Trách nhiệm hình sự vụ chiếm đoạt 500 triệu đồng tiền chuyển khoản nhầm
Trách nhiệm hình sự vụ chiếm đoạt 500 triệu đồng tiền chuyển khoản nhầm
Quang Trung
Thứ hai, ngày 24/10/2022 08:26 AM (GMT+7)
Nhận 500 triệu đồng do người khác chuyển khoản nhầm, Mạnh không trả lại mà cùng đồng phạm sử dụng vào mục đích cá nhân. Với hành vi này, các đối tượng có thể đối mặt khung hình phạt từ 1 đến 5 năm tù.
Công an TP Hải Phòng đã ra quyết định khởi tố bị can Phạm Văn Mạnh (31 tuổi), Vương Hoàng Trung (28 tuổi), Nguyễn Hồng Phong (43 tuổi) và Nguyễn Thị Hương (21 tuổi, cùng quê Hải Phòng) về tội Chiếm giữ trái phép tài sản.
Bốn bị can trong vụ án chiếm đoạt tiền chuyển khoản nhầm. Ảnh: Công an Hải Phòng.
Theo công an, chị Đ.T.H. (46 tuổi, ở huyện An Lão, Hải Phòng) thường xuyên bán hàng cho Mạnh nên có số tài khoản của người này.
Ngày 24/9, chị chuyển khoản 500 triệu đồng cho em trai nhưng chuyển nhầm vào tài khoản của Mạnh.
Phát hiện chuyển nhầm, chị H. tới ngân hàng thông báo và được hướng dẫn chuyển thêm 10.000 đồng tới tài khoản của Mạnh kèm lời nhắn về việc chuyển nhầm tiền, đề nghị liên lạc để xử lý.
Em trai chị H. sau đó gọi điện cho Mạnh để yêu cầu xử lý nhưng bị can viện cớ chờ kiểm tra lại phía ngân hàng rồi mới trả lời. Chị H. cũng gọi điện nhưng Mạnh không nghe máy.
Sau khi nhận tiền, Mạnh bàn bạc với Phong và Trung rồi quyết định chia số tiền này thành nhiều phần. Bị can chuyển 210 triệu đồng cho Ngọc (vợ Trung), 180 triệu đồng cho bạn gái là Hương và 110 triệu đồng cho Phong nhằm tránh bị ngân hàng thu hồi lại. Nhận tiền xong, các bị can đã sử dụng số tiền này để trả nợ và tiêu xài cá nhân.
Đối mặt khung hình phạt 1 đến 5 năm tù
Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, có thể hiểu, chiếm giữ trái phép tài sản là việc cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không tiến hành giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản không may bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi có yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định.
Như vậy, theo cách hiểu trên, người thực hiện hành vi vi phạm có được tài sản là do bị giao nhầm, do mình tìm được hoặc nhặt được.
Khi chủ sở hữu, người quản lý tài sản yêu cầu được nhận lại tài sản nhưng người này cố tình không trả lại sẽ được xác định là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.
Theo bà Thơ, người có hành vi trên sẽ bị xử lý hình sự về tội "Chiếm giữ trái phép tài sản" theo quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự 2015.
Thời điểm được xem là hoàn thành tội phạm được bắt đầu tính từ lúc sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản nhưng vẫn cố tình không trả lại.
Thời điểm này có thể là ngay sau khi có yêu cầu trả lại tài sản hoặc ngay sau khi thời hạn người yêu cầu đưa ra chính thức kết thúc.
Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội này với lỗi cố ý. Người phạm tội biết tài sản đó không thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình, biết mình có nghĩa vụ phải trả lại cho chủ tài sản hoặc phải giao nộp cho cơ quan Nhà nước có trách nhiệm.
Về hình phạt, theo vị luật gia, Điều 176 quy định, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 đến dưới 200 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Còn nếu chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Như vậy, với số tiền 500 triệu đồng, nếu bị chứng minh có tội, những đối tượng trên có thể đối mặt khung hình phạt từ 1đến 5 năm tù.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.