TP.HCM triển khai nhiều cách làm mới tạo xung lực phát triển

Tường Thụy Thứ sáu, ngày 15/12/2023 06:00 AM (GMT+7)
TP.HCM đang triển khai nhiều cách làm mới để thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố.
Bình luận 0

Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP.HCM tuần qua, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 9 nghị quyết liên quan đến Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Các nghị quyết này gồm quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm TPHCM; quy định về tuyển dụng và chính sách đãi ngộ đối với công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị thành phố; quy định trình tự, thủ tục việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất trước khi nhà nước có thẩm quyền ban hành thông báo thu hồi đất để thực hiện một số dự án trên địa bàn.

TP.HCM tạo xung lực mới cho phát triển - Ảnh 1.

Khu vực Hồ bán nguyệt trong Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Quận 7, TP.HCM. Ảnh: Phú Mỹ Hưng.

Những cách làm mới theo cách tiếp cận mới này được ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM, mô tả là chìa khóa để mở các cánh cửa nhằm khơi thông nguồn lực xã hội.

Cụ thể hơn, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM sẽ chính thức vận hành ngày 1/1/2024. Đây là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nhằm ngăn chặn, giải quyết dứt điểm, căn cơ tình trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, khắc phục các bất cập, tồn tại, rào cản trong hoạt động phối hợp liên ngành.

Đối với ưu đãi chất xám, các lĩnh vực thành phố muốn thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt như công nghệ thông tin, xây dựng đô thị thông minh; công nghiệp hỗ trợ; dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - logistics và xuất nhập khẩu; các ngành công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển do Thủ tướng ban hành; nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, tế bào gốc; xây dựng và tổ chức quản lý, vận hành trung tâm tài chính của TP.HCM; xây dựng và quản lý hạ tầng hiện đại; vật liệu mới, năng lượng tái tạo, sản xuất linh kiện điện tử cao cấp, công nghiệp vi mạch; công nghệ số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, khoa học tính toán.

Các lĩnh vực trên cũng bao gồm văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, khoa học xã hội và nhân văn; xây dựng, hoạch định chính sách công và quản lý nhà nước; dịch vụ công (giáo dục và y tế); và một số lĩnh vực khác do Hội đồng Nhân dân thành phố quyết định theo thẩm quyền.

Việc kiện toàn những đơn vị đã có sẵn ở các sở, ngành để đáp ứng việc triển khai Nghị quyết 98 cũng đã được tính đến. Điển hình là ngày 23/11/2023, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã đề xuất thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành giao thông vận tải thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố.

TP.HCM tạo xung lực mới cho phát triển - Ảnh 2.

Dự án nút giao thông An Phú, TP.Thủ Đức (TP.HCM) đang được thi công. Ảnh: Vũ Quyền

TP.HCM đã có Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Theo tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, với lượng "đơn hàng" lớn từ Nghị quyết 98, nếu vẫn chỉ duy trì một ban quản lý dự án chuyên ngành như Ban giao thông sẽ vượt quá năng lực quản lý, điều hành dự án, rất khó đáp ứng yêu cầu về tiến độ lẫn chất lượng dự án.

Trong một bài viết trên báo Sài Gòn Giải Phóng, TS Vũ cho rằng để khơi thông được nguồn lực xã hội trước hết phải tập hợp, quy tụ được nội lực và năng lực xã hội của nhiều thành phần, đối tượng, trong đó giới trí thức, chuyên gia, nhà khoa học; giới doanh nhân, các tổ chức doanh nghiệp là "lực đẩy" trọng tâm.

Theo ông Vũ, khi đã tập hợp được sức mạnh xã hội thì chính nó sẽ đóng vai trò chủ lưu trong thực tiễn. Tinh thần hình thành nên các nhóm liên minh hành động (Alliances for action - AfAs) sẽ kích hoạt không chỉ các nguồn lực mà còn sự đồng thuận, hợp tác và trách nhiệm công dân trong toàn xã hội.

Liên minh hành động để tạo xung lực

Liên minh hành động AfAs là một trong những ý tưởng hành động mới do Chính phủ Singapore bắt đầu thực hiện trong giai đoạn dịch Covid-19 đang tàn phá cả thế giới, trong đó có đảo quốc sư tử.

Theo đó, Singapore đã thành lập 9 AfAs để hợp tác với các đối tác trong khu vực công và tư nhân nhằm vạch ra các chiến lược hành động cho các lĩnh vực được xác định là chủ chốt của nền kinh tế như thương mại điện tử, công nghệ giáo dục (Edutech), công nghệ y học (Medtech), công nghệ nông nghiệp (Agritech), số hóa chuỗi cung ứng…

Ví dụ trong công nghệ y học, Singapore chủ trương xây chắc hơn nữa vị thế của mình trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.

Lúc đó, thị trường Medtech ở châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ tăng trưởng hằng năm với tốc độ 8,8% để đạt con số 157 tỷ USD năm 2022. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các công ty Medtech nếu biết áp dụng đổi mới công nghệ hiệu quả để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe.

Cụ thể hơn, trong dịch Covid-19, Singapore được thế giới biết đến trong vai trò là một trong những nước đi đầu trong cuộc chiến chống đại dịch, nhờ các công ty Medtech của Singapore như MiRXES, Veredus Labs và Biolidics đã phát triển thành công các bộ xét nghiệm chẩn đoán và được quốc tế công nhận.

Tại Singapore, nhóm các công ty Medtech tự phát triển với các công nghệ độc quyền đã tăng gấp sáu lần, từ 60 nhóm vào năm 2014 lên hơn 360 nhóm vào năm 2020.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem