽ áp dụng các hình thức hỗ trợ phù hợp.

Nhiều người dân nghèo tại TP.HCM gặp khó khăn vì dịch Covid-19 vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ  - Ảnh 3.

Người lao động ở trọ tại hẻm 261 đường Đình Phong Phú, phường Tăng Nhơn Phú B (TP.Thủ Đức) hiện vẫn chưa nhận được tiền trợ cấp. Ảnh: Quang Phương.

Ông Hoan đã chỉ đạo, việc hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn phải được thực hiện không trùng lắp, không bỏ sót; không để bất kỳ người dân nào bị thiếu ăn; không phân biệt trường hợp thường trú, tạm trú hay chưa có hộ khẩu. 

Toàn bộ người dân dân sinh sống trên địa bàn TP.HCM là người lao động nghèo, người khuyết tật… có hoàn cảnh khó khăn, bức bách đều phải được chăm lo, hỗ trợ kịp thời.

Ngày 15/8, trong Kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đưa ra phương án: Về an sinh xã hội, đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu, tuyệt đối không để ai bị đói. 

TP.HCM đưa ra các giải pháp hỗ trợ người dân trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ thứ 2 cho người lao động tự do gặp khó khăn do dịch Covid-19; hỗ trợ hộ nghèo, lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân… 

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng chuẩn bị 1 triệu gói cứu tế cho người dân gặp khó khăn do dịch; hỗ trợ kinh phí phòng trọ…

Nhiều người dân nghèo tại TP.HCM gặp khó khăn vì dịch Covid-19 vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ  - Ảnh 4.

Nhiều người dân nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ từ Nhà nước mà chủ yếu nhận các nhu yếu phẩm do các Mạnh Thường Quân hỗ trợ. Trong ảnh, người dân sống tại hẻm 911 đường Long Thuận, (phường Long Phước, TP.Thủ Đức) nhận quà từ các nhà hảo tâm. Ảnh: Quang Phương

Tuy trên chỉ đạo là thế nhưng tại nhiều địa phương, tình hình hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang gặp nhiều vướng mắc. 

Một vị đại diện tổ dân phố (xin giấu tên) tại phường Tăng Nhơn Phú B, chia sẻ: "Thật sự, chúng tôi bị quá tải vì số lượng người dân đăng ký hưởng trợ cấp quá lớn. Hiện nay việc xét duyệt và trao tiền đang được tiến hành. Tuy nhiên lượng hồ sơ quá nhiều, nhân sự làm công tác này thì mỏng". 

Vị này cũng chia sẻ thêm với Dân Việt: Ngoài ra, việc cấp phát tiền phải đảm bảo công tác phòng chống dịch nên rất khó giải quyết nhanh cho người dân. Đã có nhiều lần thông báo cho bà con đến nhận nhưng do người dân ùn ùn kéo đến, không đảm bảo giãn cách nên phải tạm hoãn. Đó là lý do vì sao đến nay nhiều người vẫn chưa nhận được trợ cấp.

Anh Văn Kiếm, một chủ nhà trọ tại phường này hiến kế: Danh sách người ở trọ tại các khu, chủ trọ đã có sẵn và khu phố, cảnh sát khu vực đều nắm rõ. Chính quyền nên giao cho các chủ nhà trọ lập danh sách, nhận tiền rồi về chuyển lại cho người ở trọ, người ở trọ ký nhận và chủ trọ chuyển danh sách đã ký nhận lại cho khu phố là xong. 

Còn đối với những hộ dân nghèo, lao động tự do sống riêng biệt thì khu phố lập danh sách riêng. Như vậy việc cấp tiền hỗ trợ sẽ tiến hành nhanh, gọn hơn mà vẫn bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem