Trần Thắng là ai mà khiến cho đại nghiệp của Tần Thuỷ Hoàng tan vỡ?
Trần Thắng là ai mà khiến cho đại nghiệp của Tần Thuỷ Hoàng tan vỡ?
MA
Thứ tư, ngày 25/12/2024 09:30 AM (GMT+7)
Tuy thất bại, nhưng khởi nghĩa Ngô Quảng – Trần Thắng đã mở ra cơ hội giúp các nước chư hầu khôi phục thế lực. Lưu Bang, Hạng Vũ cũng tranh thủ củng cố lực lượng, tiêu diệt nước Đại Tần do Tần Thuỷ Hoàng bỏ qua tâm huyết gây dựng...
Trần Thắng là ai mà khiến cho đại nghiệp của Tần Thuỷ Hoàng tan vỡ?
Tần Thủy Hoàng đã hao công tốn của vào việc xây đắp trong nhiều năm, nhằm xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Ông ta đã huy động hàng triệu dân phu và binh sĩ, đồng thời còn điều động 700 nghìn tù nhân đi xây dựng cung A Phòng, một cung điện hào hoa tráng lệ nhất lúc bấy giờ.
Năm 210 trước công nguyên, Tần Thủy Hoàng băng hà trên đường đi thị sát, con trai thứ 18 là Hồ Hợi lên nối ngôi, tức Tần Nhị Thế, dưới sự dung túng và lường gạt của tên gian thần Triệu Cao, Hồ Hợi lại càng thêm táo tợn hơn, đã điều động mấy trăm nghìn dân phu và thợ đá đi xây dựng lăng mộ Tần Thủy Hoàng, lăng mộ còn chưa xây xong, lại điều mấy trăm nghìn dân phu và tù nhân đi xây dựng mở rộng cung A Phòng.
Bấy giờ dân số Trung Hoa chưa đầy 20 triệu, mà số lao dịch và binh dịch đã chiếm hơn 3 triệu người, làm lãng phí biết bao nhân lực và tài lực, phá hoại sản xuất nông nghiệp, nhân dân không được nghỉ ngơi dưỡng sức nên vô cùng căm tức.
Năm 209 trước công nguyên, đất Dương Thành bị điều động hơn 900 người đi Ngư Dương trấn giữ biên cương, nhằm quản lý số người này, hai tên quan quân áp giải đã chọn hai người binh phu mẫn cán làm đồn trưởng để giúp việc, một người tên là Trần Thắng người Dương Thành, còn một là Ngô Quảng người Dương Hạ. Hai người vốn không quen biết nhau, nhưng vì cùng là đồng hành và cùng là đồn trưởng, nên họ đã trở thành đôi bạn thân.
Đường từ Dương Thành tới Ngư Dương dài mấy nghìn dặm, bấy giờ đang là mùa mưa, đường bị ngập nước lầy lội rất khó đi, mà theo pháp lệnh thời bấy giờ, nếu không đến tập trung đúng thời hạn thì số người này tất bị giết chết. Nhưng khi đoàn người đến xã Đại Trạch thì trời mưa tầm tã, đường đi bị nước cuốn trôi không còn lối đi, họ đành phải vào nghỉ trong một ngôi miếu hoang để đợi mưa tạnh rồi tiếp tục đi. Nhưng nào ngờ trận mưa này kéo dài tới mười mấy hôm.
Trần Thắng biết đã bị nhỡ thời hạn, bèn lén bàn với Ngô Quảng rằng: "Nơi này cách Ngư Dương còn rất xa, dù có tạnh mưa thì cũng chẳng đến kịp, lẽ nào chúng ta cứ chịu giương cổ để người ta chặt ư ?". Ngô Quảng nói: " Hay là chúng ta trốn đi còn hơn là đâm đầu vào chỗ chết". Trần Thắng nói: "Chạy trốn mà bị chúng bắt được thì cũng bị giết chết, chi bằng ta làm phản còn hơn, nếu không thành công thì cùng lắm cũng là chết chứ gì". Ngô Quảng đồng ý, rồi hỏi Trần Thắng nên bắt đầu từ đâu. Trần Thắng suy nghĩ hồi lâu rồi đáp rằng: "Nghe nói vua Tần Nhị Thế là con út của Tần Thủy Hoàng, hắn đã đoạt vương vị của anh cả là Phù Tô, mà Phù Tô là một người trung hậu nhân nghĩa, rất có uy tín trong nhân dân, mọi người còn chưa biết Phù Tô phải chăng đã bị hại. Còn Hạng Yến là một danh tướng nước Sở, từng lập nhiều chiến công và được người nước Sở rất kính trọng, hiện cũng chẳng ai biết ông ta còn sống hay đã chết. Nay ta giả mượn danh nghĩa của hai người này, kêu gọi người nghèo trong thiên hạ cùng làm phản, người nước Sở nhất định sẽ hưởng ứng". Ngô Quảng vô cùng tán thành, rồi hai người cùng mật bàn kế sách với nhau.
Ngày hôm sau, người đầu bếp đi chợ mua về một con cá, khi mổ cá ra thì thấy bên trong có một miếng vải lụa, trên viết ba chữ "Trần Thắng Vương" bằng son đỏ, mọi người đều kháo nhau về việc này. Đêm hôm đó, trên bụi cây cạnh miếu bỗng có ánh sáng lượn lờ như ma chơi, rồi nghe tiếng con cáo nhại tiếng người kêu to: "Đại Sở hưng, Trần Thắng vương". Mọi người nghe vậy đều hú vía, họ bàn tán xôn xao và cho rằng đây là trời sai Hồ Tiên đến báo tin, nên ngày hôm sau họ cùng kéo nhau đến xem mặt Trần Thắng, thấy tướng mạo Trần Thắng na ná như chân long thiên tử, thêm vào đó Trần Thắng thường ngày đối xử tốt với mọi người, nên họ càng thêm kính trọng Trần Thắng.
Chiều tối hôm đó, Ngô Quảng nhân thấy hai tên quan quân áp giải say rượu liền nói với họ rằng: "Nay dù sao cũng đã quá hạn rồi, vậy xin hai ông hãy để chúng tôi về ", hai người nghe vậy vô cùng tức giận, một người vung roi quất vào mặt Trần Thắng, còn một người rút kiếm ra chỉ chỏ hăm dọa, mọi người thấy vậy đều xô tới, Trần Thắng thấy vậy liền nhanh tay đoạt lấy thanh kiếm rồi đâm chết hắn, còn tên kia cũng bị Ngô Quảng đánh chết.
Trần Thắng và Ngô Quảng thấy mọi người đã đồng lòng với nhau, bèn quyết định lập tức khởi nghĩa, ông cử một tốp người vào rừng đẵn gỗ chặt tre để làm khí giới, còn một tốp đào đất đắp đàn tế, khâu một lá cờ trên viết một chữ Sở to bằng cái đấu, rồi mọi người cùng làm lễ ăn thề, Trần Thắng và Ngô Quảng được bầu làm thủ lĩnh, đoàn người nhanh chóng đánh chiếm được xã Đại Trạch, nông dân các nơi nghe tin, người thì đem lương thực đến úy lạo, kẻ thì vác mai cuốc đến tham gia quân khởi nghĩa, khiến số người tăng lên đông gấp mấy lần, Trần Thắng đổi hiệu xưng vương ở huyện Trần và lập quốc hiệu là "Trương Sở".
Sau khi Trần Thắng và Ngô Quảng dựng cờ khởi nghĩa, các nơi trong cả nước đều tới tấp hưởng ứng, một cuộc khởi nghĩa lớn của nông dân nhằm chống lại triều nhà Tần, đã triển khai rầm rộ tại vùng Trung Nguyên.
Sau khi chiếm được huyện Trần (nước Trần cũ thời Xuân Thu), Trần Thắng và Ngô Quảng đã có tới hơn 700 cỗ chiến xa, kỵ binh hơn ngàn, binh sĩ mấy vạn người. Trong trận quyết chiến với tướng Tần là Chương Hàm ở Hàm Cốc, quân khởi nghĩa đã đông tới mấy mươi vạn.
Sau khi đủ vây cánh, Trần Thắng tự lập làm Trương Sở vương, phong cho Ngô Quảng là Giả vương. Một số tướng của Trần Thắng như Vũ Thần, Ngụy Cữu, Điền Đam đều tự lập làm Triệu vương, Ngụy vương, Tề Vương. Con cháu các nước chư hầu cũng ngóc đầu đậy, cùng hợp sức đánh nước Tần. Lưu Bang ở đất Bái, Hạng Vũ ở Cối Kê nhân lúc thiên hạ náo loạn, dấy binh khởi nghĩa.
Năm 208 TCN, Ngô Quảng đem quân đánh thành Huỳnh Dương nhưng không phá nổi. Chương Hàm dẫn 30 vạn quân Tần dẹp loạn, giao chiến ác liệt với quân khởi nghĩa ở Hàm Cốc. Ngô Quảng đại bại, bị các tướng lĩnh dưới quyền làm phản giết chết.
Chương Hàm phá tan đạo quân chủ lực của Ngô Quảng, thừa thắng xông lên đánh như trẻ tre. Các cánh quân còn lại của Trần Thắng liên tục tan vỡ. Trần Thắng cũng không đủ uy tín để tập hợp chư hầu cùng chống Tần. Tháng 10.208 TCN, trên đường bỏ chạy, Trần Thắng bị người đánh xe tên Trang Giả ám sát, dâng đầu cho Chương Hàm.
Tuy thất bại, nhưng khởi nghĩa Ngô Quảng – Trần Thắng đã mở ra cơ hội giúp các nước chư hầu khôi phục thế lực. Lưu Bang, Hạng Vũ cũng tranh thủ củng cố lực lượng, tiêu diệt nước Tần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.