TP.HCM: Xem xét nới lỏng giãn cách ở quận Gò Vấp, một số F0 khai báo nhỏ giọt

Bạch Dương Chủ nhật, ngày 13/06/2021 14:25 PM (GMT+7)
Ngày 13/6, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Dương Anh Đức đã làm việc với UBND quận Gò Vấp để xem xét phương án tiếp theo sau khi chuẩn bị hết thời gian 15 ngày quận giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Bình luận 0
TP.HCM: Xem xét nới lỏng giãn cách ở quận Gò Vấp, một số F0 khai báo nhỏ giọt - Ảnh 1.

Các điểm phong tỏa tại quận Gò Vấp đang giảm dần. (Ảnh: Bạch Dương)

Thu hẹp dần vùng cách ly, giãn cách

Ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết tỷ lệ F0 trung bình mỗi ngày là 5-10 ca. Tuy nhiên, số ca nhiễm giảm dần. Đa số F0 từ chuỗi lây nhiễm của điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng và từ số F1 đã được cách ly tập trung từ trước. Số điểm phong tỏa giảm theo ngày, cao nhất hôm 9/6 là 49 điểm, đến ngày 12/6, quận chỉ còn 31 điểm phong tỏa.

Từ tình hình thực tế, UBND quận Gò Vấp kiến nghị UBND TP.HCM dừng thực hiện Chỉ thị 16; hoặc tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn quận và thành phố đến hết 15 ngày giãn cách rồi mới quyết định. Quận cũng đề xuất thành phố sớm tổ chức tiêm ngừa vaccine Covid-19 cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu.

Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp Nguyễn Trung Hòa phân tích, các chuỗi lây nhiễm tại quận xuất phát từ "ổ dịch" điểm nhóm truyền giáo. Tuy nhiên, từ 3/6 trở đi, Gò Vấp phát hiện thêm một số F0 qua khám sàng lọc tại bệnh viện.

"Chúng tôi lo lắng là có chuỗi lây nhiễm F0 qua khám sàng lọc đang tồn tại ở cộng đồng và đang khoanh vùng xử lý để kiểm soát. Còn chuỗi lây nhiễm điểm nhóm hội thánh coi như được cắt đứt", ông Hòa đánh giá tình hình. Trung tâm Y tế quận sẽ tổ chức một điểm khám sàng lọc sốt, ho hàng ngày cho người dân và tổ chức xét nghiệm trọng điểm ở các vùng nguy cơ.

Từ số liệu báo cáo, ông Dương Anh Đức cho rằng các biện pháp thời gian qua đã phát huy tác dụng nhưng chưa đủ an tâm. Quận phải tiếp tục ý thức rằng nguồn lây có thể vẫn còn lảng vảng. Ông lưu ý quận vẫn có vùng trọng điểm, cần siết chặt hơn cách ly, giãn cách.

Cách làm là thu hẹp dần vùng cách ly, phong tỏa nhưng phải làm nghiêm ngặt, duy trì đều từ ngày đầu đến ngày cuối. Không thể ngày đầu siết chặt, sau đó chủ quan nới lỏng thì rất nguy hiểm.

TP.HCM: Xem xét nới lỏng giãn cách ở quận Gò Vấp, một số F0 khai báo nhỏ giọt - Ảnh 3.

Xem xét nới lỏng các biện pháp không thật cần thiết cho quận Gò Vấp. (Ảnh: Bạch Dương).

Ông yêu cầu quận Gò Vấp rà soát lại toàn bộ 16 phường, có phường gần một tuần không phát sinh ca mới hoặc chỉ một ca, có vùng vẫn xuất hiện 5-7 ca.

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM đề nghị quận Gò Vấp có báo cáo cụ thể và gửi trước 8h sáng 14/6 để có căn cứ quyết định. Tuy nhiên, ông cho biết tinh thần cơ bản không thay đổi, đó là nới lỏng các biện pháp không còn quá cần thiết để người dân dần dần quay lại cuộc sống bình thường. Phương châm chống dịch là ban đầu rộng, sau đó thu hẹp lại có trọng tâm, trọng điểm do nguồn lực không phải là vô hạn.

Nhiều F0 khai báo nhỏ giọt

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhận định về nguy cơ lây nhiễm với ngành y tế, đặc biệt sau khi phát hiện 22 ca Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tối 12/6.

"Nguy cơ nhân viên y tế bị lây nhiễm là có và thậm chí là cao vì nhiều người có quan hệ rộng, tiếp xúc nhiều", ông nói. Ông Đức nhắc nhở các cơ sở y tế, đặc biệt là bác sĩ, nhân viên y tế quận Gò Vấp ở cả khu vực công và tư đều cần cảnh giác cao độ.

TP.HCM: Xem xét nới lỏng giãn cách ở quận Gò Vấp, một số F0 khai báo nhỏ giọt - Ảnh 4.

Nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế là rất cao sau khi 22 nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM mắc Covid-19. (Ảnh: Bạch Dương)

Ông cho biết hiện nay, qua hệ thống sàng lọc của các cơ sở y tế, TP phát hiện thêm nhiều ca bệnh do người dân thấy có triệu chứng hoặc yếu tố dịch tễ và đi khám. Đây là tình trạng ở Gò Vấp cũng như toàn TP.HCM.

Do đó, ông nhấn mạnh việc chống dịch đòi hỏi phải thực hiện toàn diện, không chỉ tập trung ở khu cách ly mà cần quan tâm đến nguy cơ bên ngoài cộng đồng.

Ông Đức thống nhất với đề xuất của Sở Y tế TP.HCM trước đó là cần tiếp tục giám sát, vận động người dân có ý thức cao. Nếu tự thấy mình hay người quen có triệu chứng đặc trưng của bệnh Covid-19 và có yếu tố dịch tễ (ví dụ nghi ngờ từng đi ngang qua nơi có F0 hoặc tiếp xúc gần với F0, F1) thì ngay lập tức phải khai báo và nghe theo hướng dẫn của ngành y tế.

Nói về nguy cơ của đợt dịch này, ông cho biết chủng lây nhiễm hiện nay có tốc độ và mức độ lây lan cao. Những đợt dịch trước, nếu gia đình có F0 thì chỉ một lượng nhỏ bị lây. Nhưng hiện nay, hầu như người sống và làm việc chung với F0 trong một không gian đều nhiễm bệnh.

Ông cho biết hiện tại đa số người dân có ý thức rất tốt. Tuy nhiên, một số người đã được xác định là F0 nhưng khai báo, chia sẻ thông tin nhỏ giọt, làm hạn chế tốc độ truy vết. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất ngành y tế tăng cường tuyên truyền về tác hại của việc khai báo chậm, khai báo không hết; hoặc thiếu ý thức khi bệnh rất nặng, rất rõ mới khai báo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem