TQ xây đảo trái phép trên Biển Đông sẽ "đốt nóng" hội nghị ASEAN

Phương Đăng Thứ hai, ngày 03/08/2015 19:00 PM (GMT+7)
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các hành vi xây đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông của Trung Quốc sẽ là "vấn đề trọng tâm" tại hội nghị an ninh thường niên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), khai mạc vào ngày mai (4.8) tại Kuala Lumpur (Malaysia).
Bình luận 0

Thời gian qua, Trung Quốc bị nhiều quốc gia láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế (bao gồm Mỹ) chỉ trích, lên án gay gắt do tiến hành các hành động bồi đắp đất, xây đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông. Nước này sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực liên quan đến vấn đề này tại các hội nghị an ninh châu Á sẽ diễn ra trong tuần này, có sự tham dự của phái đoàn ngoại giao cấp cao của Mỹ lẫn Trung Quốc, theo hãng tin AFP.

img

Ảnh chụp vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đang xây đường băng trái phép trên đá Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Hôm qua (2.8), các quan chức cấp cao ASEAN đã bắt đầu nhóm họp tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) để chuẩn bị cho Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (AMM 48) và các hội nghị liên quan sẽ khai mạc từ ngày 4.8.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, vấn đề Biển Đông sẽ trở thành "chủ đề trọng tâm" trong Hội nghị của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN kéo dài 3 ngày.

"Các nước ASEAN cũng giống như chúng tôi, rất quan ngại về quy mô, phạm vi, tốc độ và hậu quả của các hành động bồi đắp đất, xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông", quan chức Mỹ giấu tên cho hay.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị sẽ tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) cùng các ngoại trưởng đến từ các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc...

Theo quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, các cuộc đối thoại là cơ hội để các nước ASEAN cũng như các bên khác "trực tiếp bày tỏ những quan ngại của họ với đại diện Trung Quốc". 

img

 Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị (phải) sẽ có mặt tại Kuala Lumpur (Malaysia) dự các hội nghị an ninh tuần này.

Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của một số quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Philippines.

Bất chấp sự phản đối gay gắt của các nước, Bắc Kinh vẫn ngang ngược tuyên bố cái gọi là "chủ quyền không thể tranh cãi" của nước này tại Biển Đông - khu vực được xem là có tiềm năng về năng lượng và là tuyến đường hàng hải quan trọng, với lượng hàng hóa luân chuyển qua đây trị giá 5.000 tỷ USD mỗi năm. Washington đã nhiều lần cảnh báo, căng thẳng Biển Đông có thể cản trở tự do hàng hải tại tuyến đường biển trọng yếu đối với thương mại quốc tế.

Theo tờ The Star, phát biểu trước thềm hội nghị AMM 48, ngày 2.8, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman khẳng định vấn đề Biển Đông sẽ rất "nóng" tại AMM 48 khi một số nước sẽ nhân cơ hội này bày tỏ quan điểm của họ.

Ông Aman cũng nhấn mạnh rằng, những diễn biến mới đây trên Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp đang làm leo thang căng thẳng trong khu vực và xói mòn lòng tin của các bên.

img

Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman

Cùng ngày, phát ngôn viên quân đội Philippines Restituto Padilla kêu gọi các nước ASEAN đoàn kết, cùng cất tiếng nói chung để ngăn chặn các hành động phi pháp và gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông.

“Nếu chúng ta muốn giải quyết vấn đề Biển Đông, tiếng nói chung sẽ mạnh hơn một vài tiếng nói đơn lẻ. ASEAN cần phải thể hiện quan điểm mạnh mẽ”, tờ New York Times dẫn lời ông Padilla.

Tại AMM  48, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông (COC). Gần đây, quan chức cấp cao hai bên đã gặp nhau và thống nhất sẽ tiến hành giai đoạn tiếp theo của cuộc đàm phán về COC.

Theo Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman, gần đây, ASEAN và Trung Quốc đã "đạt được những tiến bộ đáng kể" trong nỗ lực xây dựng COC. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Aman trái ngược với quan điểm của Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario.

Hồi tháng trước, tại Tòa án Trọng tài ở Hague - nơi đang giải quyết vụ kiện "Đường lưỡi bò" của Philippines và Trung Quốc, ông Albert Del Rosario cáo buộc, nhiều năm qua Bắc Kinh  cố tình tìm cách ngăn chặn việc đạt được thỏa thuận về COC.

"Lập trường (đàm phán) không khoan nhượng của Trung Quốc trong suốt 13 năm đàm phán đa phương đã khiến mục tiêu (đạt được thỏa thuận về COC) bất thành", Ngoại trưởng Philippines cáo buộc.

Nhiều chuyên gia phân tích cũng đồng tình với quan điểm của ông Albert Del Rosario. Tạp chí The Diplomat dẫn lời một số chuyên gia nhận định khả năng ASEAN và Trung Quốc đạt thỏa thuận về COC vẫn rất xa vời.

"Trung Quốc sẽ không ký (thỏa thuận về COC) hoặc nếu ký, họ cũng sẽ không tuân thủ. Vì một khi COC có hiệu lực, nó sẽ cản trở các hoạt động phi pháp của họ", ông Donald Emmerson, chuyên gia về Đông Á thuộc Đại học Stanford bình luận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem