Sáng nay (14.4), ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã trao đổi với Dân Việt về tình trạng Trung Quốc nhập ồ ạt lợn mỡ của Việt Nam.
Đánh giá của ông về tình trạng Trung Quốc ồ ạt thu mua heo mỡ của Việt Nam?
- Chúng tôi nắm rất rõ vấn đề này, việc Trung Quốc mua lợn mỡ là chuyện bình thường, không phải năm nay mới nhập mà từ nhiều năm trước rồi. Thương lái Trung Quốc rất nhiều lần thu mua lợn mỡ ồ ạt từ Việt Nam, người dân chăn nuôi phải vui mừng vì họ đã giúp đầu ra dễ tiêu thụ sản phẩm, giá lợn tăng giúp nông dân có lãi.
Một số hộ nuôi lao đao vì Trung Quốc ngừng thu mua lợn mỡ.
Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ thịt lợn rất lớn, sản xuất của họ chưa đáp ứng được nên họ phải nhập của Việt Nam tương đối nhiều. Không riêng gì thịt lợn, các mặt hàng nông sản khác cũng như thế. Nhưng họ chủ yếu xuất nhập tiểu ngạch, điều này khiến các hộ nuôi rất bị động, bởi thị trường Trung Quốc rất thất thường.
Cục Chăn nuôi có con số thống kê về việc nhập lợn mỡ của Trung Quốc không, thưa ông?
- Nhập tiểu ngạch không thống kê được, mà thống kê cũng không thể chính xác. Chỉ có nhập chính ngạch mới có con số chính xác.
Nhiều ý kiến cho rằng việc Trung Quốc ồ ạt mua heo mỡ vì lo ngại các hộ nuôi Việt Nam lạm dụng các chất tạo nạc, chất kích thích tăng trưởng. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
- Thông tin này cũng chưa biết thế nào. Từ trước tới nay, bao giờ Trung Quốc cũng sử dụng lợn nhiều mỡ hơn Việt Nam vì thói quen ăn mỡ nhiều mỡ. Vì tập quán đó nên họ nhập lợn mỡ từ rất lâu rồi, từ khi Việt Nam chưa rộ lên tình trạng lạm dụng chất tạo nạc. Họ mua những con lợn có trọng lượng trên 1 tạ, còn người Việt thường sử dụng lợn nạc dưới 1 tạ.
Thị trường Trung Quốc không ổn định nên việc nhập lợn mỡ qua đường tiểu ngạch cũng rất phập phù, lại mua qua thương lái không có hợp đồng, điều có gây ra hệ lụy tăng đàn nóng ở Việt Nam không, thưa ông?
- Đúng như vậy, đó là lo ngại lớn. Khi người chăn nuôi thấy giá cao, nhu cầu nhiều họ sẽ tái đàn và tốc độ tái đàn rất nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên khi lợn đạt trọng lượng để xuất chuồng thì giá lại không như thế, thậm chí Trung Quốc ngừng mua, khiến cho người chăn nuôi thua lỗ.
Người chăn nuôi biết được như thế nhưng không thể rút kinh nghiệm được. Cũng chính vì nhập qua tiểu nhạch nên hoàn toàn bị động, vậy nên mới có tình trạng lúc mua ồ ạt lúc dừng đột ngột, nếu xuất nhập qua chính ngạch thì có hợp đồng rõ ràng, có kế hoạch xuất nhập cụ thể. Vậy nên, định hướng nhập chính ngạch cần phải có.
Chân dung ông Nguyễn Văn Trọng - Cục phó Cục Chăn nuôi. Ảnh: Infonet
Cục Thú y đang làm việc với phía Trung Quốc về việc nhập qua đường chính ngạch, điều này rất tốt và cần được ủng hộ. Về phía Việt Nam nếu nhập các sản phẩm nông sản của họ qua đường chính ngạch cần đưa ra các hàng rào kỹ thuật chặt chẽ, các cơ quan ban ngành cần phối hợp nhuần nhuyễn để kiểm soát tốt về dịch bệnh, chất lượng sản phẩm…
Bên cạnh việc xúc tiến xuất nhập qua đường chính ngạch, chúng ta cần đưa ra các biện pháp gì nữa nhằm không bị cuốn vào “cơn sốt ảo” về nhu cầu và giá cả từ Trung Quốc, tránh tình trạng tăng đàn nóng, mất cân đối cung cầu, thưa ông?
- Chúng tôi khuyến khích người chăn nuôi không vì giá tăng cao mà tăng đàn ào ạt, hay không vì giá xuống thấp mà bỏ nuôi hàng loạt. Người nuôi cần tỉnh táo và chủ động nuôi để cung cấp sản phẩm với số lượng ổn định, liên tục có hàng vào ra đều đặn, có như thế mới hạn chế được tình trạng mất cân đối cung cầu, mà có mất cân đối thì giá cả cũng không bị biến động quá nhiều.
Xin cảm ơn ông!
Người chăn nuôi phải lưu ý giờ chăn nuôi phải theo chuỗi, có liên kết với các doanh nghiệp, xuất nhập phải qua đường chính ngạch, có như thế mới kiểm soát được rủi ro.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.