Trải chăn chống rét cho “đầu cơ nghiệp”

An Kiên – Nguyễn Hùng Thứ sáu, ngày 25/12/2015 15:10 PM (GMT+7)
Mùa đông năm nay, nhờ sự chủ động vào cuộc của chính quyền và ngành nông nghiệp, cùng với được trang bị kiến thức và bài học kinh nghiệm từ các mùa rét trước mà những ngày rét đậm vừa qua, người dân vùng cao Tây Bắc đã hạn chế tình trạng trâu bò chết rét.
Bình luận 0

Căng mình chống rét

Những ngày qua, chuồng trâu nhà anh Vàng A Páo ở xã Sa Pả, huyện Sapa (Lào Cai), dù là chuồng tạm nhưng đã được quây bạt kín, thức ăn gồm cỏ, rơm khô cũng được gia đình dự trữ đủ cho 4 con trâu ăn trong nhiều ngày, vì thế trâu ăn ngay tại chuồng.

Nhờ những kinh nghiệm đơn giản nhưng hiệu quả này mà 2 năm nay, nhà anh Páo không có con trâu nào bị chết rét. Anh Páo bảo: “Cái chuồng mình quây bạt, lợp ngói để tránh gió, tránh sương, không để trâu ở ngoài đường ngày giá rét. Hoặc dùng chăn, quần áo cũ trải dưới nền cho trâu, bò nằm”.

img

 Người dân vùng cao Mẫu Sơn (Lạng Sơn) che chắn chuồng nuôi trâu bò để tránh rét. Ảnh:   Đàm Duy

Còn gia đình anh Phàng A Phà ở bản Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) nuôi 2 con trâu, 15 con lợn, 7 con dê. Trong những ngày giá rét này, chúng đều được nhốt trong chuồng, cho ăn rơm khô, cỏ voi và tinh bột. “Khoảng hai năm trở lại đây, được Nhà nước tuyên truyền nhiều nên chúng tôi cũng hiểu là phải che chắn chuồng trại trâu bò để giảm tỷ lệ chết rét. Gia đình đã làm chuồng trại và che chắn cẩn thận nên không còn lo “đầu cơ nghiệp” chết rét nữa” - anh Phà cho hay.

Rút kinh nghiệm những năm trước, ngay từ những ngày đầu thời tiết chuyển rét, gia đình anh Chẻo Diếu Vản, dân tộc Dao ở bản Hoàng Chù Xào, xã biên giới Huổi Luông, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đã chủ động mua bạt quây quanh chuồng trâu để tránh gió lùa, mưa hắt. Những ngày trời rét đậm, rét hại này, để bảo vệ an toàn cho 5 con trâu, gia đình còn thay nhau đốt lửa gần chuồng để giữ ấm cho chúng. Không những thế, anh Vản còn tham gia cùng trưởng bản đi vận động các hộ trong bản tăng cường bổ sung thức ăn tinh, vẩy nước muối vào thức ăn thô để tăng sức chịu rét cho đàn gia súc.

Cùng bảo vệ “đầu cơ nghiệp”

"Cùng với chủ động hướng dẫn bà con phòng chống đói rét cho gia súc, cơ quan chuyên môn cũng tích cực vận động người dân xử lý tốt chất thải chăn nuôi; không vận chuyển, buôn bán gia súc chưa qua kiểm dịch, không có nguồn gốc. Chính quyền sẽ không hỗ trợ thiệt hại cho các hộ  không thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho vật nuôi” - Ông Hà Quang Huy - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Lai Châu

Theo ông Triệu Thiết Nghĩa - Phó Trưởng phòng Kinh tế - Nông nghiệp huyện Sapa, năm nay mùa đông đến muộn hơn, nhưng nhiệt độ chênh lệch rất lớn, chỉ cách một vài ngày nhưng từ trên 25 độ C có thể giảm xuống chỉ còn dưới 10 độ C.

Nhưng nhờ chủ động triển khai các biện pháp chống rét như xây mới, gia cố chuồng trại, làm các cây rơm, ủ cỏ chua để làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò mà những ngày rét ngọt vừa qua, trên địa bàn huyện không có con trâu bò nào bị chết rét.

Xã Bản Công, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có gần 2.000 con gia súc. Vài năm trở lại đây, đàn gia súc được người dân chăm sóc cẩn thận nên không xảy ra tình trạng bị chết rét hay chết vì dịch bệnh.

Ông Hoàng Minh Thuật - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Công cho biết: “Ý thức phòng chống rét cho vật nuôi của người dân trong xã đã được nâng cao. Thứ nhất là tất cả các hộ đều làm cây rơm dự trữ thức ăn khô cho gia súc, thứ hai là trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn xanh cho gia súc. Bà con còn chuẩn bị thêm thức ăn tinh bột như cám ngô, cám gạo để bổ sung dưỡng chất cho trâu bò...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem