Trải nghiệm thú vị và độc đáo, mở cửa là chạm biển

Huy Hoàng Thứ sáu, ngày 28/06/2024 15:00 PM (GMT+7)
Sẽ không ngoa khi nói rằng đảo Nam Du như "nàng tiên cá" ngủ quên giờ mới được đánh thức, cất tiếng hát thánh thót, mê hoặc lòng người trong sự quyến rũ, hoang dại đẹp đến nao lòng, để rồi du khách đến một lần, lần hai và sẽ còn muốn đến nhiều lần nữa.
Bình luận 0
Trải nghiệm đảo Nam Du: Nơi có thể ngắm hoàng hôn, mở cửa là chạm biển- Ảnh 1.

Nam Du nhìn từ biển, sự bình yên đến kỳ lạ. (Ảnh: Huy Hoàng)

Trải nghiệm đảo Nam Du: Mở cửa là chạm biển

Đảo Nam Du thuộc xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, là một trong những hòn đảo đẹp nhất trong quần đảo Nam Du được nhiều du khách biết đến trong vài năm trở lại đây. Nơi đây hầu như chưa có sự can thiệp của các công trình nhân tạo nên du khách được tận hưởng trọn vẹn tinh hoa thuần khiết nhất của trời đất, biển cả. Tuy nhiên, để đến được đảo này, du khách sẽ phải di chuyển khá nhiều, chuyển đổi qua nhiều phương tiện khác nhau như máy bay, ô tô và tàu biển.

Với tôi, xuất phát từ Hà Nội di chuyển bằng đường hàng không tới sân bay Cần Thơ, từ đây di chuyển bằng ô tô tới Rạch Giá (Kiên Giang), ngủ lại một đêm để sáng sớm hôm sau, 7h tôi có mặt tại bến cảnh, mua vé, làm thủ tục lên tàu. 7h30 tàu bắt đầu rời bến. Với những người say xe, say sóng, có lẽ sẽ là một hành trình dài, gian nan và đây cũng là một trong những trở ngại khi muốn ra đảo Nam Du đối với nhiều du khách.

Trải nghiệm đảo Nam Du: Nơi có thể ngắm hoàng hôn, mở cửa là chạm biển- Ảnh 2.

Du khách háo hức với kỳ nghỉ, khám phá và trải nghiệm trên đảo Nam Du. (Ảnh: Huy Hoàng)

Theo bạn hướng dẫn viên, hiện nay có 4 tàu chuyên chở du khách ra đảo và một ngày vào những ngày cuối tuần, đông khách cùng với trời yên biển lặng thì có thể chạy 2 đến 3 chuyến ra đảo và ngược lại chiều về. Tuy nhiên những lúc vắng khách, ngày thường có những thời điểm chỉ có 1 chuyến ra đảo và ngược lại, 1 chuyến về đất liền.

Sau 2 tiếng 30 phút lênh đênh trên biển, có những lúc tàu nhảy chồm chồm trên những con sóng lớn, cuối cùng cũng đã cập bến trong tiếng thở phào của một vài người say sóng. Trước mắt tôi hiện ra một hòn đảo với nhấp nhô những mái nhà đủ màu, nâu, đỏ... đằng sau những dãy nhà là ngọn núi phủ rừng cây xanh mướt, bến cảng thì hàng chục con thuyền nhỏ neo đậu dập dình theo từng cơn sóng đang lấp lánh bởi sự soi rọi của tia nắng khiến cho tôi cảm nhận sự bình yên của nơi đây.

Trải nghiệm đảo Nam Du: Nơi có thể ngắm hoàng hôn, mở cửa là chạm biển- Ảnh 3.

Du khách đổ bộ xuống đảo Nam Du. (Ảnh: Huy Hoàng)

Được biết, đảo Nam Du có đỉnh cao 309m với diện tích 9,12km. Phương tiện di chuyển duy nhất trên đảo là bằng xe máy, vì vậy mà du khách nào khi đến đây cũng sẽ trở thành phượt thủ.

Nhận chiếc xe wave, tôi di chuyển về khách sạn. Con đường di chuyển về khách sạn cũng là một trải nghiệm khá thú vị, khi phải leo lên con dốc cao để rồi lại lao xuống một con dốc thẳng đứng khác trong tư thế muốn bổ nhào ra phía trước.

Trong đoàn tôi đi có một vài người yếu tim đã khá hoảng hốt khi nhìn thấy con dốc thẳng đứng này, tuy nhiên ngay khi đi hết con dốc, trước mắt hiện ra là cảnh đẹp ngỡ như ở thiên đường, với hàng rặng dừa cao vút đang đùa vui cùng gió biển, bên dưới từng lớp sóng bọt tung trắng xóa xô nhau trên bãi cát ruộm ánh vàng mịn màng như nhung. Nước biển thì trong vắt có thể nhìn tận đáy. Cả đoàn ồ lên thích thú.

Trải nghiệm đảo Nam Du: Nơi có thể ngắm hoàng hôn, mở cửa là chạm biển- Ảnh 4.

Trời xanh, mây trắng, hàng dừa cao vút đón nắng, gió trông thật bình yên. (Ảnh: Huy Hoàng)

Do đặt phòng từ trước, chỗ chúng tôi ở sát mép biển, vì vậy mà tôi có thể mở cửa là chạm biển bất cứ lúc nào, có thể nghe tiếng sóng vỗ về trong đêm khuya, cảm nhận mùi mằn mặn của đại dương, quả là ấn tượng và thú vị.

Trải nghiệm đảo Nam Du: Nơi có thể ngắm hoàng hôn, mở cửa là chạm biển- Ảnh 5.

Bãi cát mịn màng, nước trong, xanh nhìn tới tận đáy. (Ảnh: Huy Hoàng)

Việc thư giãn, tắm biển và thỏa sức vẫy vùng có lẽ chưa phải là điều hấp dẫn đối với du khách khi đến với đảo này, bởi tắm biển thì ở đâu cũng chỉ vậy mà thôi, nhưng sự hấp dẫn nhất với du khách khi đến với đảo Nam Du chính là sự hoang sơ, chưa bị bê tông hóa, không bị xô bồ, ồn ào và được sống chậm lại.

Trải nghiệm đảo Nam Du: Nơi có thể ngắm hoàng hôn, mở cửa là chạm biển- Ảnh 6.

Du khách khi đến đảo có thể giở máy ở bất cứ chỗ nào cũng có góc ảnh tuyệt đẹp. (Ảnh: Huy Hoàng)

Hai ngày, hai đêm khám phá hòn đảo đã cho đoàn chúng tôi nhiều thú vị và trải nghiệm bất ngờ, một trong số những trải nghiệm gây ấn tượng với tôi chính là khám phá vòng quanh đảo bằng xe máy.

Trong không gian bao la rộng lớn, một bên là biển xanh ngăn ngắt mênh mông, một bên là rừng cây rợp bóng, tôi lái xe chầm chậm đi qua những con đường, cảm nhận mùi gió biển, không khí trong lành khiến cho tôi cảm nhận một sự thư thái, thanh thản, bình yên đến kỳ lạ. 

Lần lượt tôi đi qua các điểm check in như cây cô đơn, tấm biển đảo Nam Du, bãi cây Mến...

Trải nghiệm đảo Nam Du: Nơi có thể ngắm hoàng hôn, mở cửa là chạm biển- Ảnh 7.

Một trong những điểm check in cực phẩm được nhiều bạn trẻ yêu thích đó là cây cô đơn trên cung đường khám phá quanh đảo Nam Du. (Ảnh: Huy Hoàng)

Trải nghiệm tiếp theo cũng gây ấn tượng không kém mà không chỉ dành cho con trẻ, ngay cả với người lớn cũng rất hào hứng và thích thú, đó là mò ốc, bắt cá, cua, ghẹ, thậm chí là hải sâm.

Sau bữa tối, no nê với hải sản tươi ngon, chúng tôi trở về khách sạn với hành trình khám phá bãi biển về đêm, khi thủy triều rút, những chú ốc mặt trăng, vú nàng bám hiện ra khiến người lớn thì mải miết nhặt ốc, trẻ con thì hò reo thích thú.

Phái đoàn "ngư dân" tay ngang đã bắt được một túi to ốc mặt trăng và vú nàng, để rồi trưa hôm sau đã có một bữa cải thiện ra trò.

Trải nghiệm đảo Nam Du: Nơi có thể ngắm hoàng hôn, mở cửa là chạm biển- Ảnh 8.

Đĩa ốc mặt trăng, vú nàng được các ngư dân tay ngang đi bắt và thưởng thức. (Ảnh: Huy Hoàng)

Sẽ thật thiếu sót nếu không kể đến sự nhiệt tình, thân thiện, cởi mở của người dân nơi đây, những món ăn hải sản tươi ngon, cá chẻm đặc sản với giá cả hợp lý. Đặc biệt đồ uống đặc trưng tạo nên nét ẩm thực của đảo Nam Du, đó là nước me dầm chua ngọt

Me chua dầm đá không phải đồ uống mới mẻ hay độc đáo mà tại các điểm dừng chân, các tỉnh miền Tây vẫn thấy bán. Tuy nhiên với nước me dầm chua ngọt ở đây có một sự tổng hòa, quyện lẫn giữa độ chua của hạt me, độ ngọt của đường, mật ong khiến thực khách khi thưởng thức cảm nhận sự hòa quyện, thơm ngon lan tỏa trong miệng, đã cơn khát giữa cái nắng hè.

Trải nghiệm đảo Nam Du: Nơi có thể ngắm hoàng hôn, mở cửa là chạm biển- Ảnh 9.

Hàng me dầm chua ngọt của gia đình anh chị Hải Thanh tại đảo Nam Du, xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Huy Hoàng)

Trải nghiệm đảo Nam Du: Nơi có thể ngắm hoàng hôn, mở cửa là chạm biển- Ảnh 10.

Me dầm chua ngọt là một trong những đặc sản ở đảo Nam Du. (Ảnh: Huy Hoàng)

Du lịch đảo Nam Du: Nâng cao đời sống, thu nhập cho ngư dân

Chia sẻ về đời sống của người dân và phát triển du lịch tại đảo Nam Du, ông Võ Hoàng Hân – Chủ tịch xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang cho hay, hiện nay kinh doanh về lĩnh vực du lịch có khoảng 30 hộ. Các phương tiện di chuyển trên đảo, cụ thể đưa du khách thăm quan các đảo, hiện tại gồm có 29 tàu lớn, nhỏ.

Năm 2018, hầu hết các hộ dân trên đảo sinh sống bằng nghề đi biển, đánh bắt cá. Thế nhưng từ năm 2019, khi quần đảo Nam Du gồm xã An Sơn và xã Nam Du được công nhận là khu du lịch địa phương thì các hoạt động về du lịch được phát triển. Người dân ở đảo bắt đầu chuyển đổi từ nghề đi biển sang làm du lịch.

Trải nghiệm đảo Nam Du: Nơi có thể ngắm hoàng hôn, mở cửa là chạm biển- Ảnh 11.

Người dân phơi cá sau đó đóng gói bán cho du khách. Nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi nghề sinh sống từ đi biển sang làm du lịch. (Ảnh: Huy Hoàng)

Theo đó tỷ lệ các hộ dân chuyển đổi từ đi biển sang làm du lịch khoảng 30% và đời sống của những hộ dân này đã được nâng lên, thu nhập cũng tốt hơn. Hiện tại lượng khách du lịch đến xã An Sơn, đảo Nam Du tăng cao so với thời kỳ những năm dịch và trước dịch. 6 tháng đầu năm 2024 trên 24.000 lượt khách so với cùng kỳ năm 2023. Và đặc biệt kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua lượng khách du lịch đến đảo tăng đột biến, 1 ngày trên 1.000 lượt khách. Hiện tại, mùa cao điểm lượng khách đến đảo những ngày trong tuần và cuối tuần đều rất đông.

Trải nghiệm đảo Nam Du: Nơi có thể ngắm hoàng hôn, mở cửa là chạm biển- Ảnh 12.

Những chiếc lồng bè nuôi cá của các ngư dân. (Ảnh: Huy Hoàng)

Trải nghiệm đảo Nam Du: Nơi có thể ngắm hoàng hôn, mở cửa là chạm biển- Ảnh 13.

Những chiếc thuyền nhỏ của ngư dân đánh bắt cá gần bờ. (Ảnh: Huy Hoàng)

Theo ông Võ Hoàng Hân, du khách đến đảo Nam Du không chỉ khám phá quanh đảo mà còn có thể đi tàu đến các đảo khác như đảo Đập hai bờ, đảo Hòn Sơn… Cùng đó là các hoạt động trải nghiệm như lặn ngắm san hô, mạo hiểm với dù nước…

Nói về khó khăn của đảo, ông Võ Hoàng Hân cho biết, đảo chưa có điện lưới quốc gia mà phải dùng máy phát điện, vì vậy điện sinh hoạt chưa được thoải mái, vẫn phải tính toán cắt điện. Tại các khách sạn dù tự trang bị máy phát điện nhưng một ngày cũng phải cắt điện trong vài tiếng.

Trải nghiệm đảo Nam Du: Nơi có thể ngắm hoàng hôn, mở cửa là chạm biển- Ảnh 14.

Không chỉ bãi biển đẹp, mà ở Nam Du có rất nhiều điểm check in cực phẩm để du khách có thể "sống ảo". (Ảnh: Huy Hoàng)

Chia sẻ về điều này, theo quản lý tại khách sạn Chang Chi a cho biết, để đáp ứng điện cho du khách, khách sạn chúng tôi có lịch cắt điện như sau: Điện chiếu sáng sẽ có từ 7h sáng đến sang đến 6h sáng ngày hôm sau. Điện điều hòa sẽ được bật từ 12h trưa đến 6h sáng ngày hôm sau.

Trải nghiệm đảo Nam Du: Nơi có thể ngắm hoàng hôn, mở cửa là chạm biển- Ảnh 15.

Quầy sạp khô của gia đình chị Hiền tại đảo Nam Du. (Ảnh: Huy Hoàng)

Chị Hiền tại sạp bán đồ khô thuộc tổ 5, ấp Củ Tron, xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang cho biết: "Khi chưa phát triển du lịch, bố tôi đi biển đánh bắt cá, ngày đó tôi thường làm chân chạy bán cá cho bố tôi. Tuy nhiên từ ngày đảo được công nhận là khu du lịch địa phương gia đình tôi quyết định quay sang thu mua cá tươi của các tàu sau đó phơi khô và bán cho du khách".

Theo chị Hiền, kể từ ngày bố chị không đi biển, gia đình chị không còn cảnh nơp nớp lo sợ gặp bão và không trở về.

Đồng thời việc đi biển khiến kinh tế gia đình cũng không ổn định, phập phù, đánh bắt được nhiều cá thì có tiền, nếu đánh bắt được ít cá tiền bán số cá ít ỏi chỉ đủ chi phi cho chuyến đi và như vậy cả nhà không còn tiền sinh hoạt. Tuy nhiên, kể từ khi xoay sang kinh doanh, làm du lịch, công việc vừa ổn định mà đời sống kinh tế gia đình cũng khá hơn.

Trải nghiệm đảo Nam Du: Nơi có thể ngắm hoàng hôn, mở cửa là chạm biển- Ảnh 16.

Những chiếc thuyền nhỏ của ngư dân chủ yếu đánh bắt cá gần bờ. (Ảnh: Huy Hoàng)

Trải nghiệm đảo Nam Du: Nơi có thể ngắm hoàng hôn, mở cửa là chạm biển- Ảnh 17.

Bãi cây Mến, bãi biển đẹp nhất trên đảo Nam Du. (Ảnh: Huy Hoàng)

Cũng hoàn cảnh tương tự, quán bán đặc sản me dầm chua ngọt của anh chị Thanh Hải, từ hộ gia đình ngư biển chuyển sang kinh doanh dịch vụ du lịch và đời sống đã được nâng lên rõ rệt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem