Trận đại chiến xe tăng cuối cùng của thế kỷ 20 diễn ra ở đâu?

Duy Sơn Thứ hai, ngày 14/12/2020 20:30 PM (GMT+7)
Yếu tố bất ngờ đã giúp các đơn vị tăng Abrams M1 của Mỹ đánh tan một sư đoàn thiết giáp Iraq trên địa hình sa mạc trống trải trong trận chiến năm 1991.
Bình luận 0

Trung đoàn Kỵ binh Thiết giáp số hai là một trong số các đơn vị Mỹ dẫn đầu trong chiến dịch tấn công quân sự vào Iraq được phát động vào ngày 23/2/1991. Đây cũng chính là lực lượng chủ lực của Mỹ trong trận 73 Easting, trận chiến xe tăng quy mô lớn cuối cùng của thế kỷ 20.

Trận đại chiến xe tăng cuối cùng của thế kỷ 20 diễn ra ở đâu? - Ảnh 1.

Xe tăng Abrams của Mỹ trong trận đánh 73 Easting. Ảnh: US Navy

Trung tướng H.R.McMaster, lúc đó là tiểu đội trưởng tiểu đội Đại bàng, thuộc trung đội hai, Trung đoàn Kỵ binh Thiết giáp số hai, đã viết một cuốn sách về trận đánh này và chỉ ra một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong trận đánh.

Các trực thăng gầm rú phía trên đầu tiểu đội Đại bàng khi cuộc tấn công trên bộ vào lãnh thổ Iraq bắt đầu hôm 23/2. Trên lý thuyết, nhiệm vụ của trung đoàn kỵ binh thiết giáp số hai rất đơn giản, đó là sử dụng lực lượng xe tăng Abrams M1 cơ động nhanh, hỏa lực mạnh để thọc sâu, cắt đứt các tuyến đường rút lui sang Kuwait của quân đội Iraq, và truy lùng các đơn vị xe thiết giáp của đối phương đang ẩn mình trong sa mạc hoang vu rộng lớn.

Tuy nhiên trên thực tế họ đối mặt với rất nhiều nhiều thử thách. Địa hình sa mạc ở Iraq khiến việc định hướng gặp khó khăn do không có bất kỳ địa hình địa vật nào để làm mốc xác định hướng. Các trận bão cát lớn hạn chế tầm nhìn khi xe tăng và những xe quân sự khác tìm đường băng qua sa mạc.

Tiểu đội Cáo thông báo chạm địch đầu tiên và đã phá hủy một vài xe tăng địch. Hai ngày sau, các xe tăng và xe thiết giáp của trung đội hai chạm mặt vài xe theo dõi và trinh sát của đối phương, sau đó phá hủy chúng bằng tên lửa và pháo, nhưng họ không tài nào tìm ra các sư đoàn Vệ binh Cộng hòa Iraq mà họ biết là đã được triển khai ở đâu đó trong sa mạc.

Chiều ngày 26/3/1991, McMaster thúc giục quân mình băng qua một cơn bão cát và khi chuẩn bị tiến lên một đụn cát, ông sững người khi thấy ngay trước mặt mình là toàn bộ một sư đoàn tăng thiết giáp tinh nhuệ của Iraq. Nhận thấy đơn vị mình đã nằm trọn trong tầm bắn của địch, ngay lập tức ông ra lệnh nổ súng.

Do vị trí của kẻ địch trên những đụn cát cao ở khá xa giúp xe tăng Iraq có thể ẩn náu, các xe tăng Mỹ buộc phải cơ động xuống dưới đụn cát để tiếp cận, và điều này sẽ khiến nóc xe tăng, vị trí yếu nhất trên xe, lộ ra trước họng súng của xe tăng Iraq.

Tuy nhiên, phía Iraq đã bị mất phần lớn xe trinh sát, vì thế họ không nắm bắt được tình hình di chuyển của đối phương, nên cũng bất ngờ với cuộc chạm trán này không kém gì các chỉ huy Mỹ, khiến họ không thể tận dụng được lợi thế từ trên cao của mình.

Một loạt đạn từ chiếc xe tăng của McMaster đã khơi mào cho trận chiến này. Phát bắn đầu tiên của ông bằng đạn nổ lõm phá hủy một chiếc xe tăng ẩn mình sau gờ cát. Phát thứ hai bằng đạn urani nghèo bắn xuyên một xe tăng Iraq khi nó đang xoay nòng hướng về phía xe tăng của ông để khai hỏa. Khi kíp xe tăng của McMaster hướng vào mục tiêu thứ ba, người lái xe nhận thấy họ đang băng qua một bãi mìn và bắt đầu tìm cách vòng tránh.

Trận đại chiến xe tăng cuối cùng của thế kỷ 20 diễn ra ở đâu? - Ảnh 2.

Một xe tăng của quân đội Iraq trúng đạn bốc cháy. Ảnh: Wikipedia

Các loạt đạn của kẻ thù bắt đầu trút xuống xung quanh xe tăng dẫn đầu khi hai trung đội xe tăng Mỹ nhảy vào tham chiến. 9 xe tăng Mỹ tập trung tấn công vào các công sự, phá hủy hàng loạt xe tăng T-72 và xe bọc thép của đối phương.

“Vài giây bất ngờ thôi là tất cả những gì chúng tôi cần. Các xe tăng và xe thiết giáp chở quân BMP của địch đã bị 'nướng' vô số kể. Các xe tăng của chúng tôi đã bẻ gãy một khu vực phòng ngự rộng 5 km của đối phương”, McMaster kể lại.

Các xe chiến đấu Bradley cũng tham gia vào cuộc chiến, liên tiếp phóng tên lửa TOW vào xe tăng của đối phương và sử dụng súng máy để tiêu diệt sinh lực bộ binh Iraq. Hỏa lực chi viện từ pháo binh và súng cối đã dội những cơn mưa đạn vào các vị trí phòng thủ còn lại trên trận địa của quân đội Iraq.

Các lực lượng Mỹ đã tiêu diệt 30 xe tăng, 14 xe bọc thép và hàng trăm lính bộ binh trước khi tiến gần tuyến chiến đấu đầu tiên, nơi các đơn vị được lệnh dừng lại. Tuy nhiên, McMaster ra lệnh cho đơn vị của ông tiếp tục tấn công do lo sợ quân đội Iraq sẽ tập hợp lại và tổ chức một đợt phản công mạnh mẽ.

23 phút sau lần chạm trán đầu tiên, McMaster tuyên bố tình hình đã đảm bảo an toàn để dừng cuộc tiến công. Đơn vị của ông đã đánh tan mạn sườn của sư đoàn thiết giáp Iraq mà không hề chịu bất cứ tổn thất nào. Một chiếc xe tăng thuộc trung đội hai bị hư hại nhẹ do trúng mìn.

Gần đó, các đơn vị thiết giáp Bóng ma, Sát thủ, và Thép chạm mặt các đơn vị quân đội Iraq khác và cố gắng bắt kịp thành tích của đội Đại bàng. Quân đội Iraq vài lần cố gắng phản công chống lại xe tăng Mỹ nhưng nhanh chóng bị đẩy lui.

Buổi tối hôm đó, sau khi các đơn vị Mỹ phát đi lời kêu gọi đầu hàng, 250 lính Iraq lũ lượt kéo nhau ra xin hàng trước đội Đại bàng. Trận đại chiến xe tăng cuối cùng của thế kỷ 20 kết thúc, với phần thắng nghiêng về những chiếc Abrams M1 của Mỹ.

Diễn biến tương tự cũng xảy ra ở các mũi tấn công khác của Mỹ. Kết thúc trận 73 Easting, phía Iraq có gần 1000 người thương vong, 85 xe tăng và 40 xe bọc thép bị phá hủy, 30 xe tải và hai khẩu đội pháo binh bị loại khỏi vòng chiến đấu. Phía Mỹ có 12 lính tử trận, 57 người bị thương và 32 xe bị phá hủy hoặc hư hại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem