Nạn nhân của bạo lực học đường: Thu mình như con ốc, có thể tìm đến cái chết

Mỹ Quỳnh Thứ năm, ngày 18/03/2021 06:00 AM (GMT+7)
Theo các chuyên gia, nạn nhân của bạo lực học đường, nếu nhẹ thì có thể mất tự tin trong học tập cũng như cuộc sống, thu mình như con ốc. Nặng hơn, các em có thể có hành vi hủy hoại bản thân hoặc tìm đến cái chết.
Bình luận 0

Ám ảnh, tổn thương tâm lý vì bạo lực học đường

Ngày 12/3, một clip dài hơn 5 phút ghi lại cảnh nữ sinh trường THPT Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh (TP.HCM) bị bạn đánh. Trong clip, lúc đang nói chuyện, một nữ sinh bị nhóm bạn giật tóc, tát, đập đầu xuống nền đất không thương tiếc. Đáng nói, trong lúc bạn nữ sinh bị hành hung, các bạn học khác lại thờ ơ, vô cảm và dùng điện thoại quay lại cảnh bạo lực học đường này.

photo-1615797002781

Nữ sinh lớp 10 Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bị bạn đánh trong sự thờ ơ, vô cảm của bạn học. Ảnh cắt từ clip

Đây không phải sự việc hiếm hoi, vì chỉ trong tháng nửa đầu tháng 3/2021 đã có rất nhiều vụ bạo lực học đường khác diễn ra.

Ngày 3/3, vì một mẫu thuẫn nhỏ mà nam sinh lớp 10 ở Đắk Lắk bị nhiều bạn học vây đánh hội đồng trong nhà vệ sinh. 

Ngày 5/3, nữ sinh lớp 9 trường THCS Tô Hiệu (TP.Hải Phòng) bị 1 nhóm học sinh trường khác đánh hội đồng.

Ngày 6/3, một nữ sinh Trường THCS Sen Phương (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) bị các nữ sinh khác của trường đánh hội đồng.

Những sự việc gây nên nỗi ám ảnh lớn không chỉ đối với các học sinh, mà còn là sự lo lắng về môi trường học tập lành mạnh, sự bức xúc của phụ huynh, cũng như toàn xã hội.

Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, bà Lâm Minh Trúc – Tâm lý gia lâm sàng tại Bệnh viện TP.Thủ Đức - cho biết, những tổn thương về tâm lý của học sinh sau khi bị bạo hành là rất nghiêm trọng. 

Nó có thể sẽ kéo dài nhiều năm, thậm chí cả cuộc đời khiến cho người bị bạo hành thu mình lại, không thể hòa nhập và phát triển tâm lý một cách bình thường. Các em lúc nào cũng có trạng thái lo âu, sợ hãi, buồn chán, không dám đối mặt với bạn bè. 

"Nếu nhẹ, các em có thể mất tự tin trong học tập cũng như cuộc sống, không nhìn nhận được khát khao, mong mỏi của bản thân để phấn đấu mà chỉ như con ốc, lúc nào cũng co lại với những mặc cảm. Nặng hơn, các em có thể có hành vi hủy hoại bản thân, tự làm mình tổn thương, chống đối, làm hại người khác hoặc tìm đến cái chết", bà Trúc nói.

Cũng theo bà, bạo lực học đường có hai loại, bạo lực thể chất và bạo lực tinh thần. Bạo lực thể chất là khi học sinh dùng vũ lực với nhau, đây là loại dễ nhận thấy, dễ can thiệp và xử lý. Đối với bạo lực tinh thần, nó có sự ảnh nghiêm trọng, dai dẳng nhưng lại khó phát hiện. 

