Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, tháng 4-5 là giai đoạn cao điểm cả về thời tiết nắng nóng lẫn nguy cơ về an toàn thực phẩm, trong khi hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm ngày càng gặp nhiều khó khăn, thử thách. Nguy cơ những đợt ngộ độc thực phẩm tập thể vẫn hiện hữu.
Tháng an toàn thực phẩm năm 2024 với chủ đề "Tiếp tục đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới" là khoảng thời gian để TP tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, đặc biệt là việc kiểm tra không báo trước các bếp ăn trường học trên địa bàn.
"Việc phòng ngừa và xử lý ngộ độc thực phẩm phải được thực hiện hiệu quả. Đặc biệt lưu ý đến bếp ăn tập thể ở nơi tập trung đông người như căn tin trường học, bệnh viện, các đơn vị công ty xí nghiệp, khu chế xuất… Bằng bất cứ giá nào cũng không để xảy ra ngộ độc thực phẩm", bà Lan nói.
Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức của người dân khi chọn mua thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, tại những cơ sở uy tín, tránh mua hàng trôi nổi, biết cách bảo quản, chế biến thực phẩm đúng cách...
Khi có được những thông tin hay chứng kiến những hành vi mất an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, Sở kêu gọi người dân báo về cho các cơ quan quản lý chức năng qua đường dây nóng 02839301714 để xử lý kịp thời.
Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hình thức kinh doanh online ngày càng phổ biến, trong đó có mặt hàng thực phẩm. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm, thực phẩm nhái, hàng giả, kém chất lượng. Vì vậy các biện pháp kiểm soát đối với loại hình kinh doanh này cần được quan tâm và thay đổi để phù hợp với tình hình mới.
"Hiện nay, phương thức quảng cáo thực phẩm đã dần thay đổi từ quảng cáo trên các phương tiện chính thống, truyền hình, báo đài sang quảng cáo qua mạng và các nền tảng xã hội với đặc điểm rẻ, nhanh và khó kiểm soát. Việc giám sát, quản lý và xử lý vi phạm trong quảng cáo thực phẩm cần phải những thay đổi phù hợp thực tiễn", ông Long nhấn mạnh.
TP.HCM là địa phương đầu tiên có Sở An toàn thực phẩm, cần có có những chỉ đạo sát sao, nâng cao vai trò các cấp chính quyền trong quản lý an toàn thực phẩm. Đồng thời tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của những người sản xuất kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
Cùng với đó là đẩy mạnh phối hợp liên ngành, các tổ chức chính trị xã hội trong quan quản lý an toàn thực phẩm, sớm phát hiện, ngăn ngừa nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, xử lý kịp thời sự việc (nếu có).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.