Muỗi là một trong những loài côn trùng đáng sợ nhất trên Trái đất.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), radar siêu nhạy của Trung Quốc được cho là có khả năng phát hiện bất kỳ một con muỗi nào đang bay trong phạm vi 2km.
Các nhà nghiên cứu đã chế tạo 2 cỗ máy dựa trên công nghệ phòng thủ tên lửa để phục vụ công tác nghiên cứu tại Viện Công nghệ Bắc Kinh (BIT).
“Nhận dạng và theo dõi từng con muỗi không còn là chuyện khoa học viễn tưởng”, một nhà khoa học giấu tên nói. “Chúng tôi sẽ sử dụng công nghệ này để cứu người”.
Muỗi là thủ phạm gây nên cái chết cho con người lớn hơn tất cả các cuộc chiến cộng lại. Những bệnh lây truyền qua muỗi khiến 1 triệu người chết mỗi năm, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Loài muỗi có thể mang trong mình nhiều mầm bệnh, từ sốt rét đến loại virus mới như Zika. Kiểm soát bệnh dịch là một thách thức lớn bởi không thể biết con muỗi nào mang trong mình mầm bệnh.
Công nghệ soi rõ từng con muỗi được lấy từ radar quân sự Trung Quốc.
Các nhà khoa học Trung Quốc tiết lộ, họ đã nhận khoản tiền 12,9 triệu USD từ chính phủ trung ương để chế tạo 2 radar cỡ lớn soi rõ đến từng con muỗi.
Mỗi khi tín hiệu radio chạm đến một con muỗi, nó sẽ phản hồi trở lại với mọi thông tin từ chủng loài, giới tính, tốc độ bay, hướng bay và nhiều thông tin khác.
Radar này có thể được đặt trên nóc một tòa nhà ở khu dân cư để xác định nguồn gốc loài muỗi, nơi chúng sinh sôi và làm tổ.
Bằng cách theo dõi từng con muỗi và phân tích thông tin trên máy tính, radar được cho là có thể giúp các nhà sinh học đưa ra chiến lược mới để ngăn bệnh dịnh từ muỗi phát triển.
“Hiện tại mới chỉ có 1-2 cỗ máy. Nhưng trong tương lai, chúng tôi hy vọng loại radar này được sản xuất đại trà trên khắp đất nước, tạo thành mạng lưới giám sát mọi sinh vật có cánh, không chỉ loài muỗi”, một nhà nghiên cứu nói.
Trung Quốc tin rằng, loại radar soi rõ loài muỗi sẽ giúp cứu triệu người.
Tuy vậy, các nhà khoa học khác cho rằng, việc theo dõi từng con muỗi ở khoảng cách vài km là không hề dễ dàng. Nhà khoa học Yi Zhenyuan cho rằng, muỗi thậm chí còn tạo ra nhiều thách thức hơn cả tiêm kích tàng hình F-22.
“Cánh của muỗi tất nhiên rất khác biệt so với cánh máy bay quân sự, cả về cấu trúc, hình dạng và cách chúng di chuyển. Radar soi rõ loài muỗi phải dùng đến thuật toán khác”.
Liu Xingyue, giáo sư chuyên về côn trùng học tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho rằng dự án nghiên cứu này rất hữu dụng, đặc biệt tại phía bắc Trung Quốc, các nước nhiệt đới và châu Phi. Đây là những nơi thường xuyên phải đối mặt với các bệnh dịch lây lan từ muỗi.
Các nhà khoa học “đang tạo ra vũ khí định vị chính xác trong cuộc chiến chống lại một trong những loài côn trùng nguy hiểm nhất Trái đất”, ông Liu nói. “Hàng triệu mạng sống có thể được cứu nhờ công nghệ này”.
Hệ thống này có khả năng tạo mưa cho tổng diện tích khoảng 1,6 triệu km vuông, nghĩa là gấp 3 lần diện tích Tây Ban Nha.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.