TP.HCM xin thí điểm tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong đất đai
TP.HCM kiến nghị thí điểm tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong quản lý đất đai
Bạch Dương
Thứ ba, ngày 18/10/2022 18:37 PM (GMT+7)
Ngày 18/10, Thường trực Thành ủy TP.HCM đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên Môi trường về một số nội dung liên quan đến vấn đề đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.
Nhiều điểm nghẽn trong quản lý đất đai cần tháo gỡ
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin về một số nội dung đề xuất thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội và những kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai. Ông Mãi nhấn mạnh đến nhóm 18 vấn đề khó khăn vướng mắc, 5 vấn đề mang điểm nghẽn, nút thắt cần xem xét tháo gỡ.
Trong đó, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá công tác quy hoạch là một nội dung hết sức quan trọng. Tuy nhiên, loại hình quy hoạch tích hợp là mới, có tính chất phức tạp, nội dung bao trùm, phạm vi nghiên cứu rộng, hình thức hoàn toàn mới so với trước đây, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật có liên quan, trong khi cả kinh nghiệm trong nước và quốc tế về nội dung còn rất hạn chế.
Một điểm nghẽn khác là việc chuyển mục đích sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân trên khu đất phù hợp quy hoạch. Trước đây do luật thiếu khái niệm về chuyển mục đích sử dụng đất và chưa quy định chuyển mục đích sử dụng đất cũng là một quyền của người sử dụng đất, dẫn đến nhiều trường hợp không thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, việc yêu cầu doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải thực hiện đúng phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp là gần như không thể thực hiện được
Từ đó, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị, tách phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 để thực hiện độc lập. Sau khi hoàn tất sẽ tích hợp vào quy hoạch TP.HCM. Đồng thời, kiến nghị cần thống nhất thủ tục hành chính giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai.
Đối với đất do các doanh nghiệp đã thực hiện xong việc cổ phần hóa đang quản lý, sử dụng, TP.HCM kiến nghị không lập lại phương án sử dụng đất đối với doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa nhưng không có phương án sử dụng đất. Đồng thời, giải quyết các thủ tục đất đai (ký Hợp đồng thuê đất, ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất hoặc thu hồi đất) theo đúng các quy định pháp luật đất đai….
Kiến nghị thí điểm nhiều điểm mới
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị thí điểm cho TP xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của TP; thí điểm áp dụng việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất cùng mục đích sử dụng thì bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi theo tỷ lệ phần trăm. Cùng với đó, thí điểm được tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B tại TP.HCM.
TP.HCM cũng kiến nghị được thí điểm tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng TP.Thủ Đức thành Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Thủ Đức trực thuộc UBND TP.Thủ Đức, thực hiện chức năng nhiệm vụ như Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp tỉnh….
Trong công tác quản lý, TP.HCM đề xuất thí điểm cho UBND các cấp được sử dụng hình ảnh vi phạm ghi nhận từ các thiết bị thu hình ảnh của các cá nhân, tổ chức (như camera, smart phone, camera giao thông, camera giám sát an ninh trật tự tại địa phương…) để xử phạt trực tiếp vi phạm vệ sinh nơi công cộng (vi phạm xả rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định).
Cùng với đó, đề xuất phân cấp cho TP.HCM thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư có cấu phần xây dựng thuộc thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi nghe ý kiến các thành viên trong đoàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá nhiều cơ chế, chính sách về đất đai, môi trường mà TP.HCM kiến nghị thí điểm rất đúng, có cơ sở xác đáng.
Ông Hà cho biết trong số 18 vấn đề vướng mắc đã có 16 vấn đề được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này. Ông đề nghị TP phân công đầu mối chuẩn bị hồ sơ, tổng kết và hoàn thiện đề án để trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn, nút thắt, tạo điều kiện thông thoáng hành lang pháp lý bảo đảm an toàn thì TP.HCM sẽ phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn.
Nhìn nhận hiện nay, TP.HCM vẫn còn nhiều tồn đọng, vướng mắc cần được tháo gỡ, Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định, những vấn đề mới chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp thì TP.HCM đề xuất đăng cai thí điểm thực hiện để tổng kết rút kinh nghiệm. Ông Nên bày tỏ, cơ chế thí điểm rất quan trọng, cần thiết đối với TP.HCM lúc này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.