Tốt nghiệp cấp III, những tưởng Quân sẽ yên phận với nghề làm vườn trên 5 sào đất mà bố mẹ cho, nếu như không có một lần xuống Di Linh chơi và thấy thích mô hình nuôi thỏ của gia đình người chú họ.
Lư Vương Quân bên trang trại thỏ của mình. Ảnh: Thy Vũ.
“Đó là vào năm 2014, lúc đó, thấy mô hình nuôi thỏ hay hay vậy là tôi lấy giống về nuôi thử, cũng chỉ 10 con nái. Dự định ban đầu là nuôi để ăn thịt thôi, nhưng nuôi rồi thì thấy hiệu quả kinh tế mà mô hình này mang lại, vậy là tôi quyết định sẽ khởi nghiệp bằng chính nghề nuôi thỏ này” - Quân chia sẻ.
Nhận thấy nghề nuôi thỏ có khả năng làm giàu, phù hợp với khí hậu địa phương, ít dịch bệnh… anh thu xếp đi học hỏi khắp các trang trại, đồng thời nghiên cứu trên báo, đài, mạng Internet về mô hình này.
Song song với đó, Quân quyết định vay thêm ngân hàng, xây dựng trang trại với diện tích 120 m2, đầu tư đầy đủ các hệ thống uống nước tự động, đệm lót sinh học…
Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, Quân cũng gặp không ít khó khăn, nhưng không nản lòng, mà Quân vẫn tiếp tục vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm dần. Hiện, ngoài nuôi 2 giống thỏ Pháp và NewZealand bán thịt, Quân còn bán cả thỏ giống.
Theo Quân, một năm thỏ đẻ khoảng 7 lứa, mỗi con cái sinh sản từ 5-8 con/lứa, nếu biết cách dưỡng sức và chăm sóc tốt cho thỏ thì cứ 3 tháng thỏ sẽ cho sinh sản 2 lần. Hiện giá thỏ thịt dao động từ 60-65 ngàn đồng/kg, thỏ giống là 100 ngàn/kg. Sau khi trừ các chi phí, trang trại thỏ của anh cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm.
Để tiết kiệm chi phí, đồng thời đảm bảo chất lượng thịt thỏ thơm ngon hơn, cùng với mua các loại thức ăn bột, anh còn tận dụng đất vườn để trồng cỏ sả và kiếm lá cây vông để làm nguồn thức ăn cho thỏ.
Có được thành quả như hôm nay, ngoài chọn nguồn thức ăn tốt và đảm bảo cho thỏ, Quân còn đặc biệt quan tâm đến khâu chọn giống và vệ sinh chuồng trại.
“Việc đầu tiên là cần chọn giống tốt và phải trên một tháng tuổi, có trọng lượng từ 1 kg/con trở lên. Chuồng phải thông thoáng, sạch sẽ, dễ vệ sinh. Đối với việc tiêm phòng, thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của chúng để kịp thời phòng chống các dịch bệnh, nhất là bệnh tụ huyết trùng. Thời điểm tiêm ngừa thích hợp nhất là lúc thỏ đạt từ 1-2 kg, riêng thỏ giống cần chủ động tiêm ngừa trước khi phối giống” - Quân nói.
Quân cũng cho biết thêm, để ổn định đầu ra cho sản phẩm, anh đã chủ động tìm nguồn cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn… tại Đức Trọng và TP Đà Lạt; đồng thời cung cấp thỏ giống cho các vùng lân cận như Lâm Hà, Di Linh và cả tận miền Tây. Ngoài ra, anh Quân còn liên kết bao tiêu sản phẩm cho các hộ mua giống từ trang trại mình.
Ngoài nghề nuôi thỏ, anh Quân còn cùng với cậu em ruột canh tác 5 sào cà phê mà bố mẹ cho. Hàng năm, trừ các chi phí, Quân cũng thu được gần 300 triệu đồng từ 2 mô hình kinh tế này.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, trước Quân, cũng có nhiều hộ trong xã nuôi thỏ nhưng sau đó chuyển nghề khác. Từ lúc Quân bắt tay tiếp tục phát triển mô hình này tới nay, mô hình đã thật sự mang lại hiệu quả rõ rệt. “Để tiếp tục nhân rộng mô hình này, trước mắt, chúng tôi đã có quyết định thành lập chi hội nghề nghiệp gồn 5 thành viên do Quân làm chi hội trưởng. Đồng thời, vận động các hộ nông dân trong xã phát triển sản xuất chăn nuôi, trong đó có nghề nuôi thỏ” - ông Sơn nói thêm.
Thy Vũ (Báo Lâm Đồng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.