“Trả nợ” cho đồng đội

Thứ tư, ngày 20/06/2012 19:04 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Suốt 20 năm nay, 2 cựu chiến binh Nguyễn Cư và Lê Văn Giãn lặng lẽ chăm nom phần mộ đồng đội, giữ gìn từng nấm mộ, hàng cây ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Phong (Quảng Trị) như một cách để trả nợ cho đồng đội.
Bình luận 0

Mang ơn đồng đội

Chúng tôi tìm đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Phong vào một buổi sớm. Khi đó, cựu chiến binh Nguyễn Cư (62 tuổi, ở thôn Nhan Biều 1, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) đang cắm cúi, tỉ mẩn nhặt từng chiếc lá vàng, nhặt nhạnh từng cọng cỏ ở khuôn viên. Đây là công việc hằng sáng gần chục năm nay của ông.

img
Ông Giãn (trái) và ông Cư tỉ mẩn chăm sóc cây cảnh, phần mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Phong.

“Tôi từng có những năm tháng lăn lộn giữa chiến trường lửa đạn, sự sống như hạt gạo trên sàng. Mình được sống là nhờ anh em đã hy sinh tuổi thanh xuân, hạnh phúc riêng tư. Bởi vậy, tui tình nguyện gắn bó với công việc này. Âu đó cũng là duyên nợ, nghĩa tình giữa người còn, người mất. Làm ở đây, dẫu mặt không gặp mặt song lúc nào tôi cũng cảm thấy anh em luôn ở bên mình...” - ông Cư trải lòng.

Thời trai trẻ của ông Cư là những năm tháng quê hương đang trong cuộc chiến chống Mỹ tàn khốc. 18 tuổi, ông tham gia du kích, cùng với bộ đội chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị. Nhiều lần vào sinh ra tử ở các mặt trận ác liệt nhất lúc bấy giờ như Cửa Việt, Thành cổ…

Những lần đó, ông không chỉ bị thương bởi các loại đạn pháo mà còn bị nhiễm chất độc dioxin do Mỹ ngụy rải thảm xuống những cánh rừng nơi đây. Ngày hòa bình, con cái ông đã không tránh khỏi di chứng từ cha mình. Cách đây 6 năm, sau bao năm làm cán bộ xã, thôn, người lính già Nguyễn Cư đã xin nghỉ việc để tình nguyện chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ Triệu Phong.

Sống tử tế với người nằm xuống

Tình nguyện chăm sóc phần mộ liệt sĩ ở nghĩa trang này ngoài ông Cư còn có cựu chiến binh Lê Văn Giãn (52 tuổi, ở xã Triệu Vân, Triệu Phong). Năm 1986, ông đi bộ đội (Sư 361 đóng ở Hà Nội) đến 4 năm sau thì xuất ngũ. Trở về quê được 1 năm, mới ngoài 30 tuổi, ông Giãn đã tình nguyện nhận công việc này. Tính đến nay ngót nghét đã 20 năm.

Với mức phụ cấp hiện tại chỉ 600 nghìn đồng/tháng nhưng ông Giãn vẫn vui vẻ khi nói về công việc của mình: “Tôi làm việc này coi như một lẽ sống của riêng mình. Vả lại, vợ tôi luôn động viên tôi làm việc này. Chuyện cơm áo, con cái học hành một mình bà ấy lo tất, nhiều khi thấy tôi băn khoăn, bà ấy còn động viên tôi vượt qua khó khăn để sống cuộc đời thật tử tế với đồng đội”.

Những năm gần đây nhờ ông Giãn và ông Cư mà nhiều gia đình đã loại bỏ được các thông tin bịp bợm của các “nhà ngoại cảm”. Hai ông còn giúp nhiều gia đình tìm ra phần mộ liệt sĩ.

Không chỉ chăm sóc phần mộ liệt sĩ, suốt 20 năm qua, người lính này đã giúp đỡ thân nhân các gia đình liệt sĩ tìm kiếm, xác định danh tính và vị trí mộ cho hàng trăm trường hợp. Đặc biệt những năm gần đây nhờ ông Giãn và ông Cư mà nhiều gia đình đã loại bỏ được các thông tin bịp bợm của các “nhà ngoại cảm”.

“Còn nhớ năm 2007, thân nhân liệt sĩ P.N.T ở xã Chất Bình, huyện Kim Sơn, Ninh Bình, nghe theo “ngoại cảm” vào Nghĩa trang liệt sĩ Triệu Phong khăng khăng nói liệt sĩ của mình nằm ở đây và đòi bốc về. “Nhưng do làm việc ở đây lâu năm, thuộc lòng từng vị trí, tên tuổi mỗi đồng chí nên 2 anh em tôi quyết ngăn cản việc cất bốc khi chưa có chứng liệu chính xác. Sau đó, chúng tôi đã giúp đỡ gia đình tìm ra liệt sĩ của họ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh” - ông Cư nhớ lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem