Trận hải chiến "khủng khiếp" nào đã mở ra kỷ nguyên tàu ngầm của thế giới?
Trận hải chiến "khủng khiếp" nào đã mở ra kỷ nguyên tàu ngầm của thế giới?
MA
Thứ hai, ngày 12/09/2022 20:30 PM (GMT+7)
Trận hải chiến quyết định tương lai của hạm đội tàu ngầm: trong vòng một giờ giao chiến, đã có 1.459 thủy binh Anh thiệt mạng, tức là gấp gần 3 lần trong trận hải chiến Trafalgar huyền thoại.
Ngày 22/9/1914, ở Biển Bắc, cách bờ biển Hà Lan 18 hải lý, tàu ngầm Đức U9 dưới sự chỉ huy của đại úy hải quân Otto Eduard von Weddigen đã tấn công và đánh đắm 3 tuần dương hạm bọc thép HMS Aboukir, HMS Hogue, HMS Cressy.
Chỉ trong vòng một giờ giao chiến, đã có 1.459 thủy binh Anh thiệt mạng, tức là gấp gần 3 lần trong trận hải chiến Trafalgar. Một loại vũ khí mới khủng khiếp quyết định cán cân sức mạnh và tính chất chiến tranh biển trong 100 năm tới đây đã xuất hiện như thế đó.
Vào đầu Thế chiến I, tàu ngầm chưa được xem là một vũ khí nghiêm túc và việc sử dụng chúng như thế nào cũng chẳng ai tỏ tường. Người Anh cho rằng, nhiệm vụ chủ yếu của tàu ngầm là bảo vệ các bến đỗ của các chiến hạm lớn. Đô đốc hạm đội Đức von Tirpitz thậm chí đã tuyên bố rằng, “ông sẽ không ném tiền vào các tàu ngầm vì chúng chỉ có thể bơi gần bờ”. Tuy nhiên, vào đầu cuộc chiến, Anh quốc đã có 59 (theo các nguồn khác là 68) tàu ngầm, còn Đức có 28 tàu ngầm.
Tàu ngầm sản xuất loạt đầu tiên U1 của Đức được khởi đóng vào ngày 1/8/1905 và được hạ thủy vào tháng 12/1906. Nó có thủy thủ đoàn 22 người, lượng giãn nước 238/283 tấn, chiều dài 42,3 m, chiều rộng 3,75, mớn nước 3,17 và có thể lặn sâu 30 m. U1 được trang bị 2 động cơ chạy xăng để chạy nổi và 2 động cơ điện để chạy ngầm (400/400 mã lực), cho phép tàu đạt tốc độ tương ứng là 10,8 và 8,7 hải lý/h và dự trữ hành trình 1.500 hải lý. Vũ khí của U1 là 1 ống phóng lôi. Tàu không có vũ khí trên boong và thủy lôi. Tàu có dự trữ 3 quả ngư loi nhưng, người ta còn chưa biết cách nạp lại ngư lôi khi lặn dưới nước.
Điều thú vị là thủy thủ đoàn của tàu U9 của Otto Weddigen là những người đầu tiên nạp lại được đạn ngư lôi khi lặn ở dưới nước. Chuyện này xảy ra trong cuộc diễn tập ngày 16/6/1914.
U9 được khởi đóng vào tháng 7/1908 và nhận vào trang bị vào tháng 4/1910. Tàu này khác nhiều tàu U1. Các tính năng chính của U9: lượng giãn nước 493/611 tấn, chiều dài 57,38 m, chiều rộng 6,00 m, mớn ước 3,15 m, lặn sâu 50 m, tốc độ 14,2/8,1 hải lý/h, dự trữ hành trình 3.000 hải lý.
Tàu chạy bằng 2 động cơ dầu hỏa (khi chạy nổi) và 2 động cơ điện khi chạy ngầm (1.000/1.160 mã lực). Vũ khí gồm 4 ống phóng lôi (6 quả ngư lôi) vàи pháo trên boong 105 mm, có thể thu vào khi lặn. Theo biên chế chuẩn, thủy thủ đoàn gồm 35 người. Trong trận đánh với các tàu tuần dương Anh, trên tàu U9 có 28 thành viên thủy thủ đoàn.
Ba tàu chiến Anh bị đánh đắm là HMS Aboukir, HMS Hogue và HMS Cressy thuộc về cùng một loại tàu là tuần dương hạm bọc thép lớp Cressy. Tổng cộng từ năm 1898-1902, Anh đã đóng 6 tàu tuần dương này. Đây là những chiến hạm lớn có lượng giãn nước 12.000 tấn, gần như không thua kém các chủ lực hạm cùng thời về chỉ số này.
Các tuần dương hạm bọc thép lớp Cressy có chiều dài 143,9 m, chiều rộng 21,2, mớn nước 7,6. 2 cỗ máy hơi nước (30 nồi hơi) cung cấp công suất 21.000 mã lực và tốc độ đến 21 hải lý/h. Vũ khí gồm: 2 pháo 234 mm, 12 pháo mm, 14 pháo 76 mm và 18 pháo cỡ nhỏ hơn, 2 ống phóng lôi. Đai bọc thép dày 152 mm. Thủy thủ đoàn tiêu chuẩn gồm 760 người.
Khi chiến tranh bắt đầu, với mục đích phá vỡ hoạt động tiếp vận của đối phương, nước Anh đã tuyên bố phong tỏa đường biển đối với nước Đức. Để làm việc đó, các tàu chiến hạng nặng và và các tàu khu trục đã được sử dụng để yểm trợ cho chúng. Hạm đội Viễn dương (Hochseeflotte) của Hải quân Đế chế Đức đã bị khóa cứng trong các hải cảng và chỉ các tàu ngầm có thể bí mật ra khơi chiến đấu và quay trở về căn cứ.
Ngày 20 và 21/9/1914, ở Biển Bắc, đã xảy ra trận bão mạnh vì thế các tàu khu trục Anh đã buộc phải bỏ lại các tàu tuần dương hạng nặng và quay về căn cứ. Người ta đã nghĩ rằng, nguy cơ bị tàu ngầm tấn công trong thời tiết đó là tối thiểu vì khi có sóng lừng và cao, tàu ngầm rất khó nổi được. Khi tuần tra vùng biển được phân công, các tàu tuần dương đã phải chạy trong điều kiện phải đổi hướng liên tục với tốc độ không dưới 12 hải lý/h. Tuy nhiên, người Anh đã bỏ quên một nguyên tắc khác.
U9 rời Kiel vào ngày 20/9 và cũng gặp bão. La bàn bị hỏng và tàu ngầm bị lạc hướng, suýt nữa bị mắc cạn ở bờ biển Hà Lan. Khi chạy thoát ra vùng nước sâu, Weddigen đã hạ lệnh cho tàu lặn xuống độ sâu 30 m để nghỉ ngơi, nhưng cả ở độ sâu vẫn sóng mạnh. Sáng hôm sau, bão yên và tàu nổi lên để nạp acquy.
Trợ lý thứ nhất của thuyền trưởng U9 Johann Spiess nhớ lại: “Mặt trờ mọc lên ở phía đông, mặt trời soi rọi bầu trời trong bằng ánh sáng chói lòa. Như chưa từng có bão. Trên trời xanh không một áng mây. Biển vẫn lặng, tầm nhìn tuyệt vời. Một ngày tuyệt diệu để đánh đắm một con tàu”. Và chẳng bao lâu, các mục tiêu đã xuất hiện…
Spiess là người đầu tiên phát hiện ra những làn khói. Các động cơ dầu hỏa đang hoạt động của U9 được khẩn cấp tắt đi để không để lộ mình bằng khói. Tàu ngầm lặn xuống độ sâu kính tiềm vọng và nhanh chóng nhận dạng được 3 tàu tuần dương Anh đang đi cách nhau 2 hải lý. Sau khi tính toán hướng chạy, tốc độ và xác suất sai lệch, Weddigen phóng quả ngư lôi đầu tiên từ cự ly khoảng 450 m. 31 giây sau, chiếc tàu ngầm bị rung lắc: quả ngư lôi đầu tiên đánh trúng mục tiêu.
