Ngay khi Mỹ bắt đầu chiến dịch tấn công đảo Koh Tang để giải cứu tàu hàng Mayaguez cùng thủy thủ đoàn vào ngày 15/5/1975, Khmer Đỏ đã phóng thích toàn bộ các thủy thủ. Do đó, các lính thủy đánh bộ đang giao chiến được lệnh rút khỏi hòn đảo.
Tổng thống Gerald Ford (bìa trái) cùng các cố vấn chờ báo cáo về chiến dịch giải cứu tàu Mayaguez đêm 14/5/1975 - Ảnh: Gerald R.Ford Library.
Chiến dịch di tản
Khi chiến dịch di tản bắt đầu với vỏn vẹn 4 chiếc trực thăng HH-53 còn khả năng cất cánh, bóng đêm đã buông xuống nhưng Khmer Đỏ vẫn tấn công không ngừng nghỉ. Trong chuyến rút quân cuối cùng, chỉ huy nhóm lính được yêu cầu đếm số lượng binh sĩ để bảo đảm rằng đây sẽ là lần di tản cuối cùng và không có ai bị bỏ lại. Viên chỉ huy kết luận toàn bộ các lính thủy đánh bộ đã được kiểm kê và chiếc trực thăng cất cánh bay ra tàu khu trục USS Harold E.Holt. Tuy nhiên, lần kiểm kê cuối cùng trên tàu cho ra kết quả choáng váng: có 3 lính thủy đánh bộ vẫn còn mất tích. Những lời kể của nhân chứng trong vài năm gần đây tiết lộ rằng 3 binh sĩ trên vẫn còn sống khi bị bỏ lại. Đây là 3 binh sĩ thuộc nhóm súng máy chịu trách nhiệm yểm trợ việc di tản của các đồng đội. Khi được nhìn thấy lần cuối cùng, họ đang chuẩn bị rời vị trí để di tản. Trong cuộc phỏng vấn với báo Stars and Stripes năm 2012, chỉ huy Khmer Đỏ trong trận chiến ở Koh Tang Em Son nói rằng 3 binh sĩ bị bắt và bị giết chết sau đó. Theo tờ báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, ngay sau trận chiến, lực lượng Navy SEAL và lính thủy đánh bộ đã yêu cầu mở chiến dịch giải cứu những người bị bỏ lại song không được chấp thuận. Các tàu hải quân Mỹ được lệnh rút khỏi khu vực, khép lại một thời kỳ can dự bi thảm của Mỹ tại Đông Dương.
Hy sinh 41 để cứu 40
Ngay khi cuộc giải cứu kết thúc, báo cáo đầu tiên của chính phủ Mỹ cho biết có một binh sĩ tử trận và thông tin về những người mất tích hoặc bị thương vẫn chưa rõ ràng nên chưa thể ước lượng. Báo chí và dư luận Mỹ tỏ ra hân hoan với kết quả của chiến dịch. Tuy nhiên, trong những ngày sau đó, Nhà Trắng bắt đầu “nói lại” về số thương vong. Ngày 18/5/1975, Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger thông báo có 5 người chết, 16 người mất tích và từ 70 đến 80 người bị thương. Con số tiếp tục gia tăng vào ngày 20/5, khi Trung tâm chỉ huy quân sự quốc gia kết luận có tổng cộng 15 người tử trận, 3 người mất tích và 50 người bị thương. Ngày kế tiếp, báo chí Mỹ khui ra vụ tai nạn trực thăng rơi trong giai đoạn chuẩn bị ở Thái Lan khiến 23 quân nhân tử nạn. Tiết lộ này làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ giới truyền thông. Thư ký báo chí Nhà Trắng Ron Nessen sau đó giải thích rằng những người chết không được đưa vào trong báo cáo vì họ không trực tiếp liên quan đến chiến dịch Mayaguez. Tuy nhiên, các thành viên quốc hội và báo chí nhanh chóng xoáy vào chi tiết rằng tổng cộng 41 người đã hy sinh để giải cứu 40 thủy thủ. Theo ước lượng của Mỹ, có từ 13 đến 25 lính Khmer Đỏ chết trong trận chiến ở Koh Tang.
Những lời chỉ trích khác thì nói việc oanh tạc các cơ sở trong đất liền của Campuchia là không cần thiết và chính quyền đã phát động một chiến dịch mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Cụ thể, thông tin tình báo trong vụ việc là một thất bại thảm hại khi ước lượng chỉ có từ 10 đến 20 lính Khmer Đỏ có mặt trên đảo Koh Tang song thực tế có đến hơn 200 người trang bị vũ khí hạng nặng. Tình báo Mỹ cũng không nắm được thông tin các thủy thủ tàu Mayaguez được chuyển vào đất liền trước khi chiến sự nổ ra. Tổng thống Ford bị chỉ trích vì đã cử binh sĩ tham chiến khi chưa nắm rõ tình hình thực địa. “Thông tin tình báo cho biết chúng tôi chỉ phải đối mặt với vũ khí hạng nhẹ và khoảng 15 kẻ địch trên hòn đảo. Chúng tôi được nói rằng nhiệm vụ dễ như ăn kẹo và chúng tôi sẽ kịp trở về dùng bữa trưa”, Steve Simoni, một binh sĩ sống sót, kể lại với báo Stars and Stripes vào năm 2013. Những phân tích sau trận chiến nhận xét các binh sĩ không được yểm trợ đầy đủ bởi các máy bay của không quân không thể xác định vị trí của họ, do thiếu thốn dữ liệu bản đồ.
Hậu quả của cuộc giải cứu không chỉ dừng lại ở con số thương vong mà còn thể hiện qua những ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ Mỹ - Thái Lan. Cho đến nay, Gerald Ford vẫn được người Thái Lan nhớ đến như là Tổng thống Mỹ đầu tiên và duy nhất xâm phạm chủ quyền nước này. Lính thủy đánh bộ Mỹ đã được điều đến căn cứ U-Tapao bất chấp việc Bangkok từ chối cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ để tấn công Campuchia. Bực tức trước hành động của Washington, chính phủ Thái Lan đã yêu cầu Mỹ rút toàn bộ binh sĩ ra khỏi nước này vào tháng 6/1976.
Sự kiện Mayaguez, cùng với chiến dịch giải cứu con tin thất bại ở Iran năm 1980, đã vạch rõ những khiếm khuyết trong cấu trúc chỉ huy và phối hợp tác chiến liên quân của quân đội trong các chiến dịch đặc biệt. Những cải cách sâu rộng được thực hiện sau đó đã dẫn đến việc thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch đặc biệt của Mỹ ngày nay.
Sơn Duân (Thanh Niên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.