Trả nghĩa tình cho mảnh đất Tây Nguyên bằng cách "biến" sâm Ngọc Linh thành "quốc bảo"

Gia Tưởng Thứ ba, ngày 24/01/2023 06:05 AM (GMT+7)
Không sinh ra ở Tây Nguyên, nhưng hai anh em ruột Trần Hoàn và Trần Hảo chọn lập nghiệp ở mảnh đất Kon Tum. Sau rất nhiều thăng trầm và làm nhiều nghề, họ đã chọn cách trồng sâm Ngọc Linh để trả nghĩa mảnh đất Tây Nguyên.
Bình luận 0

Năm 2018, đến thăm vườn sâm của họ, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng danh hiệu "Quốc bảo Việt Nam - Báu vật đại ngàn" cho sâm Ngọc Linh.

Âm thầm, bí mật trồng sâm

Nhiều người biết đến anh Trần Hoàn (sinh năm 1975) của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, cảm nhận được sự chu đáo của anh mỗi lần tiếp xúc - bởi có sự chân tình của một ông nông dân và sự hào sảng của một doanh nhân nhạy bén. Anh Hoàn chia sẻ, anh quê ở Hà Nam Ninh (cũ), vào Tây Nguyên làm kinh tế mới, đi khai thác gỗ, làm xây dựng... Quá trình đi làm đó đây, anh đến huyện Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum, thấy bà con lên rừng tìm sâm để mang bán cho thương lái. Lúc đó anh mới tìm hiểu và thấy được cây sâm Ngọc Linh của Tây Nguyên thuộc loại sâm chất lượng cao nhất, quý nhất thế giới. Loài sâm này mọc trên lớp mùn thực bì dưới tán rừng già, ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển. Trong sâm Ngọc Linh có đến 26 hợp chất saponin cấu trúc mới (trong khi loài sâm được các nhà nghiên cứu trên thế giới ghi nhận có cao nhất là 25 saponin).

xuan/ Âm thầm nuôi sâm Ngọc Linh thành quốc bảo - Ảnh 1.

Anh Trần Hoàn kiểm tra vườn sâm giống. Ảnh: G.T

"Phải biến giấc mơ thành hiện thực. Sâm Ngọc Linh là quốc bảo của Việt Nam và phải trở thành quốc kế dân sinh cho nhiều người dân, nhiều người tiêu dùng trong nước và quốc tế".

Nguyên thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phát biểu khi tới thăm vùng trồng sâm của Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum, tháng 9/2018)

Những năm 1990, khi làm khai thác gỗ, chế biến lâm sản, anh Hoàn thấy bà con săn lùng sâm Ngọc Linh dữ dội, nhưng chủ yếu người nước ngoài tìm mua, còn trong nước ít người biết tới sâm này. Năm 1997, anh Hoàn mới 22 tuổi, nhưng với "độ nhạy" của một người làm kinh tế, anh Hoàn đã nghĩ : Một loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh từ những năm 90 đã có giá trị vài chỉ vàng/kg, thì sau này chắc chắn sẽ đáng giá cả một cơ ngơi. Thế là anh cùng người em trai Trần Hảo quyết định: Sẽ tìm mọi cách để trồng bằng được giống sâm này".

Anh Hoàn đã tìm đến các nhà khoa học để tìm hiểu, nghiên cứu về phát triển và trồng sâm Ngọc Linh, áp dụng cả phương pháp cấy mô để nhân giống nhưng không đạt kết quả như mong đợi. Cuối cùng họ đi đến sự lựa chọn là cây sâm Ngọc Linh chỉ có ươm giống bằng cách gieo hạt, hoặc trồng từ mắt củ thì mới có chất lượng tốt. Miệt mài từ năm 1997 - 2011, anh Hoàn đã trồng được 140ha sâm ngọc Linh ở 2 xã Đăk Choong, Đăk Glei, huyện Tu Mơ Rông. Lúc công bố ra mắt Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum năm 2011, nhiều người vô cùng kinh ngạc, và cho rằng anh em Hoàn - Hảo đang có kho báu cất trên rừng. Đến thời điểm này, diện tích sâm của công ty đã lên tới hơn 500ha. Và hàng năm, diện tích sâm vẫn được mở rộng bằng cách công ty tặng 50.000 cây sâm giống cho bà con để phát triển kinh tế.

Làm giàu cùng cộng đồng

Anh Trần Hoàn trải lòng: Thực sự nhìn vào kết quả như bây giờ, nhiều người nghĩ rằng chúng tôi đang giàu có hay thành công lắm. Nhưng cả một quãng đường dài đằng đẵng đến 25 năm như vậy, tôi đã làm rất nhiều nghề để có tiền nuôi dưỡng những vườn sâm. Cũng được sự ủng hộ rất nhiều của các thế hệ lãnh đạo, cấp chính quyền địa phương thì công ty mới cho chút thành tựu như vậy. Nhưng mấy ai biết, trồng sâm Ngọc Linh cũng phải đối diện nhiều khó khăn, rủi ro: Phải ngăn chim ăn hạt, ngăn chuột đào bới ăn củ và canh chừng việc trộm sâm nữa. Nếu chúng tôi không có quyết tâm lớn, và không có một niềm đam mê vô điều kiện thì cây sâm Ngọc Linh bây giờ vẫn là một huyền thoại trên núi Ngọc Linh, có khi đang trên đà tuyệt chủng mất rồi chứ không có một tầm vóc, chỗ đứng và thương hiệu như hiện nay.

Không chỉ bảo tồn được nguồn gen gốc của sâm Ngọc Linh, anh em Trần Hoàn - Trần Hảo còn âm thầm bảo vệ những cánh rừng trồng sâm nơi đây cũng như tạo kế sinh nhai cho bà con quanh năm sống dưới chân núi Ngọc Linh.

Từ "thánh địa" sâm Ngọc Linh này, công ty đã tạo công ăn việc làm cho hơn 300 hộ dân ở 20 thôn của 3 xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lei (huyện Tu Mơ Rông) bằng hình thức liên kết trồng sâm gắn với việc bảo vệ phát triển rừng. Từ 2011 đến nay, mỗi năm Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum cấp miễn phí khoảng 50.000 cây sâm giống cho người dân để trồng ở vùng núi Ngọc Linh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem