Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, dù đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh trong thời gian giãn cách toàn TP theo chỉ thị 16, nhưng số ca nhiễm mới vẫn tăng cao. Vì vậy, từ ngày 23/8, thành phố tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp phòng chống dịch. Trong đó, người dân phải đảm bảo việc thực hiện quy định về giãn cách xã hội, ai ở đâu ở yên đó, nhà cách ly nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố, ấp cách ly với khu phố, ấp...
Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 22/8, từ các con hẻm nhỏ cho tới đường lớn trong thành phố đều tấp nập người dân qua lại. Trong đó, đa số là người dân đi mua nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho những ngày tăng cường biện pháp giãn cách. Đồng thời, các shipper cũng hoạt động hết công suất. Hình ảnh được chụp lúc 9h sáng tại đường TL27, phường Thạnh Lộc, quận 12. Ảnh: Mỹ Quỳnh'
Đường Hai Bà Trưng (phường Tân Định, quận 1) là nơi tập trung khá nhiều hiệu thuốc lớn, do đó, trước "giờ G", người dân ra đây mua thuốc để tích trữ phòng trường hợp không may. Cũng vì vậy, tuyến đường xe cộ qua lại đông đúc. Ảnh chụp lúc 11h ngày 22/8. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Trong số những người có mặt ngoài đường sáng nay, phấn đông là shipper giao hàng. Theo quy định, từ 0h ngày 23/8 đến ngày 6/9, TP.HCM sẽ tạm ngưng lực lượng shipper tại TP.Thủ Đức và các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn. Do vậy, hôm nay các shipper tranh thủ giao những đơn hàng cuối. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Chú H.T (ngụ quận 12) cho biết, ngày mai, shipper tại quận 12 ngừng hoạt động nên chú tranh thủ "kiếm chút đỉnh" để nghỉ. "Từ sáng sớm tới giờ (10h30 sáng), tui cũng giao được 5 đơn rồi. Hôm nay người ta đặt hàng nhiều lắm, không có sức mà chạy thôi", chú T cho biết. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Nhìn hình ảnh này, không ai tin đây là TP.HCM trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, bởi lượng phương tiện lưu thông trên đường không khác mấy so với những ngày chưa xảy ra dịch bệnh. Ảnh chụp trên đường Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh) sáng 22/8. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Rất đông phương tiện di chuyển trên đường Phan Đăng Lưu (trước UBND quận Bình Thạnh) trưa 22/8. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Tương tự, tại đường Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình), người đi ra đường khá đông vào chiều 22/8. Đa số đều đi mua nhu yếu phẩm, đồ đạc treo lỉnh kỉnh trên xe. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Tại các siêu thị không quá đông người như ngày hôm qua (21/8), tuy nhiên, người dân vẫn phải xếp hàng để chờ đợi vào mua sắm. Hình ảnh chụp tại cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận). Ảnh: Mỹ Quỳnh
Tại nhà thuốc Long Châu (quận 1), người dân chấp nhận đứng dưới nắng nóng giữa trưa 22/8 để chờ vào mua thuốc. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Một người đàn ông đang tranh thủ lên sẵn danh sách các thứ cần mua để tránh quên khi tới lượt. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Người phụ nữ này đứng dưới nắng nóng hơn 30 phút trưa 22/8 để chờ đợi. Chị cho biết chị đang mang thai nhưng các loại thuốc bổ, canxi đã gần hết, do đó, chị phải tranh thủ trước "giờ G" để đi mua. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Vì nhu cầu mua thuốc quá nhiều, người dân tập trung không an toàn nên nhiều hiệu thuốc trên đường Hai Bà Trưng (quận 1) cử nhân viên ra đường tư vấn trực tiếp cho người dân. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Công tác đảm bảo an toàn mùa dịch vẫn được các nhà thuốc triển khai đúng quy định, người vào mua được yêu cầu đứng giãn cách, đo nhiệt độ và xịt khử khuẩn. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Bà T.T.H (ngụ quận 1) cho biết, bà đi mua thuốc điều trị lao phổi, tuy nhiên đi đến hiệu thứ 3 rồi vẫn chưa mua được vì không có hàng. "Tới nơi nào cũng phải xếp hàng, chờ cả tiếng mới đến lượt nhưng không có thuốc. Qua nhà thuốc khác, xếp hàng tiếp... Nhưng buộc phải đi tìm nhà thuốc để mua cho được, mai không được ra đường nữa, không có thuốc là chết", bà H cho biết. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Hai bố con đang chờ người thân mua bánh mì trên đường Hai Bà Trưng, quận 1. Trời nắng nóng, ông bố liên tục động viên con cố gắng chờ thêm một chút. Anh cho biết, sáng sớm đã đi một lần nhưng đông người quá, không an toàn nên quay về. Chờ tới trưa, anh đi ra mua, nhưng vẫn đông người. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Hầu hết các con hẻm đang bị phong tỏa đều tập trung nhiều shipper đến giao hàng. Ảnh chụp trưa 22/8 tại một con hẻm trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, phường 2, quận Tân Bình Ảnh: Mỹ Quỳnh
Hai vợ chồng anh T.V.Q tranh thủ bán rau trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp). Anh Q cho biết, mỗi bọc rau đồng giá 25.000 đồng. "Sáng tới giờ bán được cả trăm bọc, người ta mua về để dành ăn chống dịch. Hai vợ chồng tranh thủ bán nốt số còn lại rồi về, có muốn bán thêm cũng không còn", anh Q nói. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Một cửa hàng tạp hóa trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận) không dám mở cửa lớn để bán vì khách tập trung đông, bị lực lượng chức năng nhắc nhở. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Hai chị em bé P.T.H.D (ngụ Gò Vấp) đang ngồi xin tiền trên đường Phan Văn Trị - Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp). D cho biết, bố mẹ em thất nghiệp nhiều ngày, không có tiền để lo cho cuộc sống. Từ ngày mai, người dân phải ở trong nhà nên không thể ra đường xin cơm, xin gạo được nữa, do đó D đã dẫn theo em trai ra đường xin tiền để sống những ngày tiếp theo. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Tương tự, chị N.T.N (ngụ Gò Vấp) cũng ôm con nhỏ ngồi xin ăn trên đường Lê Đức Thọ. Chị N nói, trước đây chị bán vé số. Nhiều ngày qua, chị không đi bán được nên không có tiền. Chồng của chị bị kẹt trên Đắk Lắk, vì dịch bệnh nên không vào TP.HCM được. Biết tin từ ngày mai ra đường bị phạt, chị tranh thủ đi xin tiền để mua sữa, mua bột cho con. Cũng có tiệm tạp hóa cho ít bánh, nơi thì cho hộp cơm từ thiện. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Trong sáng nay, lực lượng Sư đoàn 5 - Quân khu 7 cũng đã có mặt tại UBND quận Bình Thạnh để giúp TP.HCM đẩy lùi dịch Covid-19. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.