TQ đối mặt khủng hoảng, lần đầu suy giảm dân số sau 70 năm

Đăng Nguyễn - Daily Mail Thứ sáu, ngày 04/01/2019 09:02 AM (GMT+7)
Các chuyên gia cảnh báo về “khủng hoảng nhân khẩu học”, bất chấp việc Trung Quốc đã nới lỏng chính sách một con.
Bình luận 0

img

Số lượng trẻ em chào đời ở Trung Quốc không bù lại được số người chết đi trong năm 2018.

Số lượng trẻ chào đời so với số người chết đi ở Trung Quốc năm 2018 đã ít hơn tới 2,5 triệu, trái ngược với những dự đoán ban đầu là tăng thêm 790.000 trẻ, theo nhà nghiên cứu Yi Fuxian.

Quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,4 tỷ người đã áp dụng chính sách một con trong hàng thập kỷ để kiểm soát sự gia tăng dân số. Kể từ năm 2016, Trung Quốc đã cho phép các gia đình được đẻ 2 con vì những lo ngại đến sự già hóa của dân số và suy giảm lực lượng lao động.

Ông Yi hiện là nhà nghiên cứu tại Đại học Wisconsin-Madison ở Mỹ, vốn là một người chỉ trích chính sách một con. Những nghiên cứu của ông từng gây được sự chú ý đối với giới lãnh đạo Trung Quốc.

Trung Quốc áp dụng chính sách một con kể từ năm 1979 với các quy định cứng rắn, khiến tỷ lệ sinh giảm mạnh. Chính sách này đã được nới lỏng nhưng tỷ lệ sinh vẫn chưa có chiều hướng gia tăng.

“Năm 2018 là một bước ngoặt với dân số Trung Quốc”, ông Yi nói. Nhà nghiên cứu này cho rằng, xu hướng suy giảm dân số ở Trung Quốc nhiều khả năng chưa thể đảo ngược trong tương lai gần.

img

Xu hướng suy giảm dân số Trung Quốc được dự báo chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều.

Các lý do bao gồm số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã sụt giảm, các gia đình không còn muốn đẻ thêm con, vấn đề sức khỏe và chi phí nhà cửa.

“Dân số Trung Quốc đã lần đầu sụt giảm kể từ khi thành lập nhà nước vào năm 1949. Vấn đề này lâu dài có thể làm gia tăng sự già hóa và khiến nền kinh tế trì trệ”, ông Yi nói.

Trung Quốc dự kiến cuối tháng này mới công bố số liệu chính thức. Nhưng ông Yi nói ước tính của mình là chuẩn xác.

Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Trung Quốc sẽ giảm 39% trong vòng một thập kỷ tới và chính sách cho phép đẻ 2 con là chưa đủ để cải thiện tình hình, ông Yi nói thêm.

Chuyên gia này hối thúc chính phủ áp dụng các biện pháp khuyến khích người dân đẻ thêm, ví dụ như cải thiện chế độ nghỉ thai sản và giảm thuế cho các bậc cha mẹ.

“Nếu chính phủ không can thiệp từ bây giờ thì khủng hoảng già hóa ở Trung Quốc sẽ còn nghiêm trọng hơn cả Nhật Bản”, ông Yi cảnh báo. “Trong khi đó, quốc gia đông dân không kém cạnh Trung Quốc là Ấn Độ lại có dân số trẻ hơn nhiều”.

Thảm kịch dân số của Trung Quốc

Khắc phục hậu quả sau 30 năm thực hiện chính sách một con không phải là điều dễ dàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem