Trái cây Đồng Nai “mang chuông đi đánh”... xứ mình

Nguyễn Vy Thứ tư, ngày 26/08/2020 10:00 AM (GMT+7)
Với diện tích cây ăn trái tăng nhanh, đạt gần 69.000ha, mỗi năm Đồng Nai cung cấp ra thị trường trên 1 triệu tấn sản phẩm. Tuy nhiên, hầu hết nông dân chuyển sang trồng cây ăn trái chỉ dựa theo một tín hiệu duy nhất là giá bán tại thời điểm trồng mà chưa tính đến đầu ra sản phẩm.
Bình luận 0

Học kinh doanh online

Ông Trần Anh Tùng - nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016, với mô hình trồng sầu riêng VietGAP ở huyện Long Thành, thừa nhận là có năng lực sản xuất hàng hóa tốt không đồng nghĩa với có khả năng bán hàng tốt. 

Đồng Nai có lợi thế rất lớn về cây ăn trái. Nhiều loại trái cây đặc sản cũng có diện tích thuộc tốp đầu cả nước như chôm chôm, sầu riêng, bưởi... nhưng chưa được khai thác tốt ở ngay thị trường nội địa.

Trái cây Đồng Nai “mang chuông đi   đánh”... xứ mình - Ảnh 1.

Bưởi Tân Triều - đặc sản có chỉ dẫn địa lý của Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn Vy

"Việc tạo ra các dòng sản phẩm mới sẽ giúp khách hàng trong và ngoài nước có thêm nhiều lựa chọn, cũng như giúp danh tiếng ca cao Trọng Đức tiếp cận được với khách hàng qua nhiều kênh sản phẩm".

Ông Đặng Tường Khanh

Quyết tâm khắc phục điểm nghẽn giữa sản xuất và kinh doanh, ông Tùng tìm tòi học hỏi cách bán hàng. 

Ngoài việc làm thêm dịch vụ thu mua, đóng gói trái cây tại nhà, ông Tùng cũng đại diện cho nông dân địa phương đàm phán với đối tác đưa sản phẩm sầu riêng VietGAP vào siêu thị. Rồi đích thân ông lại chủ động liên hệ với Co.opMart Biên Hòa tổ chức quầy hàng giới thiệu và bán sản phẩm.

Không dừng lại ở đó, ông Tùng còn chọn mạng xã hội để tự phát triển kênh bán lẻ cho mình và bà con. Hiện kênh bán hàng hàng của ông nhận rất nhiều đơn hàng của giới công chức và doanh nghiệp. Ông Tùng ấp ủ dự định sẽ dựng luôn website chuyên bán đặc sản trái cây Long Thành.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) - nơi có loại bưởi Tân Triều ngon nổi tiếng, chị Nguyễn Thị Hồng Quyên am hiểu và tiếc cho đặc sản này của quê hương khi không được nhiều người biết đến. Nghĩ là làm, chị Quyên bắt tay xây dựng kênh phân phối, kết nối quảng bá sản phẩm bưởi Tân Triều đến người tiêu dùng một cách bài bản. 

Ban đầu, chị tham gia giới thiệu và bán tại các hội chợ thương mại trong vùng. Hiện, cửa hàng Cô Ba Chuyên của chị Quyên đã kết nối được với hơn 10 nhà vườn trồng bưởi Tân Triều và một số loại trái cây tiêu biểu theo mùa.

Trái cây Đồng Nai “mang chuông đi   đánh”... xứ mình - Ảnh 3.

Sản phẩm ca cao Trọng Đức đạt chứng nhận OCOP Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn Vy

Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên doanh thu của cửa hàng giảm từ 60-70%. Chị Quyên bắt đầu chuyển hướng sang kinh doanh online. Cùng với các chương trình khuyến mãi, thu hút khách hàng mới..., chị Quyên luôn duy được mức lợi nhuận ổn định, từ 10 - 12 triệu đồng/tháng.

Cải thiện nội lực, chung tay làm thương hiệu

Là người đi tìm kiếm nguồn hàng bổ sung cho chuỗi trái cây ngoại nhập bị gián đoạn, chị Nguyễn Ngọc Huyền - Giám đốc Công ty TNHH Mia Fruit cho biết, dịch Covid-19 giúp doanh nghiệp suy nghĩ nhiều hơn về trái cây trong nước. Thực tế đã có những khách hàng trước đây chỉ thích ăn trái cây ngoại thì nay lại hỏi mua nhiều hơn những mít, mận, xoài, nhãn, ổi... nội địa.

Chị Huyền kể chỉ khi đến tận vườn, gặp người nông dân, ăn trái cây bà con trồng mới thấy rõ trái cây nước mình ngon, chất lượng, nhất là trái cây gắn với danh tiếng vùng miền. Chỉ có điều việc xây dựng, quảng bá thương hiệu lâu nay chưa tốt. Đây cũng là một hạn chế với đầu ra trái cây trong nước.

Đồng tình, ông Trần Anh Tùng tin tưởng trái cây ngon hoàn toàn có khả năng chinh phục thị trường bằng uy tín chất lượng. Nhưng để thương hiệu trái cây ngon đi xa hơn, cần phải có thêm những doanh nghiệp đầu tàu, mở đường đột phá cho các chuỗi giá trị nông sản thế mạnh của địa phương. "Nỗ lực tự bơi của nông dân là chưa đủ" - ông Tùng chia sẻ.

Ngay tại Đồng Nai, việc triển khai Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) nhằm đưa các sản phẩm truyền thống, thế mạnh của địa phương vươn ra khỏi "lũy tre làng" cũng là bước đi nhằm xây dựng những thương hiệu nông sản lớn. 

Hiện nay, Đồng Nai có 17 sản phẩm được chứng nhận OCOP nhưng nhiều chủ thể OCOP cho biết, vấn đề tìm kiếm đầu ra vẫn là bài toán khó. Các đơn vị có sản phẩm OCOP vẫn đang loay hoay kết nối để đưa sản phẩm vào siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ.

Đại diện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh cho biết, sản phẩm OCOP của Đồng Nai có nhiều tiềm năng để vào các kênh phân phối này. Tuy nhiên, vẫn cần thời gian để các bên thương thảo, đánh giá chất lượng, tiêu chuẩn, lựa chọn các mặt hàng phù hợp nhu cầu của thị trường mới có thể ký hợp đồng tiêu thụ ổn định.

Trong khi tại huyện Định Quán, ca cao Trọng Đức là thương hiệu nổi tiếng đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia. Trong nỗ lực xây dựng thương hiệu quốc tế, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức cũng đã hợp tác với một công ty có chuỗi hàng trăm cửa hàng tại Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới.

Dù mặt hàng ca cao không cần "giải cứu" nhưng áp lực từ dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp này suy nghĩ nghiêm túc hơn đến việc phát huy các lợi thế nội tại của mình. Trước đó, bột ca cao nguyên chất, rượu vang ca cao Trọng Đức là những sản phẩm OCOP thành công nhất của huyện Định Quán.

Ông Đặng Tường Khanh - Giám đốc Công ty Ca cao Trọng Đức cho biết, tự thân doanh nghiệp phải cải thiện nội lực, xây dựng được các kênh phân phối ổn định, rộng lớn hơn. Cùng với việc tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu sạch ngay tại Đồng Nai để kiểm soát chất lượng sản phẩm, Trọng Đức đang đẩy mạnh mở rộng kênh quảng bá và đầu tư vào chế biến sâu. Mặt hàng thực phẩm chức năng về ca cao dự kiến sẽ ra mắt trong năm nay. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem