TP.HCM sáp nhập các phường: Người dân quan tâm việc làm lại giấy tờ

Phương Thảo Thứ ba, ngày 13/08/2019 18:01 PM (GMT+7)
Nói về việc TP.HCM sáp nhập các phường, ông Lê Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND phường 12, quận Phú Nhuận chia sẻ, phía người dân chỉ có chút khó khăn do thay đổi về hộ khẩu, đăng ký khai sinh, khai tử, trích lục, nhưng "chính quyền sẽ giúp đỡ hết mình".
Bình luận 0

Liên quan đến chủ trương sáp nhập 19 phường thành 9 phường của UBND TP.HCM, trao đổi với phóng viên Dân Việt sáng 13/9, ông Nguyễn Hoàng Tú - Phó Chủ tịch UBND phường 11, quận Phú Nhuận cho biết, phường 11 có hơn 8.000 dân số, theo chủ trương chung sẽ sáp nhập cùng với phường 12 trong quận. “Đây là chủ trương lớn của TP nên phường sẽ chấp hành. Hiện tại, quận Phú Nhuận cũng chưa ban hành đề án cụ thể về quy trình, cách thức, thời gian về con người, trụ sở thế nào…, nên những khó khăn thực tế cũng chưa biết ra sao”, ông Tú nói.

Tương tự, khi được hỏi về những khó khăn, thuận lợi, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức địa phương, ông Lê Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND phường 12, quận Phú Nhuận chia sẻ, mặc dù là chủ trương, nhưng hiện tại những văn bản về pháp lý, đề án cụ thể của quận chưa được ban hành. Tuy nhiên, tại phường 12, phường đã chủ động thông qua các tổ chức hội, đoàn thể của phường để nắm bắt tâm tư của người dân.

Theo ông Tuấn, với cán bộ công chức đang công tác tại phường, khi mới nghe chủ trương sáp nhập không tránh khỏi lo lắng. Nhưng sau khi được làm công tác tư tưởng, họ đã ổn định tư tưởng, yên tâm công tác, sẵn sàng nhận nhiệm vụ và chấp hành sự phân công công tác của cấp trên.

img

Việc sáp nhập phường phải quan tâm đến ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân.

"Phía người dân chỉ có chút khó khăn do thay đổi về hộ khẩu, đăng ký khai sinh, khai tử, trích lục, nhưng chúng tôi sẽ giúp đỡ hết mình. Còn đối với cán bộ, công chức các đơn vị sáp nhập, có thể sẽ gặp chút khó khăn trong việc tiếp cận đơn vị mới về địa bàn, khu dân cư… Mặc dù vậy, phường 11 và 12 của quận Phú Nhuận có địa bàn giáp ranh nên khó khăn không nhiều", ông Tuấn nói.

Ông Lê Thanh Tuấn cũng cho biết khi có đề án chính thức và được triển khai, cùng với TP, cán bộ, công chức, các tổ hội, đoàn thể của phường sẽ làm công tác tuyên truyền, giải đáp thắc mắc tới từng phố, khu dân cư, từng hộ gia đình để người dân biết mà thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Khi được hỏi về chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính, ông Trần Văn Khỏe, một giáo viên về hưu tại phường 12 (Phú Nhuận) phấn khởi cho biết: “Việc sắp xếp lại để tinh giản bộ máy hành chính là rất tốt. Còn việc thay đổi hồ sơ, giấy tờ, tôi nghĩ không có gì là khó khăn, trở ngại. Bởi làm đến đâu, làm như thế nào, đã có cán bộ hướng dẫn. Hơn nữa, thủ tục tại bộ phận một cửa từ phường tới quận làm rất nhanh gọn, không mất nhiều thời gian”.

img

Việc sáp nhập không khiến cán bộ, công chức các phường lo lắng.

Đồng quan điểm với ông Trần Văn Khỏe, một hộ kinh doanh trên phố Lê Hồng Phong, địa bàn phường 2, quận 10 (đơn vị sẽ sáp nhập với phường 3 cùng quận) nêu nguyện vọng: "Việc sáp nhập là chủ trương chung. Dù người dân phải mất thêm thời gian, công sức khi đi làm lại hồ sơ, giấy tờ cũng không quan trọng bằng các cấp chính quyền, kể cả chính quyền mới sau khi sáp nhập, tạo điều kiện để đảm bảo sự ổn định cho người dân trong sinh hoạt, kinh doanh buôn bán".

Theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tiêu chuẩn quy mô dân số của phường (thuộc quận) từ 15.000 người trở lên; diện tích tự nhiên từ 5,5km2 trở lên. Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, căn cứ theo Nghị quyết này, 19 phường thuộc 24 quận huyện TP.HCM phải sáp nhập vì không đạt cả hai tiêu chí trên, sẽ sáp nhập lại còn 9 phường

Sở Nội vụ TP.HCM đánh giá những phường thuộc diện sắp xếp trên địa bàn đều ở những vị trí trung tâm TP, những khó khăn và áp lực quản lý hành chính Nhà nước ở các phường này rất lớn, bởi đây là những nơi tập trung hoặc gần các doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, tụ điểm vui chơi… (như tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Hùng Vương, ký túc xá Trường ĐH Bách Khoa...). Vì vậy, các phường trong danh sách sáp nhập có lượng khách du lịch, bệnh nhân, người dân tạm cư… cao hơn nhiều so với dân số địa phương.

Việc sắp xếp lại đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý Nhà nước tại địa phương như quản lý hộ khẩu, hộ tịch, khai sinh, khai tử… Đặc biệt, một vấn đề quan trọng là phương án sáp nhập cần phải hạn chế tối đa sự xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Chính quyền phải chủ động tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân điều chỉnh, cập nhật thông tin giấy tờ, hồ sơ…

Trả lời phóng viên Dân Việt qua điện thoại chiều cùng ngày, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, hiện việc sáp nhập các phường, xã mới là dự kiến, UBND TP.HCM mới thông qua chủ trương, còn cụ thể thế nào phải chờ Thành ủy thông qua và sẽ cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí sau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem