Trận chiến eo biển Đan Mạch: Nỗi hổ thẹn của hải quân Anh
Trận chiến eo biển Đan Mạch: Nỗi hổ thẹn của hải quân Anh
TH
Thứ sáu, ngày 30/06/2023 23:33 PM (GMT+7)
Vào ngày 24/5/1941, Hải quân Hoàng gia Anh đã có cuộc chạm trán khốc liệt với Hải quân Đức ở eo biển Đan Mạch . Đây là một trong những trận thủy chiến ác liệt nhất trong thế chiến II và cũng là một “vết nhơ” trong lịch sử Hải quân Anh.
Thiết giáp hạm Bismarck của Đức được đóng vào tháng 7/1936 và chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 8/1940. Bismarck được cho là thiết giáp hạm lớn nhất thế giới vào thời điểm đó và cũng là niềm tự hào của Hải quân Đức.
Bismarck là là thiết giáp hạm dẫn đầu trong lớp cùng tên, được đặt theo tên vị Thủ tướng nổi tiếng trong thế kỷ 19: Otto von Bismarck, người có công lớn trong việc thống nhất nước Đức vào năm 1871. Nó được đặt lườn tại xưởng đóng tàu Blohm & Voss ở Hamburg vào tháng 7/1936 và được hạ thủy hai năm rưỡi sau đó, vào tháng 2/1939. Công việc chế tạo hoàn tất vào tháng 8/1940. Bismarck cùng với con tàu chị em Tirpitz là những tàu chiến lớn nhất từng được Đức chế tạo và là hai trong số những tàu chiến lớn nhất được chế tạo bởi các thế lực hải quân châu Âu.
Ngày 21/5/1941, Bismarck cùng tàu tuần dương hạng nặng Prinz Eugen được lệnh đột nhập vào Đại Tây Dương để tiến hành một chiến dịch đánh chặn các tàu vận tải của quân đồng minh, chiến dịch có tên gọi ‘Rheinübung’.
Hải quân Hoàng gia Anh đã phát hiện sự có mặt của Hải quân Đức và cử 2 chiến hạm là HMS Prince of Wales cùng HMS Hood đi đối phó. Tối 23/5, Hải quân Anh đã phát hiện vị trí hiện tại của Bismarck và Prinz Eugen là ở eo biển Đan Mạch. Ngày 24/5/1941, 2 bên gặp nhau và một trận đại thủy chiến nảy lửa đã diễn ra (được gọi là Trận chiến eo biển Đan Mạch).
HMS Hood (51) là chiếc tàu chiến-tuần dương cuối cùng và cũng đồng thời là chiếc tàu chiến-tuần dương duy nhất thuộc lớp Admiral của Hải quân Hoàng gia Anh Quốc được chế tạo hoàn thiện và hạ thủy. Hoạt động từ năm 1920, nó được xem là niềm tự hào của hải quân Anh trong những năm giữa hai cuộc thế chiến và trong giai đoạn đầu của Thế chiến II. Tên của nó được đặt theo vị đô đốc lừng danh vào thế kỷ 18 của Hải quân Hoàng gia, tử tước Samuel Hood (1724-1816).
5 giờ 52 phút sáng ngày 24/5, HMS Hood bắt đầu tấn công Bismarck và Prinz Eugen. Ít phút sau, thiết giáp hạm Bismarck tiến hành trả đũa và nhanh chóng đánh chìm HMS Hood. Một số thông tin cho biết HMS Hood tuy lớn nhưng đã cũ và lớp vỏ mỏng hơn nhiều so với Bismarck, vì vậy HMS Hood đã không thể “trụ vững” khi bị đánh trúng. 3 phút sau khi bị tấn công, HMS Hood chìm, 1.415 thủy thủ đoàn thiệt mạng, chỉ có 3 thủy thủ đoàn may mắn sống sót.
Hải quân Đức nhanh chóng chuyển mục tiêu sang tấn công HMS Prince of Wales, 2 bên giao chiến ác liệt và đều bị tổn thất nặng nề. Chiến hạm của Anh buộc phải quay về căn cứ để sửa chữa, thiết giáp hạm Bismarck cũng bị rò rỉ nhiên liệu và không thể tiếp tục nhiệm vụ tấn công tàu vận tải của quân đồng minh.
Việc HMS Hood bị đánh chìm đã khiến Hải quân Hoàng gia Anh vô cùng tức giận và quyết định dốc toàn lực để trả thù. Winston Churchill (Thủ tướng Anh lúc đó) đã nói: “Bằng mọi giá phải đánh chìm Bismarck”. Thiết giáp hạm Bismarck trở thành “con mồi” bị Hải quân Anh ráo riết săn đuổi. Trong suốt 2 ngày 25 và 26/5, Bismarck cố tránh sự truy đuổi của Hải quân Anh và di chuyển đến một cảng tại Pháp (đã bị Đức chiếm đóng) để sửa chữa.
Đến ngày 27/5, Hải quân Anh cuối cùng cũng phát hiện Bismarck và tiến hành tấn công bằng cả Hải quân và Không quân. Bismarck nhanh chóng bị đánh chìm, thuyền trưởng đã ra lệnh cho toàn bộ thủy thủ đoàn bỏ tàu. Hơn 2.000 thủy thủ đoàn trên tàu Bismarck đã bị chết đuối. Dù đã trả thù thành công cho HMS Hood nhưng ‘Trận chiến eo biển Đan Mạch’ vẫn là một “vết nhơ” trong lịch sử Hải quân Anh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.