"Ở bất kỳ lứa tuổi nào trên ghế nhà trường, từ mẫu giáo cho đến học sinh phổ thông trung học đều có thể là nạn nhân của bạo lực học đường. Sự cô lập trong môi trường giáo dục là bạo lực khủng khiếp nhất đối với những đứa trẻ mà chúng ta vẫn thường xem nhẹ. Bạo lực thể chất hay tinh thần đều dẫn đến hệ quả chung là trẻ bị giảm phát triển về tâm trí, không được can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hệ quả khó lường", bà Minh Trúc cho biết thêm.

Để hạn chế bạo lực, cần sự nhập cuộc của cả hệ thống

Theo quy định của Bộ Luật Hình sự, người từ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội phạm. Người từ 14 tuổi đến 16 tuổi có thể chịu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp nhất định. Đối với từng vụ việc, cơ quan điều tra sẽ tiến hành giám định thương tích cho nạn nhân để xác định tỉ lệ thương tích, đồng thời xác định độ tuổi của nạn nhân cũng như độ tuổi của các đối tượng đã đánh nạn nhân để có căn cứ để xử lý.

Về phía nhà trường, hình thức kỷ luật cao nhất là tạm đình chỉ học tập trong thời gian 2 tuần đối với những học sinh vi phạm. Tuy nhiên, đây chỉ là động thái giải quyết những việc đã rồi, còn để hạn chế, giảm bớt và chấm dứt bạo lực học đường thì cần có sự nhập cuộc của cả hệ thống.

Bạo lực học đường: Cần sự nhập cuộc của cả hệ thống - Ảnh 3.

Rất cần thiết tổ chức tham vấn học đường trong trường học để giải quyết các vấn đề về tâm lý cho học sinh (Ảnh: toquoc.vn)

Bà Hoàng Yến – Tâm lý gia (Khoa Tâm thể BV TP.Thủ Đức, Giảng viên Đại học Y dược) cho rằng, việc phòng ngừa vấn đề bạo lực học đường là rất quan trọng. Để làm được điều này, cần sự vào cuộc của cả hệ thống gồm gia đình, nhà trường, bản thân các em và cả xã hội.

"Đối với gia đình, việc giáo dục cho con hiểu các loại bạo lực học đường, thế nào là bị bạo lực, kỹ năng giải quyết khi tình huống xảy ra và khi nào cần sự giúp đỡ của người lớn. Bên cạnh đó, những đứa trẻ có hành vi bạo lực người khác cũng chính là những người có vấn đề tâm lý, cần được gia đình – xã hội bao dung, quan tâm đặc biệt hơn", bà Yến nhận định.

Theo đó, việc đầu tiên là gia đình phải giáo dục, trang bị các kỹ năng cho con theo từng cấp độ để ứng phó được với tình huống xảy ra. Ngược lại, bản thân học sinh cũng phải có kỹ năng, từ chối, lên tiếng và cầu cứu khi cần thiết. Điều này sẽ giúp học sinh hạn chế được những va chạm và vững tin hơn khi các em biết có sự đồng hành của gia đình, không phải sợ hãi, giấu giếm và tự chịu đựng.

Về phía nhà trường, cần có trung tâm tham vấn học đường để tư vấn chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các em học sinh cũng như tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với lứa tuổi học sinh. Các vấn đề về tâm lý học sinh thường gặp có thể thuộc một trong năm lĩnh vực: Học tập, nhận thức, cảm xúc, hành vi và xã hội. 

Đặc biệt, cần có những buổi giáo dục cho học sinh về hành vi và xã hội và cách lên tiếng bảo vệ bạn bè, tránh các trường hợp vô cảm, dửng dưng. Bởi sự vô cảm của đám đông luôn là ám ảnh khiến những em bị bạo lực học đường khó thoát ra được.

"Chúng ta hoàn toàn không thể kiểm soát được môi trường học tập của các con, chỉ có thể dạy con cách bảo vệ bản thân, thích ứng, hòa giải trước sự việc. Đồng thời, quan trọng nhất là luôn quan tâm, hỏi han và đồng hành cùng con cái", bà Yến chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem