Trăn trở khi thế hệ doanh nhân ban đầu đang già đi

Thứ sáu, ngày 14/10/2022 15:10 PM (GMT+7)
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương là người có công lớn trong soạn thảo luật Doanh nghiệp. Nhân ngày doanh nhân, ông chia sẻ những đánh giá rất đáng suy nghĩ về khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.
Bình luận 0

Những bước tiến dài

Các tầng lớp doanh nhân Việt Nam chịu nhiều thăng trầm trong quá khứ. Sau Đổi mới, khi thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, các doanh nhân mới bắt đầu xuất hiện. Đến năm 2011, DN tư nhân được xác định là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của nền kinh tế và gần đây mới được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Về luật pháp, quyền tự do kinh doanh là một bước tiến dài. Từ lúc kinh doanh chui, đến lúc được kinh doanh những gì mà Nhà nước cho phép, rồi được kinh doanh những gì Nhà nước không cấm, tiến tới được tự do kinh doanh những gì luật pháp không cấm. Ngày nay, quyền tự do kinh doanh đã được mở rộng, phát triển và đảm bảo cho kinh doanh an toàn hơn.

Về mặt thực tế, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp hơn 44% GDP trong khi DNNN đóng góp 28% GDP, DN FDI 18%. Họ tạo ra tuyệt đại bộ phận công ăn việc làm cho nền kinh tế, nộp thuế thu nhập DN lớn nhất và xu hướng này tiếp tục tăng lên.

Những thương hiệu lớn, những sản phẩm phổ biến và cạnh tranh đều do DN tư nhân làm ra. Trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, họ chi phối, tạo ra những khu đô thị mới, những khu du lịch đáng đến. Họ đã làm sân bay, đường cao tốc, sản xuất điện, đặc biệt còn tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện, lĩnh vực trước đây chỉ có DNNN làm.

Trăn trở khi thế hệ doanh nhân ban đầu đang già đi - Ảnh 1.

TS Nguyễn Đình Cung

DN tư nhân len lỏi vào vùng sâu, vùng xa để cung cấp dịch vụ, phát triển du lịch cộng đồng, tạo công ăn việc làm và giúp cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương.

Ngay cả trong lĩnh vực chuyển đổi số, các DN tư nhân như FPT, CMC… thể hiện rõ sự năng động hơn DNNN. Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bên cạnh 4 ngân hàng của nhà nước, cũng thấy nổi lên những ngân hàng của tư nhân, tạo nên cạnh tranh, thúc đẩy quản trị và giúp nâng cấp chất lượng phục vụ. Sắp tới đây, các DN tư nhân sẽ tham gia những dự án giao thông rất lớn của quốc gia.

Tầm vóc và năng lực của DN tư nhân là như vậy. DN tư nhân xuất hiện ở mọi lĩnh vực, ở khắp mọi nơi với vị trí, vai trò ngày càng quan trọng và không thể thiếu.

Tiềm năng lớn nhưng lớn chậm

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại. Khu vực hộ kinh doanh cá thể vẫn chiếm tuyệt đại đa số, đóng góp 33% GDP. Đa số họ chỉ tạo việc làm và thu nhập cho gia đình. Khu vực này đang rất nhiều, nhưng vẫn hoạt động trong khu vực phi chính thức, chưa quan sát được.

Trong khi đó, các DN tư nhân có đăng ký chính thức chỉ chiếm 11% GDP. Tỷ lệ DN nhỏ và vừa và doanh nghiệp cực nhỏ đang chiếm tuyệt đại đa số; tỷ lệ DN lớn rất thấp.

DN tư nhân có tiềm năng lớn nhưng bị hạn chế quá nhiều. Nếu không có những hạn chế này, họ còn phát triển nổi trội hơn nhiều.

DN tư nhân không chịu lớn và lớn lên rất chậm. Báo cáo 500 DN tư nhân của Trung tâm thông tin dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có những DN năm nay vào danh sách, năm sau lại ra. Điều đó cho thấy, sự phát triển của DN chậm, không ổn định, không nhất quán.

Như tôi đã đề cập, đại đa số DN tư nhân là nhỏ và vừa nên còn rất yếu, chỉ lo sinh kế, kiếm tiền để sống chứ chưa thể phát triển lên tầm mới được.

