Trách nhiệm pháp lý vụ bé trai hơn 1 tuổi ở Hóc Môn bị thương tích khắp người
Trách nhiệm pháp lý vụ bé trai hơn 1 tuổi ở TP.HCM nghi bị bạo hành
Quang Trung
Thứ sáu, ngày 14/04/2023 13:06 PM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã bình luận về vụ bé trai hơn 1 tuổi được cha mẹ đưa đến nhà người thân gửi trong tình trạng gãy tay, mặt và cơ thể bị bỏng, chằng chịt thương tích, nghi bị bạo hành.
Liên quan đến vụ bé trai hơn 1 tuổi ở khu nhà trọ trên đường Thới Tam Thôn 16 (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM) nghi bị cha mẹ bạo hành, Công an xã Thới Tam Thôn đã xác minh sự việc và mời cha mẹ của bé này lên làm việc.
Bước đầu, mẹ bé đã thừa nhận đánh con mình. Công an cũng tiến hành test nhanh ma túy với cha mẹ bé tuy nhiên cả 2 người âm tính.
Về tình trạng sức khỏe của bé, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết bé K. được Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn chuyển đến vào ngày 12/4 với chẩn đoán đa tổn thương, gãy thân xương cánh tay, đa xây xát, bỏng da độ I-II, chấn thương đầu.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ ghi nhận tình trạng cháu bé suy hô hấp và sốc mạch, khó đo huyết áp. Bệnh nhi được thở máy, điều trị tích cực, bù dịch, bó bột cánh tay phải, vệ sinh chăm sóc vết thương. Qua chụp CT sọ não cháu bé ghi nhận xuất huyết dưới màng cứng, tụ máu mô mềm da đầu 2 bên.
Trước đó, sáng 12/4, bé được cha mẹ (khoảng hơn 20 tuổi) chở tới nhà cô ruột trên đường Tam Đông 20 (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn), nhờ chăm sóc.
Người cô phát hiện cháu có nhiều vết thương, gặng hỏi anh chị thì được cho biết bé "nghịch nước sôi, bị văng trúng nên bỏng". Cha mẹ cậu bé sau đó bỏ đi.
Ngoài các vết bỏng loang lổ, thân thể cháu bé còn có nhiều thương tích giống như bị châm đầu thuốc lá và bị gãy tay phải. Người cô sau đó đã trình báo vụ việc với cơ quan công an.
Người thực hiện hành vi có thể bị xử lý ra sao?
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ việc bạo hành cháu bé diễn ra thời điểm nào, có những ai biết và có phải chính cha mẹ cháu bé là người thực hiện hành vi hay không.
Đồng thời, giám định thương tích cơ thể và mức độ tổn thương tâm lý của cháu bé để làm căn cứ xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Đồng, trong vụ việc này, sẽ có một số tình huống pháp lý diễn ra. Cụ thể, trường hợp việc bạo hành cháu bé dẫn tới thương tích nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 7 Nghị định 144/NĐ-CP. Mức phạt tiền từ 5 đến 8 triệu đồng.
Còn nếu hành vi đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, người gây thương tích cho cháu bé có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015. Mức độ thương tích của cháu bé càng cao thì mức phạt càng nặng.
Ngoài ra, còn một trường hợp nữa là nếu hành vi hành hạ cháu bé diễn ra trong một thời gian dài, và chính cha mẹ là thực hiện hành vi thì đã có dấu hiệu của tội "Hành hạ con" quy định tại Điều 185 Bộ luật hình sự năm 2015.
Tuy nhiên, hành vi nêu trên phải gây hậu quả nghiêm trọng hoặc thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi mà còn vi phạm mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.