Lúc 6 giờ 20, xảy ra vụ nổ cực mạnh ở mạn phải tuần dương hạm HMS Aboukir. Nghĩ rằng, tàu bị vấp thủy lôi, thuyền trưởng John Drummond đã phát tín hiệu “tiến lại gần, giữ cự ly gần nhau”. Tàu tuần dương này bắt đầu nghiêng sang mạng phải. Khi góc nghiêng lên đến 20 độ, người ta đã cố gắng cân bằng lại tàu bằng cách tháo nước vào các khoang đối diện. Nhưng điều đó chỉ làm tàu đắm nhanh hơn.
HMS Hogue đến gần HMS Aboukir, dừng chạy ở cách nó khoảng 370 m và thả các xuồng cứu sinh. Khi chúng rời khỏi boong tàu và tàu tuần dương đã lại sẵn sàng chạy tiếp thì cùng lúc 2 quả ngư lôi đã lao vào nó, còn từ bên trái, chiếc tàu ngầm đột nhiên nổi lên mặt biển.
Sau khi phóng ngư lôi vào tàu HMS Aboukir, Weddigen vẫn không tính đến chuyện rời khỏi trận địa. Chạy vòng qua chiếc thiết giáp hạm đang đắm, tàu ngầm U9 chỉ còn cách mục tiêu mới là tàu tuần dương HMS Hogue có 300 yard (274,2 m).
Thủy thủ đoàn U9 nạp lại đạn ngư lôi cho ống phóng lôi và lúc 6 giờ 55, Weddigen tiễn lên đường thêm 2 quả ngư lôi mới. Đồng thời, để không đâm vào chính mục tiêu của mình, U9 bắt đầu lặn sâu xuống và cho các động cơ chạy lùi. Nhưng thao tác cơ động này là không đủ.
Sau khi giải thoát khỏi sức nặng của các quả ngư lôi, chiếc tàu ngầm lao vọt lên mặt nước, thò mũi tàu lên. Để lấy lại thăng bằng cho tàu, Weddigen bắt thủy thủ đoàn chạy bên trong thân tàu, sử dụng binh lính của mình làm một thứ vật dằn di động. U9 hoàn toàn mất điều khiển. Bị lắc từ mũi đến đuôi, nó bơi chỉ cách tàu HMS Hogue mà nó bắn trúng chỉ 300 m. Chiếc tàu tuần dương bị đắm nhanh chóng, nhưng khi vẫn giữ được thăng bằng, các khẩu pháo trên tàu đã kịp bắn vào tàu ngầm U9. Chiếc tàu ngầm bị bắn một lúc, sau đó cấp tốc lặn xuống. Các pháo thủ của HMS Hogue cứ đinh ninh là chiếc tàu ngầm Đức đã bị diệt.
HMS Aboukir lật nghiêng và chìm, HMS Hogue cũng đắm gần như cùng lúc. Trên tàu ngầm U9, các acquy hầu như đã hết điện, chẳng còn gì để thở. Tàu ngầm không mấy nghe lời bánh lái, nhưng Weddigen lại quyết định tấn công tiếp. Quay đuôi về phía mục tiêu, chiếc tàu ngầm Đức phóng đi 2 quả ngư lôi từ cự ly 500-600 yard (457,2-548,64m) từ 2 ống phóng lôi ở đuôi vào chiếc tàu tuần dương duy nhất còn nguyên vẹn lúc đó là HMS Cressy.
Trên tàu HMS Cressy, người ta hiểu là đang đụng phải một tàu ngầm và nhanh chóng phát hiện ra dấu vết của các quả ngư lôi. Con tàu nặng nề đã cố tránh đòn tấn công, nhưng một quả ngư lôi vẫn đánh chúng mạn phải. Thương tích do ngư lôi gây ra không nghiêm trọng, chiếc tàu tuần dương Anh dùng hỏa lực pháo bắn vào khu vực vừa phát hiện kính tiềm vọng của tàu ngầm đối phương.
Weddigen vẫn còn 1 quả ngư lôi. Họ nạp quả ngư lôi này vào ống phóng lôi ở mũi. Ở độ sâu 10 m, tàu ngầm U9 chạy vòng quanh HMS Cressy, nhô lên độ sâu kính tiềm vọng và bắn quả ngư lôi cuối cùng vào mạng trái chiếc tuần dương hạm Anh. Nhìn qua kính tiềm vọng, Spiess quan sát thấy: “Chiến hạm khổng lồ 4 ống khói chầm chậm lật nghiêng. Những người bò trên mặt boong trông giống như những con kiến bé nhỏ. Con tàu nhanh chóng bị lật và nay giống như một con rùa khổng lồ, rồi nhanh chóng chìm xuống đáy biển”. Trong số 2.296 người của thủy thủ đoàn 3 tàu tuần dương Anh, có 62 sĩ quan và 1.397 thủy binh bị chết. Tổn thất còn nặng thêm vì các tàu tuần dương bị đắm được biên chế lính dự bị mà đa số là người đã có gia đình.
Ngày 23/9, khi tàu ngầm U9 đến Wilhelmshaven, nước Đức đã biết điều đã xảy ra.
Otto Weddigen được tặng thưởng Huân chương Chữ Thập Sắt hạng nhất và hạng nhì, còn toàn bộ thủy thủ đoàn được tặng thưởng Huân chương Chữ Thập Sắt hạng nhì. Sau này, vì chiến công đánh chìm tàu tuần dương thứ tư của Anh HMS Hawke và một số tàu buôn, Weddigen được tặng thưởng Huân chương cao quý nhất của Phổ là Pour le Mérite (còn gọi là Huân chương Blauer Max, tức “Max Xanh“).
U9 và thuyền trưởng của nó đã trở nên cực kỳ nổi tiếng ở Đức và điều đó đã được bộ máy tuyên truyền Đức lập tức lợi dụng.
Liên quan đến Otto Weddigen, thì chỉ 3 tuần sau, ngày 15/10, ông đã đánh đắm tàu tuần dương thứ tư của Anh là HMS Hawke. Thảm kịch này làm mất mạng 526 thủy thủ.
Otto Weddigen hy sinh ngày 15/3/1915. Tàu ngầm U29 do ông chỉ huy lúc đó đã bị chủ lực hạm Anh HMS Dreadnought đâm vỡ làm đôi, toàn bộ thủy thủ đoàn U29 thiệt mạng.
Cũng giống như Otto Weddigen, chủ lực hạm HMS Dreadnought của Anh đã mở đầu cho một series các siêu chủ lực hạm đã làm thay đổi diện mạo chiến tranh trên biển.
Nói cho cùng kết quả chủ yếu của trận đánh của tàu ngầm U9 không phải là việc đánh đắm 3 tàu tuần dương lớn nhưng đã lạc hậu của Anh, mà là cuộc trình diễn hoành tráng khả năng của hạm đội tàu ngầm. Chỉ riêng một mình nước Đức cho đến cuối chiến tranh đã đưa vào sử dụng 375 tàu ngầm thuộc 7 loại khác nhau. Trong các cuộc tấn công của tàu ngầm Đức, hạm đội thương thuyền Anh đã mất số tàu có tổng trọng tải 6 triệu 692 ngàn tấn. Các tàu ngầm đã tiêu diệt tổng cộng 5.708 tàu có tổng trọng tải 11 triệu 18 ngàn tấn. Và còn nhiều tàu nữa bị đắm bởi các thủy lôi do tàu ngầm rải ra. Trong khoảng thời gian này, hạm đội tàu ngầm Đức đã tổn thất 202 tàu ngầm, 515 sĩ quan và 4.894 thủy binh.
Người ta đã tưởng những tổn thất khủng khiếp đó sẽ không thể vượt qua. Nhưng Thế chiến II đã bùng nổ và hạm đội tàu ngầm của Đế chế Đức lại gieo rắc kinh hoàng và tàn phá cho thế giới khi vượt xa những tổn thất đó về trọng tải tàu bè bị đánh đắm và nhân mạng con người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.