TP.HCM sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc tế trong 15-20 năm tới?

Quốc Hải Thứ ba, ngày 08/10/2019 12:48 PM (GMT+7)
“Nếu Trung ương thực sự chọn TP.HCM thành trung tâm tài chính và có những chính sách quyết đoán, mạnh mẽ thì TP.HCM có thể trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong 15-20 năm tới. Còn nếu không thì không thể nói trước được...”
Bình luận 0

Đó là chia sẻ của TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, tại buổi họp báo Diễn đàn kinh tế TP.HCM năm 2019 với chủ đề “Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”, diễn ra sáng nay tại TP.HCM.

img

Họp báo diễn đàn kinh tế TP.HCM năm 2019 (Ảnh: Quốc Hải)

Cụ thể, bàn về cơ hội và những thách thức để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, ông Vũ Thành Tự Anh, thẳng thắn: "Trước khi trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, TP.HCM phải trở thành trung tâm tài chính thực thụ và hiệu quả của quốc gia. Đây là ưu tiên của quốc gia chứ không phải riêng của TP.HCM. Phải là chính sách, cam kết mạnh mẽ tầm quốc gia và TP.HCM sẽ là nơi thực hiện các chính sách này của quốc gia".

Về cơ hội, ông Tự Anh cho rằng, TP.HCM là 1 trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, đầu tư… là cửa ngõ giao lưu quốc tế, có vị trí rất tốt để trở thành trung tâm tài chính quốc gia. Điều này được chứng minh khi nhìn vào quy mô, vị thế, vị trí của TP.HCM…, có thể thấy có tới 45% GDP đến từ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nếu cộng với nền kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì quy mô càng lớn hơn. Liên quan đến tầm vóc ngân sách, giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, FDI… tất cả những chỉ tiêu này thì TP.HCM và vùng Đông - Tây Nam bộ chiếm trên 50% GDP của cả nước. Điều này khiến TP.HCM trở thành điểm giao thoa giữa Đông và Tây Nam bộ, trở thành trung tâm và đầu mối để Trung ương thực hiện các chính sách phát triển quốc gia của mình.

Kế đến, TP.HCM và vùng Đông - Tây Nam bộ có tốc độ phát triển cao, đây chính là yếu tố cơ bản để hậu thuẫn cho việc thành lập trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, bởi nếu không có nhu cầu thị trường lớn, vị trí địa lý không kết nối với quốc tế thì khó có thể trở thành trung tâm tài chính. Tuy nhiên, TP.HCM nếu quay một vòng trong 2h đồng hồ bay thì sẽ bao trùm tất cả các thủ đô của các nước trong khu vực Đông Nam Á, điều này chứng tỏ vị trí địa lý và tính kết nối của TP rất quan trọng.

Về thách thức, có rất nhiều nguồn. Đầu tiên là cạnh tranh, khi TP.HCM muốn trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thì không chỉ riêng TP muốn làm điều này, rất nhiều trung tâm tài chính khác đều mong muốn, nên TP sẽ phải đối diện với tình trạng cạnh tranh gay gắt, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện tại.

“Khi TP muốn thành công, hay nói một cách tham vọng hơn là chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này, chúng ta phải có những đột phá. Những đột phá này đến từ 3 lĩnh vực cơ bản: Thứ nhất là chính sách quốc gia - các chính sách quốc gia phải giúp TP trở thành trung tâm tài chính quốc gia đã. Các chính sách này phải tạo cho TP.HCM nền tảng, khuôn khổ pháp luật và thể chế. Thứ 2, TP.HCM phải thay đổi cách tư duy, tầm nhìn, chiến lược… biến TP trở thành một trung tâm phát triển dịch vụ, trong đó nhấn mạnh dịch vụ tài chính; đồng thời giải quyết các tiền đề về hạ tầng giao thông, hạ tầng cơ sở, hạ tầng tài chính, nguồn lực con người, thể chế, môi trường, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư… Đây là những thách thức mà bất cứ trung tâm tài chính nào muốn vươn lên đều phải đáp ứng. Và thứ 3 là phải có đột phá trong cạnh tranh quốc tế”, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, chia sẻ.

Vậy bao giờ Việt Nam có trung tâm tài chính tầm khu vực và quốc tế? TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng, không ai có thể dự báo được điều này vì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

“Nếu Trung ương thực sự chọn TP.HCM thành trung tâm tài chính và có những chính sách quyết đoán, mạnh mẽ thì TP.HCM có thể trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong 15-20 năm tới. Còn nếu không thì không thể nói trước được”, ông Vũ Thành Tự Anh nói.

Ông Tự Anh nhắc lại, TP.HCM đã từng có chuyến đi học tập kinh nghiệm tại Thượng Hải. Thượng Hải bắt đầu chương trình phát triển trung tâm tài chính từ năm 1992 và đến năm 1996 thì TP.HCM đã có dự án phát triển. Nhưng đến thời điểm hiện tại, họ đã có trung tâm tài chính khu vực, thậm chí đang tiến sát gần với tầm quốc tế. "Rõ ràng, thời gian 2 bên cũng gần như nhau nhưng họ đã tiến rất nhanh, rất xa và chắc chắn; còn chúng ta thời điểm này mới mang ra thảo luận vấn đề mà chúng ta đã nêu ra cách nay 20 năm. Và phải nói, thời gian này là chúng ta quyết định chứ không phải do các yếu tố khách quan nào…”, ông Tự Anh nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem