Lý do Kim Jong-un đến Trung Quốc gặp Tập Cận Bình

Thứ tư, ngày 28/03/2018 12:37 PM (GMT+7)
Kim Jong-un thăm Trung Quốc trước thềm gặp thượng đỉnh với Mỹ, khiến lợi thế đàm phán của ông gia tăng khi có sự hậu thuẫn của Bắc Kinh.
Bình luận 0

img

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: CGTN.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng phu nhân, bà Ri Sol-ju, đã thăm Trung Quốc từ ngày 25 đến 28.3 theo lời mời từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tuy ông Kim từng học ở Thụy Sĩ, ông chưa từng đi nước ngoài sau khi trở thành lãnh đạo Triều Tiên năm 2011. Ông cũng chưa bao giờ gặp nguyên thủ của nước khác. Với chuyến thăm Bắc Kinh, ông Kim có thể muốn tiếp nối thành công ngoại giao của Triều Tiên ở Olympic tại Hàn Quốc vào tháng trước. Phái đoàn được dẫn đầu bởi em gái Kim Jong-un là Kim Yo-jong và nguyên thủ Triều Tiên Kim Yong-nam đã thực hiện chiến lược tấn công quyến rũ hiệu quả, dẫn tới kế hoạch Hàn - Triều và Mỹ - Triều gặp thượng đỉnh.

Khi quyền lực trong nước đã được củng cố và chương trình hạt nhân gần như đã hoàn thành, ông Kim dường như đang có tự tin để trỗi dậy như một người chơi được công nhận trên trường quốc tế - thành tựu cho một nhà lãnh đạo trẻ đầy tham vọng, theo NYTimes.

Sửa chữa quan hệ với đồng minh

Trung Quốc từ lâu đã là đồng minh và là bên giúp đỡ kinh tế cho Triều Tiên. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai bên ngày càng trở nên căng thẳng. Bực bội trước các vụ thử vũ khí liên tiếp của Triều Tiên, Trung Quốc đã ủng hộ các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào đồng minh.

Yang Xiyu, một trong những chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về Triều Tiên, nói rằng ông Kim rõ ràng đang cố gắng sửa chữa mối quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh khi ngày càng bị cô lập. Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận định không có gì đáng ngạc khi Triều Tiên lúc này muốn xích lại gần Trung Quốc.

"Ông Kim Jong-un đang đối mặt với tình trạng kinh tế khó khăn nhất. Ông ấy còn phải đối mặt với canh bạc là gặp Trump", Shi nói. "Ông Kim nhận thức được rằng lợi thế đàm phán của ông sẽ gia tăng khi có sự hậu thuẫn của Trung Quốc, đặc biệt là khi chính quyền Mỹ có nhiều người giữ quan điểm cứng rắn với Triều Tiên".

Trung Quốc, bên khởi xướng chuyến thăm của ông Kim, cũng lo ngại bị nằm ngoài lề những đột phá về tình hình Triều Tiên khi các cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều và Mỹ - Triều sắp diễn ra. Các quan chức Trung Quốc muốn giành lại vai trò trung tâm trong các nỗ lực ngoại giao. "Trung Quốc muốn trở lại cuộc chơi. Bắc Kinh không thích bị nằm ngoài lề", Paul Haenle, người đứng đầu Trung tâm Carnegie Tsinghua ở Bắc Kinh, đánh giá.

"Chuyến thăm của Kim đến Bắc Kinh chứng minh cho tất cả các nước có liên quan rằng Trung Quốc là bên giữ vai trò trung tâm trong địa chính trị Đông Bắc Á và bất kỳ giải pháp nào về Triều Tiên cũng sẽ cần sự chấp thuận của Trung Quốc," Dennis Wilder, cựu cố vấn châu Á cho George W Bush, nhận xét.

Kim Jong-un và phu nhân đi xem triển lãm thành tựu Trung Quốc. Video: CCTV.

Câu giờ

Một nỗ lực ngoại giao lớn như gặp Tập Cận Bình, đi đối với việc ngừng đưa ra các tuyên bố khiêu khích và đình chỉ thử vũ khí có thể khiến ông Kim tránh được các lệnh trừng phạt mới, giúp ông "câu giờ" để củng cố nền kinh tế.

Kim Jong-un cũng có thể muốn khiến việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt trở thành điều kiện để Triều Tiên đồng ý tiến hành các cuộc đàm phán khác. Nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao, Trung Quốc và Nga sẽ không sẵn sàng trừng phạt Triều Tiên như Mỹ.

"Ông ấy đang muốn khiến các siêu cường phản đối lẫn nhau", Xia Yafeng, một nhà sử học tại Đại học Long Island, nói.

Củng cố lòng tin của người dân

Một trong những điều đầu tiên ông Kim hứa với người dân khi lên nắm quyền là không buộc họ phải "thắt lưng buộc bụng". Giờ đây, ông Kim cần tập trung xây dựng lại nền kinh tế và ông cần sự giúp đỡ của Trung Quốc cùng với thị trường rộng lớn của họ.

"Đối với người người Triều Tiên, việc cải thiện mối quan hệ với Hàn Quốc là quan trọng, nhưng cải thiện quan hệ với Trung Quốc còn quan trọng và cấp bách hơn", Cheong Seong-chang, chuyên gia phân tích cao cấp tại Viện Sejong ở Hàn Quốc, nhận xét.

Phương Vũ (VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem