TP.HCM: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào trường học
TP.HCM: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào trường học
Mỹ Quỳnh
Thứ sáu, ngày 28/10/2022 18:07 PM (GMT+7)
Sở GDĐT TP.HCM định hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo AI đóng vai trò như các trợ lý, hỗ trợ giáo viên truyền thụ kiến thức, chấm điểm, hướng dẫn học sinh giải một số loại bài tập cơ bản, lưu trữ thông tin về điểm số, theo dõi quá trình học tập của học sinh…
Ngày 28/10, Sở GDĐT TP.HCM tổ chức hội thảo quốc tế ngành giáo dục với chủ đề "Chuyển đổi số giáo dục - từ cốt lõi đến toàn diện".
Tại hội thảo này, đại diện Sở GDĐT chia sẻ về mục tiêu và chiến lược chuyển đổi số của ngành GDĐT TP.HCM đến năm 2025, định hướng 2030. Trong đó, ngành GDĐT xây dựng kế hoạch sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain để giúp đỡ, hỗ trợ giáo viên và học sinh, giúp hệ thống giáo dục tốt hơn và hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GDĐT cho biết, yếu tố sử dụng AI để phân tích trên nền Big Data cho những đánh giá và định hướng tổng quát, chính xác hơn. Trong đó, AI sẽ hỗ trợ giáo viên để phân tích việc học và đáp ứng theo nhu cầu của từng học sinh, tập trung vào các chủ đề, các nội dung học sinh chưa nắm vững, học sinh có thể học tập với nhu cầu và khả năng của riêng mình. Đây là hình thức học tập thích ứng, hỗ trợ học sinh với các cấp độ khác nhau, có thể học tập cùng nhau trong một lớp học.
Ngoài ra, AI chatbot trong giáo dục sẽ cung cấp những phản hồi thường xuyên cho học sinh, phụ huynh. AI đóng vai trò như các trợ lý, giúp giáo viên rất nhiều công việc đơn giản nhưng lại tiêu tốn nhiều thời gian như truyền thụ kiến thức, chấm điểm, hướng dẫn học sinh giải một số loại bài tập cơ bản, lưu trữ thông tin về điểm số, theo dõi quá trình học tập của học sinh.
Việc sử dụng AI chatbot sẽ giúp học sinh có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin và đặt các câu hỏi liên quan đến bài học, dễ dàng nhận được thông tin chính xác trong thời gian ngắn nhất. Đây là hình thức hỗ trợ chứ không thay thể giáo viên. AI chatbot còn được dùng để tương tác với phụ huynh, phản hồi khi cần thiết cho những vấn đề thường ngày.
Định hướng nghề nghiệp
Lãnh đạo Sở GDĐT TP.HCM nhận định, AI còn có thể giúp định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Dựa vào kết quả điểm số và cung cấp các phản hồi đã được cá nhân hóa cho từng học sinh, các em sẽ được gợi ý các ngành nghề phù hợp dựa trên các dữ liệu đã được ghi nhận khi học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường.
Đặc biệt, việc sử dụng AI trong giáo dục không phải là những robot hình người thay thế giáo viên, mà là sử dụng trí thông minh trong máy tính để giúp đỡ giáo viên và học sinh, làm cho hệ thống giáo dục hiệu quả hơn. Các nhà quản lý giáo dục sẽ định hướng tổng quát và chính xác hơn khi sử dụng AI để phân tích trên nền Big Data.
Hiện ngành GDĐT TP.HCM đang đặt mục tiêu ứng dụng Blockchain trong quản lý, xác thực và liên thông điểm số, văn bằng. Công nghệ Blockchain đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực do khả năng chia sẻ dữ liệu nhưng vẫn đảm bảo được tính toàn vẹn và quyền sở hữu của dữ liệu đó.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở cũng nhìn nhận, dù nhận được sự quan tâm lớn từ xã hội và cả các cơ quan nhà nước nhưng hiện vẫn còn rất ít ứng dụng và hầu như chỉ mới trong giai đoạn thử nghiệm.
Về khó khăn, thách thức, thành phố có hơn 1,7 triệu học sinh và khoảng 100.000 giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý... nên việc triển khai các hệ thống, phần mềm cũng phức tạp. Việc tạo tài khoản, quản lý tài khoản, định danh người dùng, chăm sóc người dùng... sẽ khó khăn hơn. Bên cạnh đó, nhân sự còn hạn chế về số lượng, dữ liệu không tập trung, hệ thống lưu trữ, phân tích dữ liệu lớn của ngành chưa được triển khai do chậm thực hiện các đề án công nghệ thông tin. Một số khó khăn khác như vấn đề an toàn, an ninh mạng; môi trường đào tạo chưa sẵn sàng và đội ngũ giáo viên chưa đủ tự tin.
Trước những vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết ngành giáo dục và đào tạo TP.HCM xác định một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, đó là đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành; thực hiện tốt các quy định trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; xây dựng, phát triển dữ liệu số; tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học ở tất cả các cơ sở giáo dục ...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.