Chán ngấy cảnh nữ sinh đánh nhau tràn lan
Kể từ sau nghỉ Tết và đi học trở lại, dư luận xã hội hết sức bàng hoàng khi câu chuyện giáo dục không phải là chuyện học tập mà tâm điểm chú ý là hàng loạt vụ việc học sinh đánh nhau, quay clip và được chia sẻ ngập tràn trên mạng xã hội… Đáng buồn là trong những sự việc này, nhân vật chính lại là các nữ sinh.
Cụ thể, mạng xã hội vừa xuất hiện một clip dài 5 phút ghi lại hình ảnh một nữ sinh bị bạn đánh ngay trong lớp học. Sự việc được xác nhận xảy ra tại trường THPT Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Còn tại Hà Nội, một đoạn clip hai nữ sinh đánh nhau xảy ra trên địa bàn huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cũng vừa gây xôn xao dư luận. Hai nữ sinh trong đoạn clip là N.T.N.A và Đ.M.N (học sinh trường THPT ở Mỹ Đức), sự việc xảy ra vào sáng 17/3.
Trong tuần qua, dư luận và phụ huynh học sinh trên địa bàn tỉnh Nam Định đang rất bức xúc sau khi xem đoạn clip quay cảnh một nữ sinh bị 4 học sinh khác đánh đập, quay clip tung lên mạng xã hội. Trong clip, 1 nữ sinh bị các bạn khác giật tóc lôi ra, dùng chân đạp vào bụng, đá vào mặt. Nữ sinh bị đánh đành ngồi im ôm mặt chịu trận trước sự cổ vũ, chửi bới thô tục của hàng chục học sinh khác xung quanh.
Trước đó, vào chiều 15/3, đoạn clip dài khoảng 1 phút ghi lại hình ảnh nhóm 4 nữ sinh đã dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào vùng đầu, người của bạn học ngoài khu vực công viên. Sự việc sau đó được xác định là xảy ra tại thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), nhóm nữ sinh tham gia đánh nhau là học sinh lớp 8. Tương tự, ngày 15/3, mạng xã hội cũng xuất hiện clip quay lại cảnh hai học sinh đánh nhau giữa hai nữ sinh Trường THCS thị trấn Vĩnh Thuận và Trường THPT Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang).
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều clip trên mạng xã hội ghi lại cảnh nữ sinh đánh nhau cả trong và ngoài nhà trường. Ảnh cắt từ clip.
Ngăn chặn bạo lực học đường bằng cách nào?
Chỉ ra nguyên nhân nữ sinh tham gia ẩu đả trong và ngoài nhà trường nhiều hơn, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) cho biết, chuyện nữ sinh đánh nhau, tung clip lên mạng xã hội hiện nay có tần suất dày đặc không còn là hiện tượng mà đến lúc phải báo động và cần có những giải pháp. Hiện tượng nữ sinh đánh nhau nhiều và được đưa lên mạng là do nhiều em lầm tưởng mình là "người hùng", bên cạnh đó là trào lưu "câu like" sống ảo, nó cũng cho thấy đạo đức học sinh, các em không đoàn kết, yêu thương nhau, học sinh ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức…
Chia sẻ kinh nghiệm, thầy Phú cho biết, về kỷ luật, học sinh trong trường có ý thức, nghiêm chỉnh chấp hành các nội quy, quy định nhà trường, chưa phải xử lý học sinh xô xát, đánh nhau bao giờ. Mỗi khi học sinh có khúc mắc, sẽ được giáo viên giải thích, làm hòa, được các bạn quan tâm, khuyên nhủ. Nhà trường xác định, kỷ luật là biện pháp hạn chế nhất, có quan tâm đúng mức, học trò sẽ không vi phạm.
Cũng theo thầy Phú, Trường THPT Nguyễn Du luôn xác định xây dựng môi trường xanh, sạch đẹp để các em thêm yêu ngôi trường của mình. Học sinh tham gia các hoạt động, sân chơi được nhà trường đầu tư mạnh mẽ về tâm huyết, vật chất để tạo sức hút đối với học sinh. Ngay cả việc tuyên truyền, trường cũng cố gắng mời những nhân vật trẻ, nổi tiếng để giao lưu, giáo dục cho học sinh. Học sinh vừa học và vừa chơi, nhưng rất bổ ích. "Nhà trường luôn lắng nghe những chia sẻ của học sinh, xây dựng văn hóa yêu thương, bao dung trong toàn trường. Không thờ ơ trước các sự việc, nỗi đau của người khác…" - thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ thêm.
Để hạn chế tình trạng học sinh đánh nhau, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, đưa ra giải pháp: "Tình trạng học sinh đánh nhau, tung các clip lên mạng xã hội vừa qua là thực trạng đáng buồn. Các em đều trong độ tuổi diễn biến tâm lý khác thường, bồng bột… Do đó, giáo viên và phụ huynh cần phối hợp, nắm bắt được điều này để có những hướng dẫn cho phù hợp. Nhà trường cần tăng cường trang bị kỹ năng sống, giáo dục về văn hoá ứng xử, tôn trọng những người xung quanh và cả trên mạng xã hội".
Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Theo đó, các địa phương, nhà trường tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường trong chương trình và hoạt động giáo dục của nhà trường. Xây dựng các chuyên đề về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường lồng ghép trong các hoạt động giáo dục, hoạt động Đoàn, Đội. Tổ chức tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống bạo lực học đường, giáo dục kỷ luật tích cực cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên...
*Tiêu dề do Dân Việt đặt lại
Quang Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.