Mặc dù nền kinh tế là mở và hội nhập nhưng đa số DN tư nhân, trừ trong lĩnh vực sản xuất nông sản, đặc biệt là thủy sản, không kết nối, không hội nhập được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Họ không tận dụng được những cơ hội mà các hiệp định FTAs mang lại như các DN FDI đã tận dụng.

Trăn trở khi thế hệ doanh nhân ban đầu đang già đi - Ảnh 2.

Các doanh nhân dự lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Ảnh: TTXVN

Không dám đầu tư lớn

Về mặt luật pháp, chính sách và kể cả dư luận xã hội, vẫn có khoảng cách đối với họ. Xin lấy ví dụ, các DN FDI gần như ít bị thanh tra, kiểm tra; họ lại được chuẩn bị sẵn cho các khu công nghiệp hay tiếp cận đất đai. Vì thế, pháp luật chi phối chỉ một bộ phận nhỏ DN FDI. Trong khi đó, DN tư nhân bị thanh tra, kiểm tra, có vi phạm là bị bêu ra trước công luận. Họ bị toàn bộ hệ thống chi phối. Đó là gánh nặng. Mà họ càng kinh doanh lớn và đa ngành thì càng gặp rủi ro lớn và không kiểm soát được.

Luật pháp đang tạo ra cho DN tâm lý không đầu tư lớn. Trên thế giới, những tập đoàn lớn đều cố nắm lấy những công nghệ nguồn, hết sản phẩm này là nghiên cứu, đưa ra sản phẩm khác. Nhưng DN Việt Nam không cần áp dụng công nghệ mới, không đầu tư cho nghiên cứu phát triển, bởi có muốn cũng không làm được.

Hơn nữa, DN nhỏ và vừa gần như rất khó tiếp cận vốn. Các chính sách hỗ trợ của nhà nước về tiếp cận vốn gần như vô hiệu với họ. Họ cũng gần như không thể tiếp cận đất đai được. Bây giờ không còn cấp đất, cho thuê đất nữa, và muốn tiếp cận đất, họ phải đấu thầu, đấu giá.

Trên thực tế, DN nhỏ và vừa không đủ điều kiện để tham gia đấu thầu, đấu giá. Không có đất, họ không thể xây dựng nhà máy, kho hàng cho sản xuất; không có khả năng, cơ hội mở rộng đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Nhân đây, tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông.

Ví dụ, truyền thông đưa tin, hình ảnh nông sản sạch và không sạch. Không có nông sản sạch hay bẩn; chỉ có nông sản an toàn hay không an toàn. Cách truyền thông như thế tạo cho xã hội có suy nghĩ, đánh giá DN tư nhân làm ăn không đàng hoàng, tạo quan niệm xã hội không công bằng. DN tư nhân bị đánh giá là kinh doanh chụp giật, làm hàng giả, hàng lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ. Như thế hình ảnh của DN tư nhân không đẹp.

Cần lực lượng doanh nhân lớn để kinh tế độc lập, tự chủ

Giai đoạn này, tâm trạng của nhiều DN tư nhân mà tôi có cơ hội trò chuyện, thảo luận đang chùng xuống. Thế hệ doanh nhân Việt Nam đầu tiên xuất hiện vào những năm đầu 1990, thế hệ thứ hai là vào những năm 2000. Họ đang già đi và nhiều DN không tìm được ai để chuyển giao. Con cái họ đã đủ tiền để sống cho mấy đời sau, không ít người ra nước ngoài. Thế hệ con cái thấy bố mẹ từng quá vất vả nên rất khó chấp nhận đi lại con đường đó. Đây là dấu hiệu đáng cảnh báo cho sự phát triển bền vững của DN tư nhân.

Nền kinh tế muốn độc lập, tự chủ và phát triển bền vững phải có đội ngũ DN Việt Nam vững vàng và phát huy được hết sự năng động, sáng tạo của tư duy. Tới đây, khi thâm dụng lao động không còn là lợi thế, và nếu không có sức hấp dẫn khác, các DN FDI sẽ chuyển đi. Khi họ ra đi mà DN tư nhân chưa lớn để lấp vào thì nền kinh tế sẽ có lỗ hổng lớn.

Vì vậy, DN tư nhân Việt Nam cần được phát triển mạnh mẽ và công bằng hơn, họ xứng đáng có hình ảnh đẹp hơn và được luật pháp bảo vệ tốt hơn, hiệu quả hơn.



Tư Giang (vietnamnet.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem