TP.HCM tìm biện pháp quản lý biển hiệu, bảng quảng cáo
TP.HCM tìm biện pháp quản lý biển hiệu, bảng quảng cáo
Bạch Dương
Thứ sáu, ngày 29/09/2023 15:19 PM (GMT+7)
Số biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm các quy định tại TP.HCM chiếm khoảng 34% trong tổng số 30.000 biển hiệu trên toàn địa bàn. Đó là con số được đưa ra tại hội thảo "Quảng cáo trên địa bàn thành phố: Thực trạng, giải pháp và kinh nghiệm quốc tế" do HĐND TP.HCM tổ chức ngày 29/9.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá, ngành quảng cáo đã trở thành một ngành công nghiệp quan trọng vì các sản phẩm, dịch vụ được tung ra thị trường ngày càng nhiều, đa dạng, chức năng tương đồng, giá thành cạnh tranh.
Theo bà Lệ, hoạt động quảng cáo trên địa bàn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong việc xử lý sai phạm chưa được làm rõ. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo dù có thực hiện nhưng chưa quyết liệt, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, không chấp hành các nội dung xử phạt nhưng chưa có biện pháp xử lý phù hợp.
Công tác cấp phép và quản lý hoạt động quảng cáo chưa được công khai, minh bạch. Việc quản lý nguồn thu từ quảng cáo chưa chặt chẽ, gây thất thoát, lãng phí nguồn ngân sách nhà nước.
Tại hội thảo, TS Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa và Xã hội - HĐND TP.HCM cho biết, tính đến tháng 3/2023, toàn TP.HCM có 300.044 biển hiệu, bảng quảng cáo.
Chính quyền địa phương đã kiểm tra, khảo sát 47,8% biển hiệu, bảng quảng cáo. Trong đó có 17% biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm các quy định với tổng số tiền xử phạt hơn 24,3 tỷ đồng. Ước tính số biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm các quy định trên địa bàn TP là khoảng 34%. Tại nhiều quận huyện, tỷ lệ kiểm tra, khảo sát các biển hiệu, bảng quảng cáo ngoài trời rất thấp như quận 7 (4,7%), huyện Bình Chánh (5,8%), quận 11 (10,8%)…
Theo TS Nguyễn Minh Nhựt, TP.HCM cần xây dựng chiến lược, chính sách phát triển hoạt động quảng cáo trên địa bàn trong thời gian tới. Trong đó, tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý hoạt động quảng cáo để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và hậu kiểm của chính quyền địa phương.
Cần tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại TP.HCM theo các quy định. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp chính quyền địa phương thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước tại cơ sở.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng giá trị của quảng cáo là một trong những thước đo chính xác về "sức khỏe kinh tế" bởi khi các doanh nghiệp đầu tư nhiều cho quảng cáo, đây là tín hiệu kinh tế tốt. Năm 2023, kinh tế vẫn chịu ảnh hưởng nên các doanh nghiệp không còn nguồn lực đầu tư quảng cáo.
"Tiềm lực ngành quảng cáo rất lớn nhưng TP cảm thấy có trách nhiệm khi không tạo điều kiện đủ tốt để doanh nghiệp quảng cáo phát huy tối đa năng lực của mình", ông Đức nói và cho biết thêm, TP sẽ cố gắng tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, nhưng với điều kiện phải làm đúng quy định pháp luật.
Là người hoạt động trong ngành quảng cáo hơn 30 năm, ThS Trần Thị Thanh Mai, ủy viên Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhìn nhận, TP.HCM chưa khai thác tốt quảng cáo ngoài trời. Do đó, hoạt động quảng cáo ngoài trời ở thành phố còn thiếu sức sống, thiếu sự tương tác với người dân. Nếu thành phố khai thác tốt ngành này sẽ đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, mỗi năm, ngành quảng cáo giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động. Tính đến năm 2020, TP.HCM có hơn 6.084 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo với hơn 54.000 lao động, đóng góp khoảng 1,8% GRDP của TP.
Trong dự kiến đề án phát triển ngành quảng cáo, TP đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành này đóng góp 2,6% GRDP cho địa phương (khoảng 32.000 tỷ).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.