Trần tình một con nghiện vùng đô thị hoá

Chủ nhật, ngày 06/04/2014 07:49 AM (GMT+7)
Đang cố công học hành để thoát cảnh nghèo khó của gia đình làm rẫy. Bỗng một ngày mở mắt thức dậy, Nguyễn Viết H. có trong tay gần cả tỉ đồng nhờ miếng đất bà ngoại thừa kế nằm trong khu quy hoạch…
Bình luận 0
H., 22 tuổi, nhà ở Trung An, huyện Củ Chi, nói: “Cả nhà ngỡ sẽ sung sướng. Ai ngờ, tiền đó lại chính là một bi kịch kéo dài”.

Chơi cho bằng bạn, bằng bè

Theo H., kể từ khi miếng đất rẫy bà ngoại thừa kế nằm trong quy hoạch khu thương mại, đến khi nhận được tiền bồi thường, trong đầu em không còn nghĩ đến chuyện học hành. Thời điểm đó chỉ còn chưa đầy một học kỳ nữa là H. hoàn thành lớp trung cấp kế toán. Em chỉ nghĩ đến việc “trả đũa” những kẻ đã từng coi thường mình là hai lúa.

Tang vật của một chiếu bạc
Tang vật của một chiếu bạc

Ban đầu, H. sắm chiếc xe máy xịn, rồi quần áo, giày dép hàng hiệu, cốt cho chúng bạn lác mắt. Có tiền lại toàn chơi với bạn con nhà “giàu vì đất”, chứng tỏ mình “giàu”. Cuộc “đua” kéo dài hai tháng trời, đâm oải. Rồi H. và mấy người bạn chuyển đẳng cấp dân chơi bằng cách cá độ đá banh và săn tiếp viên đẹp trong các quán bar ở khu vực quận 12. Cả nhóm giao kèo “thắng là phải khao”. Chưa đầy năm tháng H, bị “rớt”hơn 500 triệu đồng và rớt luôn kỳ thi tốt nghiệp. Số tiền còn lại, khoảng chưa đầy sáu tháng sau cũng bay vèo theo chân bóng. Đó là năm 2013.

Đang say sưa kể, bỗng H. xoay qua hỏi những người xung quanh: thời gian gần đây, mấy chú, mấy anh chắc ai cũng thấy hôm nay báo này đăng học sinh ở Bình Phước bị bắt đòi tiền chuộc nợ bài bạc; thanh niên kia ở tận Cần Đước, Long An thiếu nợ đá banh hàng chục triệu đồng... trong khi trong túi họ chẳng có một xu dính túi. Sao họ liều vậy (?!) Không đợi mọi người kịp suy nghĩ, H. tự cho rằng: “Chắc họ cũng giống con thôi!”

H. tâm sự, dù đang ngồi nơi đây – cuộc nói chuyện diễn ra vào một đêm trung tuần tháng 3, tại khoa tiêu hoá, bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM – nhưng trong đầu lại nghĩ về trận banh đang theo bảy chai (tức bảy triệu) cho đội kèo trên; trong khi túi không còn đủ trăm ngàn để đi xe ôm về nhà. “Con liều như vậy là vì các nhà cái biết con là con bạc khát nước đã đốt gần hết tỉ đồng cho họ, nên khi cá độ họ không cần biết con đang có tiền hay không”, H. nói. Trận này mà thua nữa là nợ nhà cái tổng cộng gần 30 triệu đồng.

Trượt dài vì không tìm ra điểm tựa!

Cha mẹ H. từ lúc đất đai có giá, cũng chẳng thua gì em. Má em ngày nào không bao vài số (tức số đề – PV), là coi như ngày đó ăn không ngon ngủ không yên. Ba em ngày nào không chống cựa được một con gà hay làm vài chai bia là ngày đó ổng như người mất hồn”. H. tả lại tình cảnh cha mẹ. “Do đó, mỗi lần hay tin em thua bạc ổng bả chỉ biết chửi mình chơi ngu, chứ có ngăn cấm gì đâu”, H., nói.

“Với cách nói và suy nghĩ của em, anh thấy em cũng biết là mình sai ở chỗ nào. Vậy sao không cắt con ma cờ bạc, cố gắng học để kiếm cái nghề”, tôi hỏi. Không những không trả lời câu hỏi, mà H., còn quay ra “vặn ngược”: chú có thấy ai thoát ra trong một gia đình toàn con nghiện chưa. Con nghĩ là rất hiếm. Thực tế, đã có ít nhất hai lần con quyết tâm đi học nghề. Cứ tưởng mình quyết tâm ổng bả sẽ mừng. Ai ngờ, còn quay ra châm chọc con: tướng mày chỉ phá hại chứ học hành gì. “Người thân không tin, bản thân chưa bỏ được máu cờ bạc nên con cứ thế trượt dài”, H. nói mà không cần phải giấu giếm.

H. cho biết lần này nếu thua bạc, chắc chắn em sẽ về buộc cha mẹ chia đất để bán tìm cách gỡ gạc và xuôi theo ý trời!

Khi H., kết thúc câu chuyện, người viết dù được em gọi bằng chú, được nghe tâm sự những điều thầm kín cũng đành bất lực, nhìn H. đi vào “chỗ chết” mà không thể đưa ra được lời khuyên nào. Bởi chính người thanh niên ấy biết mình đi vào ngõ cụt nhưng chẳng muốn thoát ra, thì khó ai ngăn được.

Câu chuyện của Viết H. không phải là mới. Và trên thực tế câu chuyện này được kể tiếp từ gần 20 năm qua của các vùng nông thôn khi cơn lốc đô thị hoá kéo qua. Ở đó, nếu ai “lên đời” mà không có tính căn cơ thì sớm muộn cũng quay trở lại kiếp mạt, vì thói vung tiền, do nghĩ nó không phải là mồ hôi nước mắt của mình.

Những bi kịch kể trên có thể ngăn ngừa phần nào một khi các cấp chính quyền kiên quyết thực hiện đúng các quy định về thu hồi, giải phóng mặt bằng. Đó chính là chuyện hướng nghiệp, chuyện đào tạo nghề cho các vùng mới đô thị hoá.
Đào Lê ghi (Thế giới Tiếp thị) (Đào Lê ghi (Thế giới Tiếp thị))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem