Nghị quyết 128 của Chính phủ: Lí do khiến nhiều nơi ở miền Tây không dám kiểm soát dịch ở cấp độ 1
Lý do bất ngờ khiến nhiều nơi ở miền Tây không dám kiểm soát dịch Covid-19 ở cấp độ 1
Huỳnh Xây
Thứ ba, ngày 19/10/2021 14:38 PM (GMT+7)
Nhiều địa phương ở miền Tây áp dụng cấp độ 2, không dám thực hiện cấp độ 1 trong kiểm soát dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Nguyên nhân chủ yếu là do được phân bổ vaccine... ít.
Hôm nay (19/10), 7 tỉnh, thành khu vực Nam sông Hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang và TP.Cần Thơ tổ chức họp trực tuyến bàn về các giải pháp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 và hợp tác phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Tại đây, lãnh đạo nhiều địa phương cho biết, đa số thực hiện kiểm soát dịch Covid-19 ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) theo Nghị quyết 128 của Chính phủ với lý do chưa đảm bảo an toàn ở nhiều tiêu chí, không dám áp dụng cấp độ 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới).
Ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, nếu căn cứ vào Nghị quyết 128 của Chính phủ thì phần lớn các địa phương ở ĐBSCL chọn thực hiện cấp độ 2, không dám áp dụng vào cấp độ 1. Nguyên nhân chủ yếu là do độ bao phủ vaccine còn rất hạn chế.
Theo ông Thành, thời gian tới, các địa phương cần tăng cường thêm nguồn vaccine và có sự chia sẻ nguồn vaccine với địa phương bạn.
Ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nêu quan điểm rằng, không nên áp dụng cấp độ cao quá (cấp độ 1 - PV) theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, mà các địa phương Nam sông Hậu nên thực hiện ở mức độ vừa phải, tức là cấp độ 2.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Hậu Giang cho rằng, nếu thực hiện cấp độ 2 thì đúng theo tinh thần nới lỏng từng bước mà địa phương đã thực hiện thời gian qua và được người dân ủng hộ.
Bởi theo ông Thanh, nguy cơ dịch bệnh bùng phát còn rất cao, công tác kiểm soát vẫn chưa chặt chẽ, vẫn còn có địa phương xuất hiện ca nhiễm ngoài cộng đồng. "Chúng ta không thể nới lỏng quá rồi khi dịch bệnh xảy ra lại "đóng" lại, trong khi đó chưa đảm bảo an toàn ở nhiều tiêu chí" - ông Thanh nói.
Ông Thanh nói tiếp: "Chúng ta thực hiện mục tiêu kép, nhưng sức khỏe của người dân, công tác phòng bệnh vẫn là trên nhất".
Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) thông tin, ngày 11/10 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, trong đó chú trọng hướng dẫn các biện pháp chống dịch, quy định đi lại giữa các địa phương và các cấp độ phòng chống dịch.
Tuy nhiên, đến nay nhiều địa phương ở ĐBSCL cũng chưa có kế hoạch triển khai chi tiết nghị quyết này do vướng phải những quy định về số ca nhiễm và đặc biệt là tỷ lệ bao phủ vaccine.
"Về vấn đề vaccine cũng là mối bận tâm lớn của các tỉnh hiện nay. Không kể Long An, nơi được ưu tiên vaccine vì có tỷ lệ số ca nhiễm cao trong vùng thì 12 tỉnh, thành còn lại ở ĐBSCL có số vaccine được phân bổ rất ít" - ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ nói.
Do vậy, theo lãnh đạo VCCI Cần Thơ, các địa phương cần tiếp tục có chung kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ phân bổ vaccine nhanh chóng trong thời gian tới.
Theo Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", các địa phương sẽ phân loại cấp độ dịch. Cụ thể, cấp 1 là nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh, cấp 2 là nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng, cấp 3 có nguy cơ cao tương ứng với màu cam, cấp 4 có nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.